Tuesday, January 21, 2025
Trang chủBiển ĐôngHoàng Sa, Trường SaCông cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên...

Công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ

Hoàng Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông. Đây là một sự thật không thể chối cãi. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý quần đảo này liên tục, hòa bình, và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về mặt lịch sử, sự thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã được các nhà nước Việt Nam tiến hành một cách xuyên suốt ít nhất từ thế kỷ XV đến nay: từ nhà nước phong kiến Việt Nam, nhà nước thuộc địa Pháp ở Đông Dương, các nhà nước ở miền Nam Việt Nam trong thời đất nước bị tạm thời chia cắt (Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa), và nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa và chiếm đóng quần đảo này từ đó đến nay. Thời gian qua, một số người lo ngại rằng nếu Việt Nam không kiện ra tòa án quốc tế về vấn đề này thì 50 năm kể từ ngày toàn bộ Hoàng Sa bị chiếm đóng (tức là sau ngày 19 tháng 1 năm 2024), Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất phần lãnh thổ này về tay Trung Quốc. Bài viết này phân tích, theo quy định của luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm bất hợp pháp Hoàng Sa năm 1974 mãi mãi không làm thay đổi chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên quần đảo này và nhà nước Việt Nam vẫn đang liên tục có các động thái rõ ràng và kiên quyết để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của mình tại đây.

Hành vi đánh chiếm bất hợp pháp Hoàng Sa không thể làm suy chuyển chủ quyền Việt Nam trên quần đảo này 

Luật pháp quốc tế nghiêm cấm việc một quốc gia sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác. Điều 2 Hiến chương của Liên hợp quốc, một trong những văn kiện pháp lý toàn cầu quan trọng nhất, quy định “trong quan hệ quốc tế, các Thành viên không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của các quốc gia khác, hoặc theo cách thức khác trái với các Mục đích của Liên hợp quốc.” Trên thực tế, nghĩa vụ cấm sử dụng vũ lực và đe sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, mang tính bắt buộc đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo đó, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một hành vi phi pháp, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ quốc gia khác không đem lại chủ quyền hợp pháp cho quốc gia xâm chiếm. Theo Tuyên bố các nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến quan hệ thân thiện và hợp tác giữa quốc gia theo Hiến chương Liên hợp quốc (Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hợp Quốc), thì mọi hành vi thụ đắc lãnh thổ thông qua đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực sẽ không được coi là hợp pháp. Tòa án Công lý Quốc tế, trong Ý kiến tư vấn liên quan đến sự kiện Israel xây tường trong các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine năm 2004, cũng khẳng định các quốc gia khác không được công nhận tình trạng phi pháp do Israel gây ra cũng như không được giúp đỡ duy trì tình trạng này.

Như vậy, việc Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa từ năm 1974 (và một phần của quần đảo từ năm 1956 trước đó) không làm mất đi chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với vùng lãnh thổ này. Bên cạnh đó, sẽ không một quốc gia nào trên thế giới công nhận tình trạng chiếm đóng cũng như các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.

Các quy định của luật pháp quốc tế về xác lập chủ quyền theo thời hiệu

Xác lập chủ quyền theo thời hiệu là phương thức thụ đắc lãnh thổ đối với các vùng đất không phải là vô chủ, đặc biệt là các vùng đất mà trước đó đã thuộc về quốc gia khác. Luật pháp quốc tế cho phép một quốc gia được xác lập chủ quyền đối với một khu vực lãnh thổ thuộc về một quốc gia khác bằng cách chiếm hữu lãnh thổ này một cách công khai, hòa bình, hợp pháp trong một thời gian kéo dài mà không bị phản đối, tranh chấp. Trong vụ tranh chấp đá Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore năm 2008, Tòa án Công lý Quốc tế đã công nhận chủ quyền của Singapore đối với hòn đảo này mặc dù trước đó đá Pedra Branca thuộc chủ quyền của Malaysia. Sở dĩ Tòa đưa ra phán quyết như vậy là vì Singapore đã thực hiện các hoạt động chiếm hữu vùng lãnh thổ này trong một thời gian dài mà Malaysia không có bất kỳ hành động phản đối nào.     

Luật pháp quốc tế không quy định cụ thể về thời gian chiếm hữu cần thiết để một quốc gia có thể xác lập được chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ theo thời hiệu. Thời hạn này có thể là 50 năm (như trong vụ phân định biên giới giữa Guiana thuộc Anh và Venezuela năm 1899, do các bên tự thống nhất với nhau), 73 năm (như trong vụ xác định chủ quyền trên đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan năm 1928) hay khoảng 130 năm (như trong vụ xác định chủ quyền đối với Đá Trắng đã nói ở trên). Tóm lại, không có một thời hạn nào được quy định trước đối với xác lập chủ quyền theo thời hiệu mà sẽ thời hạn này sẽ thay đổi tùy vào hoàn cảnh cụ thể.

Liên quan đến việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa, ngay từ năm 1974, hành vi dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo này đã là phi pháp nên không thể coi hành vi chiếm hữu ở đây của Trung Quốc là hòa bình và hợp pháp. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn luôn luôn có các động thái kiên quyết và kịp thời để khẳng định chủ quyền của mình và phản đối sự chiếm đóng phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.

 Việt Nam vẫn liên tục có các động thái thực thi, bảo vệ chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa

Lập trường của chính phủ Việt Nam đối với chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa) là rất nhất quán; theo đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý quần đảo này liên tục, hòa bình, và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về mặt nội bộ, Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, trực thuộc thành phố Đà Nẵng với Chủ tịch nhiệm kỳ 2021-2026 là ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng. Ngoài việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, chính quyền huyện đảo Hoàng Sa vẫn thường xuyên thực hiện các hoạt động tuyên truyền, thông tin về quần đảo này như quản lý Nhà trưng bày Hoàng Sa, tham gia các diễn đàn và hỗ trợ cung cấp thông tin về lịch sử, pháp lý, thực tế quản lý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cho các nhà nghiên cứu, cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về mặt đối ngoại, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn phản đối các hành vi của Trung Quốc cũng như bất cứ quốc gia, bên nào vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Những phản đối này được thể hiện dưới nhiều hình thức: giao thiệp ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu, thậm chí là gửi Công thư lên Liên hợp quốc. Chẳng hạn, ngày 25 tháng 9 năm 2023, trước việc Trung Quốc lắp đặt và đưa vào sử dụng 2 trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã nêu rõ: “Việc Trung Quốc lắp đặt và đưa vào sử dụng hai trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Mọi hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa mà không được phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và hoàn toàn không có giá trị. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn những vi phạm tương tự”.

Những thông tin trên cho thấy, chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa sẽ trường tồn cùng thời gian và Nhà nước Việt Nam vẫn luôn khẳng định, thực thi, bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với phần lãnh thổ không thể tách rời này.

RELATED ARTICLES

Tin mới