Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThị trường bất động sản 2023: Những tín hiệu tích cực từ...

Thị trường bất động sản 2023: Những tín hiệu tích cực từ chính sách tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ

Những ngày cuối năm 2023, hàng loạt dự án bất động sản được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó đáng chú ý là những dự án nhà ở xã hội được khởi động tại các địa phương.

Những tín hiệu tích cực từ chính sách tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ.

Hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã và đang có tác động tích cực cho thị trường. Khi niềm tin của doanh nghiệp và người dân trở lại, thị trường bất động sản sẽ được phục hồi.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, những tháng cuối năm, nhà đầu tư và người dân quan tâm, tìm hiểu về bất động sản nhiều hơn. Tại thành phố Hà Nội, các sàn giao dịch bất động sản đã mở cửa trở lại sau khoảng 1 năm không hoạt động.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong năm 2024 và trung hạn, bất động sản vẫn là lĩnh vực có tiềm năng phát triển tốt. Thực tế cho thấy, phân khúc chung cư có giá bình dân vẫn đang có nhu cầu rất lớn.

Một khảo sát mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam về động thái của chính quyền địa phương trong thực thi chính sách mới được ban hành cho thấy, có tới hơn 50% doanh nghiệp được khảo sát nhận xét, cơ quan quản lý tại địa phương đã bắt đầu thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Đông cho biết: “Trong suốt năm 2023, Chính phủ đã rất tích cực chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đến thời điểm cuối năm này thì cơ bản các dự án luật cũng như các phương án quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã hoàn tất. Doanh nghiệp chúng tôi cảm nhận được hành lang pháp lý và quy trình thủ tục đầu tư đã thuận lợi hơn rất nhiều so với cách đây một năm. Vấn đề thứ hai là vấn đề vốn thì cũng mong các ngân hàng bố trí nguồn lực điều tiết cho vay bất động sản phù hợp”.

Chưa bao giờ các động thái từ phía Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản lại quyết liệt như thời gian gần đây. Rất nhiều cơ chế, chính sách liên tục được ban hành. Toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc.

Với sự chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.

Để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, mới đây nhất, ngày 17/12/2023, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có nhiều triển vọng hơn trong thời gian tới khi những khó khăn của doanh nghiệp tiếp tục được gỡ bỏ. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cụ thể đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các Luật. Rà soát, đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật, tránh xảy ra tình trạng luật vừa ra đã phải sửa.

Theo ông Cấn Văn Lực, cần xây dựng những định chế tài chính bất động sản chuyên biệt, ví dụ quỹ nhà ở xã hội: “Điểm tích cực nữa liên quan đến thúc đẩy đầu tư công đã lan tỏa sang nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, chúng tôi thấy vấn đề về nghĩa cụ tài chính, vấn đề tiếp cận vốn đối với bất động sản cũng đã “dễ thở” hơn và đã được tháo gỡ một phần. Đặc biệt là giãn một số điều kiện ngặt nghèo liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến sang năm để hỗ trợ thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.

Hàng loạt dự án tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng, có thể mở bán vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 sẽ giúp người mua có nhiều lựa chọn hơn.

Đánh giá về tiềm năng thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho rằng, thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng, dù hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường. Việc lãi suất ngân hàng giảm, cùng những chủ trương, chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản thời gian gần đây đã tác động tích cực đến tâm lý người mua nhà.

“Chúng tôi thấy rằng các sản phẩm nhà ở xã hội vẫn đang nhận được sự quan tâm lớn nhất của thị trường, vấn đề là chúng ta không có nguồn cung để đáp ứng mà thôi. Khi lượng hàng nhiều hơn, sự hỗ trợ tốt hơn thì người dân có xu hướng quay trở lại nhiều hơn và niềm tin trở lại. Khi phân khúc nhà ở xã hội sôi động thì các phân khúc khác cũng sẽ phục hồi dần. Đây cũng là xu hướng Chính phủ sẽ hỗ trợ thị trường trong thời gian tới” – ông Nguyễn Quốc Anh nói.

Mặc dù thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực, nhưng trong thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp cần có hành động phù hợp để tự cứu mình. Phải có kế hoạch để cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn. Việc huy động vốn nên gắn với mục đích sử dụng cụ thể giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học Viện Tài chính cho rằng, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần xác định rõ mục tiêu hướng tới của từng địa phương, thậm chí từng dự án cụ thể. Giải pháp trước mắt cần hướng đến các dự án, các doanh nghiệp có năng lực thực sự, để sớm đưa các sản phẩm bất động sản ra thị trường, góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế.

“Hiện nay thị trường vẫn còn rất nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, phân khúc bất động sản cao cấp thì các chủ đầu tư phải tự mình tái cấu trúc, bằng cách giảm thiểu đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh để tập trung vốn cho các dự án cần thiết hoàn thành. Vấn đề thứ hai là đối với những dự án gần hoàn thành thì Chính phủ và các địa phương cần tháo gỡ cơ chế pháp lý, giúp cho các dự án này sớm nhất đưa ra thị trường” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá của một số phân khúc bất động sản sẽ tiếp tục giảm, người sở hữu chịu áp lực vay lãi ngân hàng trong thời gian dài buộc phải bán ra tài sản. Đây cũng là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào “bắt đáy”, mở thanh khoản, khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn.

Hiện cả nước có khoảng hơn 100.000 căn hộ đang xây dựng. Nếu thủ tục liên quan đến tiến độ dự án được khơi thông sẽ giúp cải thiện nguồn cung trên thị trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua.

Các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở mới được Quốc hội thông qua là rất quan trọng. Nếu Luật Đất đai sửa đổi sớm được thông qua và có hiệu lực kịp thời như kế hoạch vào nửa cuối 2024, được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt lớn cho thị trường bất động sản phục hồi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới