Friday, May 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHành động “ném đá giấu tay” của TQ

Hành động “ném đá giấu tay” của TQ

Báo Philstar của Philippines ra ngày 19/1/2024 đã đăng một bài báo khá nặng ký, với tư liệu thuyết phục về hành động “ném đá giấu tay” của Trung Quốc. Hành động này nhằm chĩa mũi nhọn sang Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ Philippines-Việt Nam, và đương nhiên là bênh vực Trung Quốc.

Trong bài báo, các ký giả dẫn ra những bằng chứng xác đáng: “Các phóng viên Philippines và một chuyên gia hàng hải nổi tiếng đã nhận được một loạt tin nhắn từ các nguồn không xác định, nhằm chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi hành động của tàu Trung Quốc ở Biển Tây Philippines sang hoạt động được cho là “quân sự hóa” của Việt Nam ở đó”.

Về câu chuyện “lạ” này, từ hồi tháng 9/2023, Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Jay Tarriela đã nói với các Thượng nghị sĩ rằng, ông đã nhận được các email mang tính chỉ đạo “chuyển hướng sự chú ý của người Philippines (ở đó) thay vì tập trung vào các hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc; cần chuyển hướng sự chú ý sang Việt Nam”.

Đây là kinh nghiệm hoạt động phản gián từ lâu đời của Trung Quốc. Họ rất giỏi trong việc thu thập thông tin, ngụy tạo thông tin và các hoạt động được thực hiện để chống lại các hoạt động tình báo, phá hoại hoặc ám sát của đối phương.

Nay “phản gián” mang màu sắc “tích xưa, trò mới” trên Biển Đông. Hồi tháng 7 và tháng 8 năm 2023, hai tài khoản đã gửi email cho hai nhà báo Philippines. Nội dung email dựng chuyện về cơ sở hạ tầng quốc phòng mà “Việt Nam dự định xây dựng trên đảo Trường Sa” (!). Email bí mật này tung ra quả tù mù: Việt Nam là mối đe dọa đối với chủ quyền của Philippines. Nhân vật bí ẩn nói rằng phải giấu tên vì lý do an toàn, hứa sẽ cung cấp thêm những thông tin có giá trị nếu được sự hợp tác. Có thể sẽ là “tài liệu mật của Quân đội Việt Nam về kế hoạch xây dựng của họ trên quần đảo Trường Sa”.

Nghệ thuật tung tin giả không còn mới, nhưng nó dễ lừa người tiếp nhận vì dựa trên những căn cứ nửa hư nửa thực, có hiện tượng nhưng sai lệch bản chất. Tin giả gây nhiễu thông tin và đánh lạc hướng dư luận.

Qua câu chuyện nêu trên, thêm một lần khẳng định, căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng trên Biển Đông, với nhiều dạng thức mới. Và năm 2024 không phải là một năm sóng yên bể lặng như một số nhà quan sát nói mà sẽ đầy nóng bỏng. Sự tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine, Hamas-Israel, tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ đang tác động trực tiếp đến Biển Đông.

Đáng lo ngại là tình hình Biển Đỏ – một chảo lửa mới bùng lên. Đây là tuyến đường giao thông nối liền với Kênh đào Suez, tại đây eo biển Bab al-Mandab – tuyến đường biển hẹp gần Yemen có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Eo biển này là tuyến hàng hải huyết mạch của khoảng 30% thương mại hàng hóa bằng tàu container, tức khoảng 10-15% thương mại toàn cầu.

Trước tình hình căng thẳng hiện nay, một số tàu đã đang chuyển sang cung đường chạy qua Mũi Hảo Vọng ở Nam châu Phi, xa hơn tueyens đường truyền thống hơn 6.300 km và chậm khoảng 10 ngày. Điều này sẽ khiến chi phí vận tải biển gia tăng rất lớn.

Chúng tôi nêu lên một vấn đề liên quan về căng thẳng Biển Đỏ để thấy rằng, tình hình Biển Đông khi xảy ra các giao tranh quân sự sẽ rối loạn và thiệt hại lớn hơn nhiều.

Trở lại tình hình Biển Đông. Mới đây, cảnh sát biển Philippines tiếp tục tố cáo hành vi tàu Hải cảnh của Trung Quốc liên tiếp đe doạ và cản trở ngư dân Philippines ở gần Bãi cạn Scarborough. Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã chiếu tia laser vào lực lượng Cảnh sát biển Philippines ngoài khơi Bãi Cỏ Mây.

Tình hình Biển Đông căng thẳng không chỉ xảy ra giữa Bắc Kinh và Manila. Đối với các quốc gia ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Việt Nam cũng thường xuyên phải đối mặt với việc tàu Trung Quốc thường xuyên ra vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ như chốn không người.

Thêm vào đó là hoạt động của các chủ thể ngoài khu vực. Nhật Bản đang thúc đẩy các liên kết quốc phòng và an ninh với Malaysia, Philippines và Việt Nam thông qua khuôn khổ “Viện trợ An ninh Nước ngoài” (OSA) mới. Mỹ nâng tầm quan hệ với Indonesia và Việt Nam lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Australia và Mỹ bắt đầu tuần tra chung trên không và trên biển với Philippines ở Biển Đông. Hải quân Mỹ đã tiến hành ba hoạt động tự do hàng hải nhắm mục tiêu rõ ràng vào Bãi Cỏ Mây.

Sự can gián của Mỹ và đồng minh có thể không ngăn chặn được các hành động của Bắc Kinh, nhưng cũng là sự cảnh báo, ngăn chặn các động thái leo thang tiếp theo, hòng vu khốn, chèn ép, bắt nạt các nước yếu thế.

Mới đây, Bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á đã ra tuyên bố chung. Tuyên bố kêu gọi các quốc gia có yêu sách tranh chấp kiềm chế và theo đuổi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên biển. Đây là Tuyên bố chung đầu tiên của ASEAN về tranh chấp ở Biển Đông: “Chúng tôi quan ngại khi theo dõi sát sao những diễn biến gần đây ở biển Biển Đông mà có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. – Bản Tuyên bố nhấn mạnh.

Các nhà lãnh đạo ngoại giao khu vực nhấn mạnh cam kết duy trì sự ổn định trong “vùng biển của chúng ta”. Điều này ngầm ý nói rằng, các tranh chấp trên biển không chỉ là mối quan ngại song phương giữa các bên tranh chấp mà đó là vấn đề lớn, vấn đề chung trong khu vực, cần phải được đàm phán đa phương để tìm ra tiếng nói chung.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới