Sunday, December 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXuất khẩu tôm sang TQ có thể phục hồi

Xuất khẩu tôm sang TQ có thể phục hồi

VASEP cho biết xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi nhẹ trong những tháng đầu 2024, sau một năm sụt giảm.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi nhẹ trong những tháng đầu năm nay.

2023 là một năm ngành tôm Việt đối diện nhiều thách thức. Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết giá trị xuất khẩu tôm chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22%. Theo xu hướng này, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng sụt giảm dù mức giảm thấp nhất (8%) trong số các thị trường nhập khẩu chính (Mỹ giảm 15%, Nhật giảm 24%, EU giảm 39%).

Trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu tôm của nước tỷ dân vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung (đơn cử từ Ấn Độ, Ecuador) đổ vào thị trường này nên tôm Việt khó cạnh tranh về giá. Dù vậy, VASEP cho biết nhờ vị trí địa lý gần, các doanh nghiệp Việt sang Trung Quốc lại có lợi thế về chi phí vận tải. Đặc biệt, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng, có thể khiến Ecuador giảm xuất khẩu sang Trung Quốc, tạo cơ hội cho tôm Việt. Trong các tháng đầu 2024, VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường này có thể phục hồi nhẹ.

Tương tự Trung Quốc, xuất khẩu tôm cũng dự kiến thuận lợi tại Mỹ, Nhật Bản. Thị trường Mỹ được dự báo tăng nhẹ khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt và doanh số bán lẻ tại nước này phục hồi. Tuy nhiên, VASEP cũng lưu ý việc Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ gần đây đã nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp với tôm Việt. Kết quả hiện chưa rõ, nhưng tôm Việt vẫn bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm nay, bên cạnh những chướng ngại vật từ căng thẳng trên Biển Đỏ.

Với Nhật Bản, thị trường này được đánh giá có nhiều tiềm năng phục hồi sớm hơn so với Mỹ, EU trong 2024. Nguyên nhân, người tiêu dùng Nhật yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Các sản phẩm tôm phổ biến từ Việt Nam xuất sang Nhật như tôm bao bột, duỗi, chiên, sushi. Hiện tôm Việt vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường này. Ngoài ra, Nhật Bản có vị trí địa lý gần hơn so với Mỹ, EU và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn.

Ngược lại, với những bất ổn về kinh tế, chính trị, thị trường EU sẽ chưa thể phục hồi trong phần lớn 2024. Tuy nhiên, dự kiến nhu cầu tôm tại khu vực này sẽ giữ ở mức ổn định, không giảm thêm.

VASEP nói, đà phục hồi cho xuất khẩu tôm nhìn chung sẽ còn đối diện với nhiều cam go, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn để vượt khó. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành tôm sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD trong 2024, tăng 5% so với năm ngoái.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới