Tình hình an ninh thế giới năm 2023 có những diễn biến hết sức phức tạp, cam go và có lúc nóng bỏng do cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” của Mỹ, phương Tây tiến hành chống Nga thông qua Ucraina vẫn tiếp tục và gần đây là cuộc chiến tranh “hủy diệt lẫn nhau” giữa lực lượng Hamas ở dải Gaza với Israel khiến các khu vực khác của thế giới phải “nín thở”, “án binh bất động” mà chuẩn bị ứng phó với thời cuộc.
Có lẽ vì thế mà cục diện an ninh Biển Đông năm 2023 mặc dù có những chuyển biến đáng kể và phức tạp hơn so với năm 2022 nhưng nhìn chung vẫn ổn định, mọi diễn biến, nhất là căng thẳng gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ những gì đang diễn ra trên thực địa ở Biển Đông, cũng như toan tính về bước đi của các bên trong tương lai, cho thấy tính chất ổn định này chỉ ở mức tương đối. Biển Đông vẫn có thể “dậy sóng” mạnh hơn trong năm 2024.
Những chuyển động đáng chú ý về tình hình an ninh Biển Đông trong năm 2023
Hai nhân tố chủ yếu tác động tới an ninh Biển Đông trong năm 2023
Thứ nhất, Mỹ không những thắt chặt quan hệ hơn với đồng minh hiệp ước Philippines, mà còn lôi kéo các nước đồng minh khác tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở Biển Đông, khiến tình hình an ninh ở vùng biển này càng phức tạp hơn.
Mặc dù phải tập trung tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các điểm nóng cả cũ và mới dọc vành đai Âu – Phi – Á, từ Ukraine, Trung Đông cho tới bán đảo Triều Tiên, nhưng Mỹ vẫn không “bỏ quên” Biển Đông. Điều này được thể hiện qua các hoạt động như tăng cường cam kết chính trị – ngoại giao, hỗ trợ quân sự cho đồng minh Philippines; tổ chức nhiều cuộc tập trận chung với các nước trong khu vực; tăng cường sức mạnh cả trên không và trên biển thông qua hoạt động tuần tra; tổ chức các hoạt động thăm viếng quân sự tới các nước Đông Nam Á…Việc Mỹ có thêm 4 căn cứ quân sự mới ở Philippines, trong đó có những căn cứ nằm ở vị trí rất nhạy cảm trên Biển Đông, gia tăng hoạt động của các tàu hải quân, thậm chí là đội tàu sân bay ở các nước ven Biển Đông, được xem là những động thái rõ ràng nhằm kiềm chế Trung Quốc ở khu vực này.
Không dừng lại ở đó, bằng sức mạnh và vị thế của mình, Mỹ còn lôi kéo và kêu gọi nhiều đồng minh, đối tác cùng tham gia vào các hoạt động trên. Hưởng ứng theo Mỹ, tháng 9/2023, Australia đã nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược với Philippines, lần đầu tiên cùng Philippines tuần tra chung trên biển và trên không ở Biển Đông (25 – 27/11/2023). Nhật Bản đã ủng hộ Philippines rất nhiệt tình cả về vật chất và qua những tuyên bố chính trị. Hai nước bắt đầu đàm phán về một Hiệp định được gọi là “Thỏa thuận tiếp cận đối ứng về an ninh” nhằm hỗ trợ Philippines tăng cường bảo đảm an ninh ở Biển Đông. Đồng thời, Nhật Bản đang phối hợp với Mỹ xây dựng cơ chế an ninh ba bên gồm Mỹ, Nhật Bản và Philippines (JAPHUS) để chia sẻ các thách thức an ninh chung ở Biển Đông, nhất là những thách thức đến từ Trung Quốc. Sự tham gia sâu hơn của Nhật Bản và Australia vào vấn đề an ninh Biển Đông góp phần củng cố thêm chiến lược chuỗi đảo của Mỹ ở châu Á mà ở đó, Philippines là một trong những mắt xích quan trọng hàng đầu.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng đã có các động thái can dự vào Biển Đông. Từ các hoạt động trên Biển Đông trong các năm 2021 và 2022, giờ đây, Vương quốc Anh đã công khai coi tranh chấp ở Biển Đông là mối đe dọa thực sự đối với các lợi ích an ninh quốc gia của mình, đồng thời từng bước làm nổi bật nhận thức về “mối đe dọa Trung Quốc”. Điều này không chỉ đặt nền tảng chiến lược cho sự chuyển đổi chính sách của Anh ở vùng biển này, mà chắc chắn sẽ tạo ra những tác động đối với mối quan hệ Trung – Anh.
Sau Anh, Pháp cũng có những động thái hỗ trợ Philippines mà biểu hiện là Manila đang đàm phán với Paris để mua tàu ngầm lớp Scorpène của nước này nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân. Không khó để nhìn ra, sự xuất hiện của Pháp ở Biển Đông với tuyên bố “bảo đảm tự do hàng hải” là điều có thể diễn ra nhiều hơn trong những năm tới.
Ấn Độ cũng đang có những động thái hiện diện nhiều hơn ở Biển Đông. Ngoài việc hoàn tất chuyển giao các tổ hợp tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos cho Philippines, tháng 5/2023, lần đầu tiên Ấn Độ cử tàu chiến tham gia cuộc tập trận chung với hải quân 7 nước ASEAN ở Biển Đông. Tháng 6/2023, Ấn Độ tuyên bố tặng Việt Nam một tàu hộ vệ tên lửa đang hoạt động.
Dưới sự dẫn dắt của Mỹ, sự ủng hộ và tham gia của các đồng minh của Mỹ vào khu vực và gia tăng quan hệ đối với Philippines, các liên kết “tiểu đa phương” lấy Philippines làm trung tâm đã và đang hình thành, đó là liên kết ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines hay liên kết Mỹ – Australia – Philippines, thậm chí là tham vọng đưa Philippines gia nhập nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia). Rõ ràng, căng thẳng Philippines – Trung Quốc trong năm qua đã kéo theo sự can dự của nhiều cường quốc bên ngoài, làm cho cán cân lực lượng ở Biển Đông đang thay đổi theo hướng gây bất ổn cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Ngoài việc lôi kéo các nước đồng minh, còn có một yếu tố khác buộc Mỹ phải can dự mạnh hơn vào khu vực này, nhất là đối với Philippines để cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở Biển Đông, đó là sự đe dọa của “siêu dự án” “Vành đai và con đường” (BRI) của Trung Quốc. Ra đời từ năm 2013, năm 2023 là kỷ niệm 10 năm triển khai BRI, một sáng kiến mà theo Mỹ là mối đe dọa lớn đối với vị thế của nước này. Do đó, trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, loại bỏ BRI hoặc ít nhất là hạn chế tối đa tính hiệu quả của dự án này là một ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ. Trong khi đó, Philippines là nước có vai trò đáng kể đối với “con đường tơ lụa trên biển” – một phần trong BRI. Để tạo động lực thúc đẩy Philippines từ bỏ hợp tác với Trung Quốc trong BRI, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Philippines Marcos Jr (5/2023), ngoài việc cam kết “vững như thép” để bảo vệ Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT), Washington còn cam kết hỗ trợ nguồn đầu tư về kinh tế cho Manila lên tới 1,3 tỷ USD trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, giảm thiểu biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và công nghệ. Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ J.Biden cũng hứa sẽ khám phá thêm các cơ hội để đầu tư nhiều hơn vào Philippines. Do đó, cùng với nhiều lý do khác, cam kết trên của Mỹ đã tạo động lực để Tổng thống Marcos Jr không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRI tại Bắc Kinh ngày 18/10/2023 và đến cuối tháng 10/2023, Philippines tuyên bố từ bỏ dự án xây dựng ba tuyến đường sắt nằm trong khuôn khổ hợp tác với BRI của Trung Quốc.
Thứ hai, trong khi chính sách của các bên có yêu sách ở Biển Đông không có nhiều thay đổi, thì Philippines lại có sự điều chỉnh chính sách theo hướng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, cùng với đó là sự đáp trả của Bắc Kinh, khiến cho tình hình an ninh Biển Đông có những diễn biến phức tạp hơn năm 2022.
Sau thời gian tạm gác Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Biển Đông (Tòa Trọng tài) nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Chính sách An ninh Quốc gia giai đoạn 2023 – 2028 của Philippines (công bố ngày 12/8/2023) cho thấy, nước này đã quay trở lại lập trường cứng rắn hơn ở Biển Đông. Theo đó, Manila coi chủ quyền ở Biển Đông là lợi ích hàng đầu của họ, đồng thời nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 là cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích quốc gia hàng đầu của Philippines ở Biển Đông. Hơn thế, Tổng thống Marcos Jr còn cho rằng, Philippines ở trong một khu vực ngày càng trở nên “phức tạp hơn” về mặt địa chính trị, cho nên để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, Manila phải hướng về quốc gia duy nhất đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, đó là Mỹ. Sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Marcos Jr đầu năm 2023 trở về, Philippines đã có nhiều thay đổi trong quan hệ với Trung Quốc. Từ cởi mở chuyển sang trạng thái mới, có thể mô tả là “gia tăng đấu tranh, giảm bớt hợp tác”.
Đối với Trung Quốc, các quan chức cấp cao của Bắc Kinh từng nhiều lần tuyên bố, vấn đề Biển Đông là câu chuyện của riêng Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Trung Quốc không hoan nghênh sự xuất hiện của các thế lực bên ngoài. Do đó, việc Philippines “mở ra cánh cửa” cho Mỹ và các nước đồng minh can thiệp vào tình hình khu vực tất yếu sẽ dẫn đến những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.
Hai diễn biến nổi bật về tình hình an ninh Biển Đông trong năm 2023
Một là, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc leo thang và kéo dài ở Biển Đông.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc bắt đầu nổi lên từ tháng 2/2023 qua vụ việc va chạm ở bãi Cỏ Mây, khi Manila tố cáo một tàu Hải cảnh Trung Quốc đã chiếu tia laser vào tàu của Philippines. Mỹ ngay lập tức lên tiếng ủng hộ Philippines, lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc. Sự kiện này đã mở đầu cho một chuỗi dài các căng thẳng trên Biển Đông trong năm 2023 giữa Philippines và Trung Quốc.
Là bên yếu thế hơn, nên Philippines đã có những động thái tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác thân cận, nhất là Mỹ và các đồng minh của Washington. Đáp lại, Mỹ đã nhanh chóng gia tăng các hoạt động quân sự ở khu vực, như điều máy bay trinh sát RC-135 tuần tra trên không nhiều lần trên Biển Đông (tháng 5/2023); cùng với Nhật Bản tiến hành tập trận chung tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Bataan/Philippines, có sự tham gia của Australia với tư cách quan sát viên (tháng 6/2023); cùng với Philippines tổ chức cuộc tập trận hàng hải thường niên mang tên Sama Sama ở khu vực phía nam đảo Luzon (tháng 10/2023). Điều này đương nhiên khiến phía Trung Quốc cũng có nhiều hành động đáp trả, ví dụ tháng 5/2023, Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung với một số nước ASEAN ở khu vực phía Nam Biển Đông; đưa máy bay tiêm kích J-16 áp sát máy bay trinh sát RC-135 Rivet Joint của Mỹ trong không phận quốc tế trên Biển Đông (26/5/2023)… Đầu tháng 8/2023, tình hình tiếp tục trở nên căng thẳng hơn khi Trung Quốc có hành động “nguy hiểm”, sử dụng vòi rồng “bất hợp pháp” tấn công các tàu tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây. Đây là vụ va chạm “toàn diện” lớn thứ hai giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Cỏ Mây trong năm 2023. Ngay sau sự kiện này, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố (05/8/2023) nhấn mạnh, Washington sẽ sát cánh với đồng minh Philippines trước những hành động nguy hiểm của Trung Quốc trong khu vực nhằm cản trở hoạt động tiếp tế của Philippines tới bãi Cỏ Mây. Ngoài bãi Cỏ Mây, các va chạm và căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã lan sang các điểm nóng tranh chấp khác trên Biển Đông, như bãi cạn Scarborough.
Các sự việc điển hình trên cho thấy, trong năm 2023, các căng thẳng trên Biển Đông chủ yếu xoay quanh giữa Philippines và Trung Quốc; Philippines đã có sự điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Trung Quốc, từ “hòa hoãn, hợp tác” sang “gia tăng đấu tranh, giảm bớt hợp tác”, tránh không bị lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế mà đánh mất chủ quyền ở Biển Đông. Mặc dù không phản ánh cục diện mang tính toàn diện ở Biển Đông, nhưng căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã tạo ra một làn sóng dư luận lớn trên các phương tiện truyền thông trong năm 2023. Ngoài ra, với sự can thiệp ngày càng nhiều hơn của Mỹ và đồng minh, các va chạm giữa lực lượng của Trung Quốc với các lực lượng bên ngoài có dấu hiệu gia tăng, nhất là các va chạm giữa Trung Quốc và Mỹ ở trên biển và trên không phận của Biển Đông.
Hai là, tuy có những diễn biến tiêu cực, nhưng trong năm 2023, các nước ASEAN và Trung Quốc đã có những động thái tích cực nhằm tìm kiếm giải pháp cho việc quản lý tranh chấp trên Biển Đông.
Trong hợp tác đa phương, Trung Quốc và ASEAN đã hoàn tất hai vòng đọc và bước vào vòng đọc thứ 3 đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào tháng 3, 7 và 10/2023. Không những vậy, Trung Quốc và ASEAN còn đạt được sự thống nhất về mục tiêu nỗ lực hoàn tất COC vào năm 2026. Đồng thời, ASEAN với tư cách là chủ thể một tổ chức khu vực mà trong đó có thành viên là Philippines, nhưng liên quan đến căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc, tổ chức này không có động thái cụ thể nổi bật nào nhằm ủng hộ hay phản đối bất cứ bên nào, song trong các chương trình nghị sự của mình, ASEAN đều cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa hợp lợi ích của các bên có liên quan.
Những chuyển động trên cho thấy, cục diện an ninh Biển Đông năm 2023 cơ bản vẫn trong trạng thái tương đối ổn định
Mặc dù căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc vẫn tồn tại, thậm chí có dấu hiệu leo thang hơn nữa, nhưng Biển Đông vẫn đang có được trạng thái tương đối ổn định. Lý do: 1/ Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc vẫn trong tầm kiểm soát của các bên liên quan, chưa phát triển lên thành xung đột, Biển Đông vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, chưa phá vỡ tinh thần và những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Trên thực địa, hai bên vẫn giữ được sự kiềm chế khi giảm thiểu tối đa những va chạm vượt quá giới hạn. Thay vào đó, đấu tranh trên mặt trận ngoại giao được tăng cường. Tính đến đầu tháng 8/2023, Philippines đã gửi 34 công hàm phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc thường xuyên bác bỏ các cáo buộc từ phía đối thủ, đồng thời không quên nhắc đến vai trò của các thế lực đứng sau kích động quan hệ Phi – Trung xấu đi. 2/ Mặc dù các thế lực bên ngoài đã nhân cơ hội căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, nhưng các bên liên quan chủ yếu tới tranh chấp ở Biển Đông còn lại gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan vẫn giữ quan điểm ôn hòa. Hơn nữa, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc chỉ biểu hiện một khía cạnh trong hệ thống những tranh chấp phức tạp trên Biển Đông. 3/ Mâu thuẫn, căng thẳng không phải là đặc tính bao trùm của vấn đề Biển Đông trong năm 2023 vì xu thế hợp tác trên biển vẫn có những bước tiến tích cực nhất định. Đáng chú ý là việc Trung Quốc và ASEAN đã tiến hành vòng đọc thứ ba về COC; phần lớn các nước Đông Nam Á có phản ứng tích cực về BRI của Trung Quốc, ngoại trừ Philippines; các nước ASEAN đã có những hoạt động hợp tác cụ thể hơn như tập trận chung trên biển, thúc đẩy trao đổi hợp tác trong năm Indonesia giữ vai trò chủ tịch… Hợp tác và đấu tranh thực tế vẫn song hành, đó là biểu hiện vốn có ở Biển Đông trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trạng thái ổn định này cũng rất mong manh hay nói cách khác là tương đối ổn định, và nhân tố tạo ra sự mong manh đó chính là căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trong năm 2023. Trước hết, cả Manila và Bắc Kinh đều chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Philippines thường xuyên cáo buộc tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công các tàu của họ. Những hình ảnh được các bên công bố có chủ ý, cho thấy đã có những va chạm giữa các tàu của hai bên. Điều đó khiến cho nguy cơ đụng độ vũ trang cục bộ có thể xảy ra nếu như thiếu đi sự tỉnh táo của bất cứ bên nào. Tiếp đó, với việc Philippines là bên yếu thế hơn so với Trung Quốc, nên Manila đã có những động thái tăng cường và mở rộng quan hệ với các đối tác, đồng minh quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Australia, thậm chí cả các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Sự can dự của các lực lượng bên ngoài chưa chắc giúp Philippines chiếm lại được ưu thế, nhưng chắc chắn sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, đẩy căng thẳng lên cao hơn trong thời gian tới. Cuối cùng, với việc Philippines thể hiện một quan điểm không thuận chiều với tinh thần chung của khu vực, đó là muốn cùng với Việt Nam và Malaysia xây dựng một bộ quy tắc ứng xử riêng biệt ở Biển Đông, điều này không chỉ làm cho vai trò trung tâm, sự đoàn kết thống nhất trong ASEAN bị ảnh hưởng, khả năng điều phối, giải quyết các mâu thuẫn trên Biển Đông của ASEAN sẽ gặp khó khăn, mà còn làm cho tiến trình đàm phán COC đang diễn ra cũng có thể rơi vào tình trạng bất đồng, đình trệ.
Một số dự báo tình hình an ninh Biển Đông năm 2024
Với những gì đã và đang diễn ra trong năm 2023, cục diện an ninh Biển Đông trong năm 2024 dự báo sẽ có những thay đổi phức tạp hơn.
Trước hết, sự can dự của Mỹ và các nước đồng minh trên danh nghĩa hỗ trợ Philippines sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Các liên kết an ninh “tiểu đa phương” lấy Philippines làm trung tâm sẽ không chỉ dừng lại ở những phát biểu mang tính hình thức mà sẽ có các hoạt động cụ thể được triển khai. Tuy nhiên, phạm vi của các hoạt động này sẽ có những tính toán kỹ lưỡng để tránh những va chạm trực tiếp với các lực lượng từ phía Trung Quốc. Mỹ sẽ là nhân tố khó lường nhất ngay cả từ bản thân họ lẫn các bước đi chính sách bởi sự kiện bầu cử tổng thống ở nước này. Rất có thể trong quá trình vận động tranh cử ở Mỹ vào cuối năm 2024, các ứng cử viên có thể lấy Biển Đông và những vấn đề căng thẳng khác với Trung Quốc để làm công cụ vận động tranh cử. Do vậy, tình thế phức tạp ở Biển Đông khó có thể được cải thiện trong năm 2024.
Thứ hai, Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên Biển Đông làm gia tăng nguy cơ va chạm với Philippines và các bên khác, không loại trừ căng thẳng trên biển có thể mở rộng về số lượng các bên liên quan. Trước sự thay đổi về cán cân lực lượng ở khu vực trong năm 2023 mà chủ yếu là sự gia tăng lực lượng hỗ trợ Philippines, Trung Quốc chắc chắn sẽ có những biện pháp đối ứng trong thời gian tới. Các lực lượng trên biển của Trung Quốc ở vùng biển phía Nam, cùng với đó là hoạt động mở rộng, nâng cấp các căn cứ ở Biển Đông, bao gồm những điểm đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép sẽ được tăng cường. Mặt trận ngoại giao nghiễm nhiên cũng sẽ nóng lên với những tuyên bố phản đối từ các bên liên quan.
Thứ ba, gần như không có khả năng Trung Quốc lôi kéo các cường quốc bên ngoài hỗ trợ tham vọng Biển Đông của họ. Thay vào đó, Bắc Kinh lựa chọn chiến lược sử dụng các chính sách ưu đãi kinh tế, khả năng tác động vào các nước Đông Nam Á, hạn chế các động thái tiêu cực của ASEAN đối với các hành động của Trung Quốc. Đáng chú ý, năm 2024 là năm Lào giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, với mối quan hệ hữu nghị, sâu sắc với Bắc Kinh nên sẽ khó có sự bất ngờ nào đến từ ASEAN liên quan đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông vào năm tới.
Thứ tư, quá trình đàm phán COC vẫn tiếp tục, nhưng kết quả đạt được sẽ không đáng kể. Tinh thần chung của ASEAN sẽ gặp nhiều thách thức liên quan đến định hướng chiến lược khác nhau giữa Philippines và phần còn lại. Khó có thể mong đợi một bước tiến lớn cho quan hệ ASEAN – Trung Quốc về đàm phán COC nói riêng, toàn cục vấn đề Biển Đông nói chung trong năm 2024.
Tóm lại, mặc dù căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc leo thang và kéo dài, nhưng nhìn chung trong năm 2023, cục diện an ninh Biển Đông tương đối ổn định. Dự báo năm 2024, tình hình Biển Đông vẫn không giảm nhiệt, dù có thể có những “khoảng lặng” nhất định. Tính chất phức tạp sẽ gia tăng, không loại trừ khả năng căng thẳng sẽ mở rộng và leo thang, không chỉ đơn thuần là căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc mà có thể xuất hiện căng thẳng mới giữa Trung Quốc và một bên khác. Tuy nhiên, dù tình hình có căng thẳng hơn nhưng vẫn chưa đến mức xảy ra xung đột.