Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiEo biển Đài Loan “hậu bầu cử” sẽ “nóng” hay “nguội”?

Eo biển Đài Loan “hậu bầu cử” sẽ “nóng” hay “nguội”?

Ông Lại Thanh Đức, thành viên của đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần thứ 8 của hòn đảo tự trị Đài Loan diễn ra ngày 13/1/2024.

Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan Lại Thanh Đức

Không chỉ thắng, chính trị gia lão luyện 64 tuổi, từng đồng hành trong tư cách cấp phó cho “tài nữ” Thái Anh Văn 4 năm qua, còn về nhất, với số phiếu bỏ xa hai đối thủ còn lại. Cụ thể, ông Lại nhận được tới 40% số phiếu ủng hộ. Hai ứng viên khác: ông Hầu Hữu Nghi của Quốc dân đảng (KMT) và ông Kha Văn Triết của đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) thua cuộc với lần lượt 33% và 26% số phiếu.

Dù chỉ là cuộc bầu cử của Đài Loan – một hòn đảo, nhưng chiến thắng của ông Lại, trong hơn 10 ngày qua, đã và đang trở thành một trong những sự kiện chính trị được dư luận và giới phân tích quan tâm nhiều nhất. Những câu hỏi đặt ra, là: Ông Lại ngồi vào ghế tổng thống Đài Loan, điều đó sẽ tác động tới câu chuyện địa – chính trị thế giới như thế nào; và nữa: Eo biển Đài Loan nóng hơn hay hạ nhiệt so với hiện nay?

Câu hỏi thứ nhất, gần như đã có câu trả lời từ những tháng cuối năm 2023 vừa qua, khi cuộc vận động bầu cử đang diễn ra quyết liệt giữa các ứng viên ba đảng. Dựa trên những phân tích “nhân thân” của các ứng cử viên, không ít chuyên gia quốc tế đã khẳng định: Nếu ông Lại Thanh Đức thắng, điều đó đồng nghĩa Bắc Kinh “thua”.

Cho dù ngoài mặt cho biết sẽ tiếp tục chính sách ôn hòa, nếu thắng cử, nhưng tất các các trắc nghiệm đều cho thấy, ứng viên này rõ ràng là người có quan điểm thiên về xu hướng độc lập cho Đài Loan. Nhiều người còn nhắc, hồi tháng 4 năm ngoái, trên trang cá nhân, ông Lại đã công khai viết những câu, những dòng thách thức Bắc Kinh, khi khẳng định mình là “một người làm việc thực tế vì độc lập của Đài Loan”; rằng: “Đài Loan vốn là “quốc gia độc lập”, không lệ thuộc vào Trung Quốc đại lục.

Một người như thế, Bắc Kinh chấp nhận sao được. Chẳng thế mà Bắc Kinh từng coi ông Lại Thanh Đức là “mối nguy hiểm cực độ” cho vấn đề thống nhất Đài Loan từ giai đoạn tranh cử đó sao?

Không những không ưa, Trung Nam Hải thậm chí còn tức giận. Hồi tháng 4 năm ngoái, sau phát ngôn (nêu trên) của ông Lại, ấn phẩm Thời báo Hoàn cầu của Nhân dân Nhật báo – cơ quan của Đảng CSTQ, đã lồng lộn hô hoán đòi “bắt giữ quốc tế” đối với ông để khởi tố ông theo Luật chống ly khai 2005 của Trung Quốc. Trung Quốc thừa hiểu, ông Lại thế chỗ bà Thái Anh Văn – điều đó đồng nghĩa câu chuyện thu hồi Đài Loan của Trung Quốc có thể còn khó khăn hơn hơn nữa. Trong khi đó, hai ứng viên còn lại là ông Hầu Hữu Nghi của Quốc dân đảng (KMT) và ông Kha Văn Triết của đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), đều là những người có quan điểm mềm mại hơn nhiều về quan hệ với đại lục. Nếu ông Kha hoặc ông Hầu thắng cử – đó là điều Bắc Kinh có thể chấp nhận với hy vọng hai bên bờ eo biển có thể mở lại các cuộc đối thoại có nét thiện chí, như thời của Tổng thống Mã Anh Cửu (các năm 2008-2016).

Nhưng màn đã hạ rồi thì kịch sao thể đảo ngược. Vấn đề đặt ra với Bắc Kinh lúc này, là phải chơi đòn “dằn mặt”. Để làm gì? Để uốn nắn, dạy bảo nhân vật vừa chiến thắng, trước hết, hãm bớt những ngôn từ ương bướng trong diễn văn nhậm chức vào tháng 5 tới; và xa hơn, biết điều trong ứng xử với Bắc Kinh trong cả nhiệm kỳ.

Vậy thì “hậu bầu cửa” hai tuần, Bắc Kinh đã làm cụ thể những gì? Bằng cách thả hàng chục chiến đấu cơ quanh Đài Loan để “diễn tập”. Bằng cách gọi cuộc bầu cử Đài Loan là “việc làm nội bộ” của Trung Quốc nhằm đe dọa ông Lại Thanh Đức rằng, cùng lắm, ông chỉ là “tỉnh trưởng”, đừng ngộ nhận mình là “nguyên thủ”. Những lời hàm ý uốn nắn và đe dọa đó thể hiện rõ qua tuyên bố của của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, tại cuộc họp báo quốc tế ngày 15/1.

Cùng trong tuyên bố này, bà Mao Ninh còn khiến dư luận đặc biệt chú ý khi cảnh báo Washington nên “tuân theo các cam kết của mình đối với vấn đề Đài Loan, không tìm cách sử dụng vấn đề Đài Loan như một công cụ để kiềm chế Trung Quốc, và không gửi bất kỳ tín hiệu sai lầm nào đến các lực lượng ly khai đòi độc lập cho Đài Loan”.

“Lực lượng ly khai” – với ngôn từ đó, trong thời điểm này, Bắc Kinh định ám chỉ ai, nếu không phải là nhân vật vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử Lại Thanh Đức? Vấn đề là, những lời uốn nắn, đe nẹt của Bắc Kinh có hiệu quả không?

Sau này thì chưa biết, nhưng hiện tại, có người bình rằng: nó có giá trị như “nước đổ lá khoai” vậy. Bởi nếu thật sự tác động, khiến ông Lại phải quan tâm, thì trong cuộc tiếp lãnh đạo thuộc nhóm phụ trách vấn đề Đài Loan của Hạ viện Mỹ – gồm Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mario Diaz Balart và Hạ nghị sĩ Dân chủ Ami Bera, ông Lại đã chẳng dám ngổ ngáo tuyên rằng: “Đài Loan nằm trong chuỗi đảo thứ nhất và luôn đứng ở tuyến đầu phản đối chủ nghĩa bành trướng độc tài của Trung Quốc…”.

Với lời tuyên bố đó, mối quan tâm thứ hai “Eo biển Đài Loan nóng hơn hay hạ nhiệt so với hiện nay” , coi như đã có câu trả lời rồi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới