Một phòng thí nghiệm Trung Quốc gần đây mô phỏng cách dùng vệ tinh và tên lửa bội siêu thanh để tấn công một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang chạy hết tốc lực trên đại dương, và với các máy bay chiến đấu của mình, tầm tác chiến của nhóm tàu này là 1.000 km, theo tờ South China Morning Post.
Từ một vị trí cách nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ khoảng 1.200 km, một loạt tên lửa chống hạm bội siêu thanh của Trung Quốc được phóng lên bầu trời. Những tên lửa đó bay lên hơn 200 km rồi hướng tới các tàu chiến Mỹ. 10 phút sau khi tên lửa Trung Quốc được phóng lên, radar trên các tàu chiến Mỹ mới phát hiện ra và lúc đó tên lửa chỉ còn cách nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ khoảng 50 km
Đây là cách một cuộc tấn công được mô phỏng trên máy tính tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu của Trung Quốc ở thành phố Thành Đô, một cuộc diễn tập cho thấy quân đội Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí không gian để tấn công một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ như thế nào, theo South China Morning Post ngày 19.1.
Đứng đầu cuộc tấn công mô phỏng trên là ông Lưu Thời Thường, một nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ về kiểm soát thông tin điện tử, thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Phòng thí nghiệm bí mật này nghiên cứu các thiết bị tác chiến điện tử cho quân đội Trung Quốc.
Ông Lưu giải thích rằng các tên lửa không bị phát hiện vì hệ thống vũ khí điện từ trong không gian của Trung Quốc đang ngăn chặn radar của các tàu hộ tống hoạt động theo cách “từ trên xuống”. Trong mô phỏng, các tên lửa Trung Quốc được hỗ trợ từ một số vệ tinh tác chiến điện tử quỹ đạo thấp ở vị trí phía trên tàu sân bay Mỹ, theo nghiên cứu của nhóm ông Lưu được đăng trên chuyên san Shipboard Electronic Countermeasures trong tháng trước.
Nhóm nghiên cứu của ông Lưu kết luận rằng chùm vệ tinh có quỹ đạo thấp có một số “lợi thế đặc biệt” trong một sứ mệnh đầy thách thức như trên, và họ tin rằng chỉ cần hai hoặc ba vệ tinh là đủ để tấn công một nhóm tàu sân bay.
Trung Quốc đã triển khai tên lửa bội siêu thanh đủ sức tấn công căn cứ Mỹ?
Mô phỏng của nhóm nghiên cứu dựa trên radar SPY-1D, chủ yếu được các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ sử dụng để phát hiện tên lửa chống hạm tầm xa.
Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin chế tạo SPY-1D và cho hay radar này có thể tiếp tục hoạt động cho đến năm 2060. Dòng SPY-1 đã được đưa vào sử dụng từ thập niên 1970, nghĩa là quân đội Trung Quốc đã quen với khả năng của loại radar này, theo nhóm nghiên cứu của ông Lưu.
Nhóm nghiên cứu tin rằng hai vệ tinh có thể được sử dụng để ngăn chặn cùng một radar từ các góc khác nhau, tạo ra “cảnh báo sai trên không ở phía trước, bên cạnh và phía sau kẻ thù”.
Theo đó, khi tên lửa chống hạm của Trung Quốc ở cách mục tiêu trong vòng 50 km, “các vệ tinh hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn radar, thiết bị gây nhiễu do tên lửa mang theo được kích hoạt và tên lửa thực hiện những thao tác cuối cùng để thâm nhập sâu hơn cho đến khi tiêu diệt mục tiêu”.
Một cuộc tấn công tầm xa nhắm vào nhóm tác chiến tàu sân bay được xem là khó đạt được vì vệ tinh, tên lửa và tàu chiến đều là những mục tiêu di chuyển tốc độ cao. Tuy nhiên, nhóm của ông Lưu tuyên bố rằng mô phỏng của họ cho thấy cuộc tấn công như thế là có thể, theo South China Morning Post.