Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhiến quân Myanmar mạnh cỡ nào? Myanmar thiên hạ đại loạn

Phiến quân Myanmar mạnh cỡ nào? Myanmar thiên hạ đại loạn

Myanmar (Miến Điện) là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, có diện tích hơn 660.000 km², rộng gấp đôi Việt Nam, nhưng dân số chỉ bằng một nửa khoảng 53,8 triệu người. Có thể nói câu “Rừng vàng biển bạc” rất đúng với những gì mà Myanmar đang có, bởi ở biển nước này có dầu mỏ và khí đốt.

Súng trường và hộp tiếp đạn của phiến quân Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) chống chính quyền quân sự Myanmar.

Trữ lượng khí đốt của Myanmar ước tính lên tới 651 tỷ m³. Trên rừng thì có gỗ teak cùng nhiều loại sản vật rừng quý hiếm, Myanmar sở hữu tới 80% lượng gỗ teak toàn cầu. Đây là loại gỗ được dùng làm đồ nội thất và đóng thuyền. Chưa hết, Myanmar cũng là quốc gia sở hữu đá quý nhiều nhất thế giới, chiếm 75% lượng ngọc bích và 60% lượng hồng ngọc của cả thế giới. Các mỏ than đá và quặng sắt cũng thuộc loại lớn nhất thế giới.

Về vị trí địa lý, nước này có biên giới trên bộ với hai thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi nước đều có 1,4 tỷ dân. Lại nằm trên tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương. Như vậy, Myanmar có vị trí tốt, thiên nhiên ưu đãi. Nhưng năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của nước này chỉ đạt 1.000 đô la, bằng ¼ nếu so với Việt Nam và là quốc gia nghèo nhất ở Đông Nam Á, nghèo hơn cả Đông Timor và Campuchia. Tại sao lại như vậy? Tại sao một quốc gia dường như có lợi thế về mọi mặt lại thành ra như vậy?

Trong quá khứ, Myanmar đã từng là “ông kẹ” của vùng Đông Nam Á khi đập Thái Lan, bắt nạt Campuchia rất nhiều lần. Thái Lan giáp với Myanmar, lâu lâu lại bị Myanmar sang cướp, hiếp, nhục nhã đủ đường. Trong bản đồ của Myanmar thế kỷ thứ 16, cả Thái Lan và Lào đều là chư hầu của Miến Điện, sức mạnh của Myanmar cũng đã được chứng minh qua ba lần đánh quân Nguyên Mông và bốn lần đại chiến với nhà Thanh. Chỉ có súng và đại bác của quân Anh thế kỷ thứ 19 mới khuất phục được Myanmar.

Myanmar còn có một tên gọi khác là Miến Điện, tên tiếng Anh viết là Burma. Thực ra thì cái tên Myanmar mới được sử dụng từ những năm 1990, người dân của nước này vẫn thích dùng cái tên Miến Điện hơn. Người Anh đã cai trị toàn bộ Miến Điện từ năm 1886 và sáp nhập nước này vào Ấn Độ thuộc Anh. Nhiều phong trào khởi nghĩa đã nổ ra trên khắp đất nước, nhiều đội quân đã được thành lập và trong số đó có một số cái tên nổi bật như Quân đội Độc lập Miến Điện, Quân đội Quốc gia Miến Điện hay Quân đội Quốc gia Arakan… Một cái tên mà các bạn cần lưu ý đó là Aung San, đó là một người đàn ông, ông là người đã thành lập nên Quân đội Độc lập Miến Điện và cũng là cha đẻ của bà Aung San Suu Kyi, một chính trị gia ra về sau có ảnh hưởng rất lớn đến chính trị Myanmar.

Năm 1941, Đế Quốc Nhật nhảy vào Myanmar. Nhật muốn hất cẳng người Anh ra khỏi Miến Điện nên Nhật đã hứa với các đội quân của người Miến là các ông cứ đánh quân Anh đi, tôi sẽ hỗ trợ các ông, đánh được quân Anh thì tôi sẽ giúp các ông giành độc lập. Những đội quân người Miến nghe được điều này thì như vớ được phao cứu sinh, như tìm được con đường cứu nước và tất nhiên trong đó có Aung San và Quân đội Độc lập Miến Điện của ông. Các đội quân người Miến đã ra sức đánh quân Anh dưới sự hậu thuẫn của người Nhật, rất nhanh chóng, người Anh đã bị đánh đuổi hoàn toàn ra khỏi Myanmar.

Người Nhật đã lập ra một chính phủ bù nhìn và Miến Điện cũng gia nhập khối Đại Đông Á của Nhật. Tuy nhiên, lúc này Nhật mới lộ nguyên hình là một kẻ phát xít, mọi lời hứa về quyền độc lập, tự do đều bị phớt lờ. Nhật bảo lời nói gió bay, bằng chứng đâu? Về cơ bản là Myanmar đã đuổi hổ cửa trước và rước sói cửa sau, Nhật Bản bóc lột Myanmar hết sức nặng nề. Sau khi nhận ra tình hình, Aung San đã phải thốt lên: “Nếu người Anh hút máu chúng tôi thì người Nhật nghiền nát xương chúng tôi.” Thế là từ năm 1944, các quân đội người Miến đã quay xe. Họ cùng với quân đồng minh bao gồm quân Anh, quân Trung Quốc tổng lực đánh người Nhật. Năm 1945, quân Nhật bại trận và đầu hàng.

Vấn đề bây giờ là chia chiến lợi phẩm, ai sẽ là người nắm quyền ở Myanmar? Mấy ông tướng người Miến bảo với quân Anh rằng nếu các ông không rút lui thì chúng ta tiếp tục đánh nhau. Người Anh lúc này đã quá mệt mỏi và cũng không còn đủ sức để cai trị thuộc địa nên quyết định là rút. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ở Miến có rất nhiều phe phái quân đội, các đội quân chống Nhật, các đội quân của các dân tộc thiểu số như Shan, Kachin và Chin, họ cũng rất mạnh, ai cũng có nỗi niềm riêng việc từ bỏ quân đội của mình và tôn kẻ khác lên làm tổng thống có vẻ như là rất khó.

Trước bờ vực của việc vừa đánh đuổi được ngoại bang xong, đất nước lại rơi vào nội chiến. Aung San là người đã đứng ra thuyết phục các tướng lĩnh ngồi họp lại với nhau để thành lập một nhà nước Liên bang, nơi mà các bang sẽ có những quyền tự trị nhất định, nghe cũng xuôi xuôi thế là tất cả các phe phái quân sự mạnh nhất đất nước Myanmar đã tập hợp lại tại Panglong, một thị trấn ở phía Nam của Panghan. Hiệp định Panglong đã được ký kết vào hồi tháng 2/1947, Hiệp định này đã quyết định thành lập nhà nước Liên bang Miến Điện khi tiến trình cho việc thành lập một nhà nước Liên bang đang được tiến hành một cách thuận lợi thì bất ngờ Aung San bị ám sát, bỏ lại con gái Aung San Suu Kyi mới chỉ 2 tuổi.

Cái chết của Aung San đã làm cho các phe phái nghi ngờ lẫn nhau và cực kỳ đề phòng. Tuy rằng việc thành lập nhà nước Liên bang theo Hiệp định Panglong về sau vẫn được tiến hành. Myanmar tuyên bố độc lập vào năm 1948 và Tướng U Nu là Thủ tướng đầu tiên của Myanmar. Tuy nhiên, nhà nước này không có được sự ủng hộ của tất cả các phe phái cho nên nhà nước Myanmar vẫn không có thực quyền tại những vùng đất của các đội quân đó, đặc biệt là tại các bang Shan, Kachin và Chin. Họ giống như là kiểu các lãnh chúa địa phương vậy, các đội quân này không chấp nhận chính phủ do U Nu lãnh đạo, tất nhiên là chính quyền Trung ương cũng không thể chấp nhận được là việc có các lực lượng quân sự trong đất nước mà không nằm dưới quyền kiểm soát của mình. Hai bên đã tiến hành tấn công lẫn nhau và thế là Miến Điện đã nội chiến từ ngay sau khi đất nước được độc lập. Việc đất nước phân mảnh, chính phủ trung ương thiếu uy tín khiến đất nước khó lòng phát triển.

Năm 1962, một tướng lĩnh quân đội dưới trướng của Thủ tướng U Nu có tên là Ne Win đã đảo chính thành công. Ông giải tán Quốc hội và đặt đất nước dưới chế độ quân sự, Myanmar chỉ cho phép được có một đảng duy nhất tồn tại, đó là Đảng Chương trình Xã hội Chủ nghĩa Miến Điện (BSPP). Đây cũng là Đảng của ông Ne Win. Ông này đã quốc hữu hóa toàn bộ đất nước và đặt ra một cương lĩnh phát triển cho đất nước gọi tên là Con đường đi tới Chủ nghĩa Xã hội của Miến Điện.

Các ngành công nghiệp quan trọng nhất của đất nước như dầu mỏ, thép, xi măng, may mặc đều bị quốc hữu hóa và lệnh cấm tư nhân mở nhà máy công nghiệp mới được ban hành. Ông bắt đầu gọi các lực lượng quân đội khác là phiến quân, việc ông quyết định coi Phật giáo là quốc giáo cũng đã khiến cho các dân tộc ở phía Bắc vốn đang theo Công giáo và Hồi giáo không thể chấp nhận. Quyết định này đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa quân đội và các lực lượng địa phương.

Việc quốc hữu hóa và cấm đoán kinh tế tư nhân đã khiến Myanmar gần như không phát triển trong suốt nhiều năm từ năm 1962 đến năm 1988. Giai đoạn hầu như tất cả các quốc gia Đông Nam Á quốc gia nào cũng có những bước phát triển rất nhanh chóng thì GDP bình quân đầu người của Myanmar chỉ tăng từ 150 đô la lên 200 đô la/người/năm. Việc theo đuổi chính sách tự cung tự cấp đã cô lập nền kinh tế Miến Điện khỏi thế giới, khiến cho nhu yếu phẩm hàng ngày cực kỳ khan hiếm. Điều này đã tạo điều kiện cho thị trường chợ đen và buôn lậu lan tràn khắp đất nước để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong khi các công ty nhà nước chế số liệu tham nhũng, làm láo, báo cáo hay và dần rơi vào tình trạng phá sản. Ne Win đã lãnh đạo đất nước trong 26 năm nhưng ông có lẽ đã quên một điều, ông không nắm trong tay toàn bộ Myanmar. Các lệnh cấm của ông chỉ có tác dụng ở những bang mà ông kiểm soát còn các vùng đất ở biên giới phía Bắc nơi có các lực lượng phiến quân thì không. Ở đây, việc buôn bán hàng lậu từ Trung Quốc, Ấn Độ về trung tâm đất nước diễn ra rất sôi động, đặc biệt là việc trồng và buôn bán thuốc phiện ở Pangshan.

Pangshan là một bang có diện tích lớn nhất đất nước, mà bang này lại nằm trong tay các lực lượng phiến quân. Cho nên, việc kinh doanh hàng cấm phát đạt trong thời kỳ Ne Win lãnh đạo Myanmar. Pangshan và vùng đất giáp ranh với Lào và Thái Lan đã trở thành vùng Tam giác vàng khét tiếng thế giới. Việc buôn lậu hàng hóa và thuốc phiện là nguồn thu để cho các lực lượng phiến quân có thể tồn tại, Myanmar có thể nói là khá hỗn loạn, nhiều cuộc nổi dậy đã nổ ra ở khắp nơi, chinh chiến liên miên.

Ne Win lại là một người cực kỳ mê tín. Năm 1987, nghe theo lời giới thiệu của một thầy pháp sư rằng số 9 là một con số tốt lành, Ne Win đã ra lệnh đổi tiền và tuyên bố các đồng tiền có mệnh giá 25, 35 và 75 không còn giá trị lưu hành. Ông cho phát hành các tờ tiền mới có mệnh giá là 45 và 90 kyat, cả 45 và 90 đều chia hết cho 9 và các chữ số của chúng cộng lại là thành chín. Điều này khiến cho hàng triệu người dân Miến Điện mất tiền tiết kiệm cả đời và khiến cho khoảng 75% toàn bộ dự trữ đồng kyat của đất nước không còn tác dụng, kinh tế đảo điên, thiên hạ đại loạn Myanmar là quốc gia nghèo nhất thế giới, nó như là giọt nước tràn ly.

Đến năm 1988, phong trào biểu tình của sinh viên và công nhân đã nổ ra và sau đó lan rộng khắp đất nước. Nó có tên gọi là cuộc nổi dậy 888, tức là ngày 8/8/1988. Sau khi cuộc nổi dậy nổ ra, bà Aung San Suu Kyi đã từ nước ngoài về nước. Bà đã đứng trước đoàn biểu tình hàng trăm nghìn người và phát biểu về nền dân chủ đáng mơ ước của người dân. Cho nên, bà được rất nhiều người dân ủng hộ, bà như là mặt trời dẫn lối cho người dân Myanmar vậy.

Tuy nhiên, một thượng tướng dưới trướng của Ne Win đã nhanh tay hơn, đó là Saw Maung. Saw Maung đã nhân cơ hội đất nước rối ren, ông này đã đảo chính thành công. Đây là một cuộc đảo chính đẫm máu và ông tuyên bố thành lập Hội đồng Khôi phục Trật tự và Pháp luật Nhà nước. Sau đó, quân đội tiến hành thiết quân luật, thẳng tay đàn áp đám đông biểu tình.

Tuy nhiên, lúc này Aung San Suu Kyi đang nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ đám đông biểu tình và để xoa dịu tình hình, tướng Saw Maung đã đi một kế rất hiểm. Đầu tiên, ông đã đồng ý với đám đông biểu tình là sẽ tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ để bầu ra chính phủ mới, thời gian tiến hành là hai năm sau. Trong hai năm này, Saw Maung đã củng cố quyền lực thâu tóm sức mạnh của quân đội Myanmar và hoàn toàn làm chủ Hội đồng Khôi phục Trật tự và Pháp luật Nhà nước, cài cắm người của mình vào các đám đông biểu tình.

Năm 1990, cả đất nước Myanmar đã tiến hành tổng tuyển cử như ông đã hứa và kết quả của cuộc bầu cử này là bà Aung San Suu Kyi đã nhận được tới 80% số phiếu bầu. Với kết quả này, bà Aung San Suu Kyi sẽ trở thành Thủ tướng của đất nước. Tuy nhiên, lúc này Saw Maung đã củng cố vững chắc quyền lực của mình. Ông tuyên bố rằng cuộc bầu cử này là gian lận, không công nhận kết quả bỏ phiếu và sau đó đã bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, cấm túc tại nhà.

Saw Maung có sức mạnh của quân đội, sẵn sàng đàn áp thẳng tay bất kỳ đám đông biểu tình nào hay bất kỳ ai dám lên tiếng về chính sách của mình. Thế là Myanmar lại tiếp tục được cai trị bởi một chính quyền quân sự, chỉ là thay đổi từ chính quyền quân sự của ông này sang chính quyền quân sự của ông khác mà thôi.

Myanmar tiếp tục cách ly với thế giới, kinh tế vẫn không có gì phát triển và cuộc chiến với các lực lượng phiến quân ở phía Bắc vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, một phó tướng của ông có tên là Than Shwe bằng một cách thần kỳ nào đó, đã thuyết phục được tất cả các tướng lĩnh khác về phe với mình và thế là Saw Maung đã bị buộc phải từ chức vào năm 1992. Saw Maung đã nói với bên ngoài rằng mình vì lý do sức khỏe nên đã từ chức. Sau đó, tướng Than Shwe đã bước lên đỉnh cao trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Myanmar.

Với chính sách của chính quyền quân sự, Myanmar luôn biệt lập, không chơi với ai, người dân cũng đừng nghĩ đến chuyện là đi bầu cử. Ông này lãnh đạo Myanmar trong gần 2 thập kỷ. Đến năm 2007, cuộc khủng hoảng giá xăng dầu đã xuất hiện ở Myanmar, giá xăng đã tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng một tuần. Người dân đã hết sức khó khăn nay lại càng trở nên bần cùng, nhiều nhà sư và sinh viên đã xuống đường biểu tình, tuy nhiên bị Than Shwe cho quân đội đàn áp thẳng tay, bắt giữ hàng nghìn người.

Năm 2008, Myanmar phải hứng chịu một cơn bão cực kỳ lớn có tên là bão Nargis, cơn bão đã khiến 200.000 người thương vong, 1 triệu người mất nhà cửa điều này đã gây sự chú ý cho cộng đồng quốc tế đối với đất nước này. Nhiều tổ chức nhân đạo đã tới Myanmar để trợ giúp khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, chính quyền quân sự bị tố cáo là đã từ chối, cản trở việc cứu trợ. Đã thế, cũng không có hành động quyết liệt nào trong việc trợ giúp những người chịu hậu quả của thiên tai, người dân tiếp tục nổi dậy chống quân đội, các lực lượng phiến quân cũng tấn công quân đội. Trước sức ép từ cộng đồng quốc tế cũng như là sức ép mạnh mẽ từ các cuộc nổi dậy trong nước, cùng với đó là sức khỏe của Than Shwe ngày càng suy yếu, ông được cho là đã mắc bệnh tiểu đường và ung thư ruột. Than Shwe đành chấp nhận thỏa thuận cho Myanmar được chuyển từ chính phủ quân sự sang chính phủ dân sự bằng một cuộc Tổng Tuyển cử. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lãnh đạo của quân đội, chính quyền quân sự đã lập ra một Đảng mới vào năm 2010 để cùng tranh cử, đó là Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP). Cuộc Tổng Tuyển cử ở Myanmar đã được tổ chức như một phương pháp nhằm xoa dịu dân chúng trong nước cũng như là cộng đồng quốc tế.

Tất nhiên, kết quả của cuộc bỏ phiếu là Đảng USDP do chính quyền quân sự lập nên đã giành chiến thắng với số phiếu áp đảo. Những nhóm vũ trang và người dân Myanmar đủ thông minh để biết rằng đây chỉ là một chiêu trò của chính quyền quân sự nhằm cố gắng kéo dài quyền lực điều hành đất nước. Đảng Liên Minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi cũng đã không công nhận kết quả của cuộc bầu cử này. Thế là, các cuộc nổi dậy lại tiếp tục diễn ra, Quân Thiên Chúa Giáo Kachin, quân Hồi giáo ở Rohingya, quân nổi dậy ở bang Rakhine, quân đội của các dân tộc thiểu số như Shan, Lahu và Karen ở nửa phía đông của đất nước đồng loạt nổi dậy đánh nhau với quân chính phủ.

Trước tình hình căng thẳng đó, chính quyền quân sự Myanmar đã thỏa hiệp bằng cách thả bà Aung San Suu Kyi cuối năm 2010 và đồng ý là sẽ tổ chức một cuộc bầu cử bổ sung khác vào năm 2012, công nhận tư cách hợp pháp của đảng NLD.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu bổ sung năm 2012 là Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành được tới 42/45 ghế trong Quốc hội. Trước sức ép từ người dân và các nhóm phiến quân, chính quyền quân sự đã trao một số quyền quyết sách vào tay chính phủ dân sự, nhờ đó mà đầu tư nước ngoài ở Myanmar đã tăng vọt, cũng kể từ đây Myanmar đã có những bước phát triển rất nhanh chóng về kinh tế trong gần một thập kỷ sau đó, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 6 đến 7% mỗi năm.

Năm 2014, Myanmar làm chủ tịch của ASEAN. Năm 2015, trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba của Myanmar, Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành được chiến thắng áp đảo, đáng lẽ ra bà sẽ trở thành Thủ tướng của Myanmar. Tuy nhiên, do bà lấy chồng là người nước ngoài, cụ thể là lấy chồng người Anh, nên Hiến pháp nước này không cho phép bà ngồi vào chức đó. Thế là người ta đã nghĩ ra một chức vụ mới gọi là Cố vấn Nhà nước Myanmar để bà ngồi vào đó điều hành đất nước và nói là bà Aung San Suu Kyi rất có tâm với nền dân chủ ở Myanmar.

Nhưng cái tầm chính trị của bà thì lại không có, bởi rõ ràng là bà rất được lòng người dân, Myanmar chỉ tổ chức bầu cử có bốn lần kể từ khi lập quốc mà lần nào bà cũng thắng áp đảo. Lần gần nhất mà Myanmar tổ chức bầu cử là năm 2020, bà cũng thắng áp đảo.

Từ khi bà lên làm lãnh đạo đất nước, kinh tế Myanmar đã phát triển rất nhanh. Năm 2016, GDP của Myanmar còn tăng trưởng tới 10,6%, một con số rất cao. Tuy nhiên, về khả năng chính trị và việc cân bằng quyền lực giữa các nhóm quân phiệt, bà lại làm chưa được. Bà đã bị bắt và thả nhiều lần, nhưng bà không có một quân đội của riêng mình. Không có quân đội của mình thì làm gì được đây?

Năm 2021, một tướng lĩnh quân đội là Min Aung Hlaing đã đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự, tái thiết lập chính quyền quân sự tại Myanmar và Min Aung Hlaing đã lên làm Thủ tướng. Ông này cho rằng mấy ông tướng quân đội trước đó thật là yếu đuối khi đã để quyền điều hành đất nước rơi vào tay một người đàn bà lấy chồng nước ngoài.

Bà Aung San Suu Kyi bị bắt ngay sau đó và bị kết án 30 năm tù vì tội nhận hối lộ. Tất nhiên, tội danh này chỉ là một cái cớ mà thôi. Người dân Myanmar đã ngay lập tức nổi dậy, biểu tình ở khắp nơi. Các nhóm phiến quân cũng nổi dậy chống quân đội ác liệt kể từ khi đảo chính. Tuy nhiên, quân đội đã đàn áp thẳng tay đám đông biểu tình, rất nhiều dân thường đã bị chết và bị bắt. Quân đội cũng tiến hành không kích mạnh mẽ các căn cứ quân sự của các nhóm phiến quân, nội chiến Myanmar lại tiếp tục leo thang mạnh mẽ.

Hai năm gần đây, cả thế giới đã đổ dồn mọi sự chú ý vào cuộc chiến ở Nga và Ukraina, hay gần đây là cuộc chiến ở Israel-Palestine. Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Myanmar cũng đang rơi vào tình cảnh ác liệt hơn bao giờ hết. Hiện tại ở Myanmar, số lượng các quân đội nổi dậy đã lên đến vài chục. Dường như là ở các bang biên giới nào cũng có từ một đến một vài đội quân khác nhau. Một số dân tộc thiểu số cũng có quân đội riêng, họ tiến đánh các đồn quân sự của chính phủ, đánh chiếm trụ sở chính quyền, kiểm soát phần đất nơi mà họ sinh sống. Trong khi quân chính phủ cũng không khoan nhượng, họ đã tổ chức nhiều cuộc không kích quy mô lớn vào các thị trấn hiện đại bị phiến quân chiếm giữ, làm chết rất nhiều dân thường và nhiều người đã phải rời bỏ nhà cửa, tạo ra khung cảnh hỗn loạn khắp đất nước.

Tuy nhiên, quân đội Myanmar Tamado giống như là mãnh hổ vậy. Mãnh hổ thì nan địch quần hổ, quân đội có xe tăng, máy bay, quân số lại đông hơn. Còn các nhóm phiến quân với vũ khí thông thường rõ ràng là yếu hơn, nhưng họ lại nhận được sự giúp đỡ, sự ủng hộ từ người dân địa phương. Cho nên, đánh nhau nhì nhằng mãi số lượng phiến quân cũng lên đến vài chục đội quân. Trong đó, các thế lực lớn nhất có thể kể ra như PDF với 65.000 quân, KNU 20.000 quân, MNDAA 10.000 quân, KNLA, DKPA, NDAA, SSAN và Arakan Army… Mỗi nhóm đều có từ hai đến 15.000 quân cùng hàng chục nhóm phiến quân nhỏ lẻ khác.

Thể hình trên thực địa hiện nay, quân đội chính phủ Tamado đã mất rất nhiều đất vào tay các nhóm phiến quân, đặc biệt là ở các vùng đất phía bắc. Các bạn hãy nhìn vào bản đồ các cuộc chiến giữa phiến quân và quân chính phủ từ năm 1995 tới nay. Các bạn có thể thấy rằng quân chính phủ thật sự chỉ nhận được sự ủng hộ của người dân ở bốn bang là Ayeyarwady, Yagon, Bago và Magwe. Còn lại, tất cả các bang khác đều có quân nổi dậy.

Trong số hàng chục nhóm phiến quân, có một nhóm khiến người ta khá là chú ý, đó là nhóm Liên Minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, viết tắt là MNDAA. Nhóm này là quân đội của dân tộc Kokang, kiểu như là dân tộc Hoa ở Myanmar vậy, họ nói tiếng Hoa luôn, lá cờ của quân đội này mới nhìn qua thì cứ tưởng là cờ của Việt Nam, khác một chút là cờ này có mấy cái vòng ở trên sao vàng. Nhóm này đã được thành lập vào năm 1989, sau khi Trung ương có đảo chính họ đã đóng quân ở vùng Kokang, phía bắc bang Shan, giáp biên giới với Trung Quốc.

Khi mới thành lập, họ chỉ có khoảng 2000 quân. Tuy nhiên, để nhanh chóng ổn định tình hình đất nước, chính phủ quân đội đã ký hiệp ước công nhận quyền tự trị của vùng Kokang cho nhóm này. Vì là người Hoa nói tiếng Hoa, nên đã có rất nhiều nguồn tiền từ Trung Quốc đổ vào đây để kinh doanh đá quý, ma túy và cả là buôn người vô pháp vô thiên luân.

Phiến quân cần tiền để tồn tại, còn các tổ chức buôn lậu hàng cấm cần một vùng đất để dung thân thế là hai bên đã cộng sinh tồn tại hàng chục năm qua. Giờ đây, MNDA đã lớn mạnh hơn rất nhiều, quân số đã lên đến hơn 10.000. Họ bắt đầu liên minh với các nhóm phiến quân khác, tấn công mở rộng phạm vi chiếm đóng.

Ngày 27/10/2023, Lữ đoàn 143 của quân đội Myanmar Tamado ở bang Shan đã phải buông súng đầu hàng trước liên minh huynh đệ. Đây là liên minh của MNDA, quân đội giải phóng quốc gia Tang (TNLA) và quân đội Arakan (AA). Đây được coi là một đợt tấn công quy mô lớn nhất của các nhóm nổi dậy kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Việc một lữ đoàn quân đội chính phủ đầu hàng, bỏ lại toàn bộ khí tài quân sự, lương thực và vũ khí đã giáng một đòn mạnh vào sức mạnh của quân chính phủ cũng như bổ sung sức mạnh cho các nhóm nổi dậy. Trong 5 ngày giao tranh tiếp theo, liên minh huynh đệ tuyên bố là đã chiếm được 90 căn cứ của quân đội, kiểm soát một số thị trấn chiến lược của bang Kachin, phía bắc bang Shan và khu vực thượng Mandal.

Có thể thấy rằng, quân đội của các nhóm phiến quân chiến đấu một cách anh dũng hơn do họ chiến đấu vì lý tưởng, còn quân chính phủ đầu hàng là bởi họ không biết mình đang chiến đấu vì cái gì. Bang Shan là nơi dự kiến xây dựng tuyến đường sắt hàng tỷ đô la, một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Hơn 1/4 thương mại biên giới trị giá 1,8 tỷ đô la của Myanmar với Trung Quốc là đi qua thị trấn Chinshwehaw. Hiện thị trấn này đang nằm trong tay quân nổi dậy.

Thực ra, tình trạng nội chiến ở Myanmar vẫn luôn diễn ra kể từ khi tuyên bố độc lập từ năm 1948. Việc ra đời của Nhà nước Myanmar khi đó là sự trung hòa lợi ích của các nhóm quân phiệt, thế nên mới gọi là Cộng hòa Liên bang Miến Điện. Khi việc dung hòa lợi ích này bị mất cân bằng, tất nhiên là sẽ dẫn đến nội chiến.

Đảng của bà cũng bắt đầu có thực quyền từ năm 2012, còn bà thật sự lãnh đạo đất nước từ năm 2015. Như vậy, bà đã có 9 năm để triển khai tất cả các thủ đoạn, các chiêu thức nhưng kết quả thì sao? Bà vẫn không thể dung hòa được lợi ích của các nhóm quân đội, bà vẫn để người ta đảo chính thành công và bà để người ta bắt giữ, điều đó đã nói lên khả năng chính trị của bà đến đâu.

Tình hình hiện tại ở Myanmar đã thể hiện rất rõ ý chí của Tướng Min Aung Hlaing, đó là không khoan nhượng, quyết tâm đánh tan tất cả các nhóm quân phiệt. Còn các đội quân nổi dậy cũng vậy, họ quyết tâm đứng lên chống lại chính quyền quân đội, có những binh sĩ mới chỉ 17 tuổi, còn đang học cấp ba, nhưng đất nước hỗn loạn, họ đành ra nhập quân nổi dậy. Có những người vì người thân chết trong các cuộc không kích của quân đội, họ cũng gia nhập quân nổi dậy, cũng có những người ở trong quân của chính phủ, vì chán ghét cách làm của các tướng lĩnh, nên đã đào ngũ, chuyển sang đầu quân cho phiến quân.

Myanmar thật là lạ đời khi các phiến quân lại nhận được sự ủng hộ từ người dân địa phương, còn quân của chính phủ thì bị dân chống. Cuộc sống của các nhóm phiến quân cũng không được đầy đủ, vì họ thiếu vũ khí đạn dược, thiếu điện, thiếu nước, thiếu cả mạng internet, nhưng những đội quân này vẫn trường kỳ kháng chiến. Ngoài ra, các nhóm phiến quân cũng nhận được sự tài trợ từ các công ty và tổ chức của Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, cả Mỹ. Một thế lực lớn như FAD, quân số lên tới 65,000 người, nếu không có nguồn tài chính dồi dào, làm sao mà duy trì được? Các công ty cờ bạc, buôn ma túy, buôn đá quý của Trung Quốc cũng chọn Myanmar làm đại bản doanh. Những nhóm tội phạm này, nếu đặt trụ sở ở Trung Quốc, rất dễ bị truy quét. Còn nếu sang Myanmar và hợp tác với một nhóm phiến quân nào đó, tài trợ cho họ, hai bên cùng có lợi; có thể làm trời làm biển không ai kiểm soát. Ví dụ rõ ràng nhất cho điều này là mới đây, ngày 6/11, vụ giải cứu 166 công dân Việt Nam ở vùng do phiến quân Myanmar kiểm soát.

Một đất nước nội chiến kể từ khi lập quốc, chính phủ quân đội độc tài đóng cửa đất nước với bên ngoài trong suốt nhiều năm. Các nhóm phiến quân mọc lên như nấm, chiếm cứ các vùng đất riêng biệt, chiến hỏa liên miên, dân chúng lầm than. Một đất nước bị phân liệt như vậy thì làm sao mà phát triển kinh tế được, dù là đất đai rộng lớn, tài nguyên phong phú, rừng vàng biển bạc cũng vậy thôi.

Hướng đi nào cho Myanmar đây? Cố gắng trung hòa lợi ích giữa các nhóm phiến quân để các bên ngồi vào và ký kết một hiệp định đình chiến vào lúc này ư? Tôi nghĩ là khả năng thành công lúc này là rất thấp. Giờ chỉ có trông chờ vào việc xuất hiện của một vị lãnh tụ kiệt xuất, thông qua phương thức bạo lực cách mạng, thống nhất toàn bộ các sứ quân, giống như là ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 sứ quân vậy, non sông mới có thể quy về một mối được. Vị lãnh tụ này có thể xuất hiện ở bên trong quân đội Tamado hay là xuất hiện ở một trong các nhóm phiến quân đang tồn tại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới