Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCăng thẳng gia tăng ở Biển Đông đe dọa hòa bình khu...

Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông đe dọa hòa bình khu vực

Đó là thông cáo hôm 30/12/2023 của Ngoại trưởng các nước thành viên khối ASEAN. Thông cáo này bày tỏ quan ngại về những căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông và kêu gọi đối thoại hòa bình giữa các bên.

Có một tín hiệu phát đi từ chính quyền Bắc Kinh về một “ưu tiên mới” ở Biển Đông. Tín hiệu này được các nhà bình luận nhận định là, Trung Quốc không hề giảm “nhiệt huyết” kéo Biển Đông về làm ao nhà trong thời gian tới. Đó là việc Chính phủ nước này quyết định bổ nhiệm một vị chuyên gia về hải quân, am hiểu sâu sắc Biển Đông làm Bộ trưởng Quốc phòng, thay thế tướng Lý Thượng Phúc vừa mất chức.

Chuyên gia đó là ông Đổng Quân -cựu tư lệnh Hải quân. Xem ra ít có nước nào trên thế giới đưa “lính biển” ra nắm toàn quân. Chức này thường là các vị tướng lĩnh ở khối lục quân.

Thông cáo của các Ngoại trưởng Khối ASEAN được phát đi trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines liên tục cáo buộc nhau về một loạt các vụ va chạm có chủ đích trên biển. Trong khi Manila lên án các hành động của dân quân biển Trung Quốc và Hải cảnh, cùng với không quân ngăn cản các hoạt động thông thường của Philippiners thì Trung Quốc bác bỏ và cho rằng, những điều này “hoàn toàn sai sự thật”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn dọa: “Sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước các hành động khiêu khích và quấy rối liên tục của Philippines”.

Vậy ai quấy rối ai?

Một vị chuyên gia về Biển Đông, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế – ông Greg Poling – nhận định, gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, chủ yếu là do chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách tái khẳng định uy quyền của mình tại Hoa Lục. Họ còn muốn áp đặt một tầm nhìn, một tư tưởng: Đất nước càng rộng lớn, uy lực càng trở nên quan trọng hơn.

Theo ông Greg Poling: “Bắc Kinh quan niệm rằng có những quy tắc cho chính họ và những quy tắc cho phần còn lại của thế giới. Điều này có thể được coi là tương tự với cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn nhận luật pháp ở nước mình. Luật pháp là thứ mà chúng ta quản lý. Đó không phải là thứ mà chúng ta bị chi phối. Luật pháp không áp dụng cho kẻ có quyền lực. Nó chỉ áp dụng cho kẻ yếu” (!).

Trước hành động gây bão trên Biển Đông của Trung Quốc, chính phủ các nước Indonesia, Việt Nam đang âm thầm ủng hộ những nỗ lực của Philippines. Dường như đang có một sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Jakarta và Manila, thậm chí có thể có cả một sự tán thành công khai với phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế tại Liên hợp quốc. Sự hợp sức giữa hai nước nhằm chống lại sự chây ỳ, cưỡng ép và dọa dẫm các nước láng giềng của Trung Quốc, sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử năm 2024 ở Indonesia.

Cần thấy điều này, Bắc Kinh cho rằng, Philippines là một đòn bẩy để họ có thể sử dụng gây áp lực với Mỹ, đồng thời đe dọa Đài Loan. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan vào ngày 15/1 tới sẽ có thể dẫn đến sự gia tăng căng thẳng và áp lực từ phía Trung Quốc nhiều hơn, nếu như Lại Thanh Đức, ứng cử viên Đảng Dân tiến giành thắng lợi.

Từ lâu, các tranh chấp trên Biển Đông về mặt chủ quyền và lợi ích liên quan chủ yếu đến Trung Quốc – Việt Nam, Trung Quốc – Philippines, Trung Quốc – Malaysia, Trung Quốc – Brunei. Tuy nhiên, những biến động trong khu vực tác động trực tiếp đến lợi ích của 10 nước ASEAN, bởi vì Biển Đông là con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Có tới 35% hàng hóa thương mại toàn cầu, với trị giá 5000 tỷ USD đi qua đây.

Dù không có tranh chấp với Trung Quốc các quốc gia trong ASEAN đều phải sử dụng con đường giao thông này để đến với Nhật Bản, với Châu Âu, với Trung Đông- Châu Phi… Rõ ràng, “cháy nhà hàng xóm” không thể “bình chân như vại”. ASEAN phải đoàn kết chặt chẽ để tìm đến giải pháp tối ưu nhất. Hơn nữa, khi ASEAN có tiếng nói thống nhất trong vấn đề Biển Đông sẽ tạo ra vị thế là trung tâm kết nối quyền lực toàn cầu, nó khắc phục được tình trạng né tránh, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc mình mà buông bỏ lợi ích chung. Nói bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi dân tộc và của tất cả các nước ASEAN trước những tranh chấp, biến động ở Biển Đông là trên cơ sở đó – cùng nhau chia sẻ tương lai.

Chủ trương của Việt Nam được các nước trong khu vực ủng hộ là vì, Hà Nội xác định: Giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hộp quốc về Luật Biển (UNCLOC- 1982).

Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc thì cùng nhau giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các nước khác, liên quan đến tự do hàng hải quốc tế thì bàn bạc với các bên liên quan.

Hà Nội xác định kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, đủ bao hàm sự vững chắc và mềm mại, uyển chuyển của cây tre đất Việt. Cây tre, lũy tre “vững ở gốc” là truyền thống tự lực tự cường, là lập trường kiên định, là tinh thần cố kết cộng đồng. “Chắc ở thân” là can trường trước mọi giông bão. “Uyển chuyển ở cành” là sự mềm mại, khôn khéo, không dễ bị gió to vặn gãy.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới