Friday, January 24, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội4 động lực chính hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2024

4 động lực chính hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2024

Xuất khẩu hồi phục, đầu tư công được đẩy mạnh, chính sách tiền tệ nới lỏng và thị trường bất động sản khởi sắc là 4 yếu tố hỗ trợ tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2024, theo KBSV.

CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc ở mức 6% khi các kết quả vĩ mô ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: Xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và nhu cầu nội địa có xu hướng hồi phục, dòng vốn FDI tăng ổn định; đầu tư công được đẩy mạnh; chính sách tiền tệ nới lỏng; và thị trường bất động sản khởi sắc hơn.

Theo KBSV, hoạt động xuất khẩu là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2023 chứng kiến sự suy giảm trong lĩnh vực này kéo theo hoạt động sản xuất trong nước bị trì trệ, chủ yếu do nhu cầu suy yếu tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc.

Dù vậy, KBSV cho rằng sự suy giảm này một phần do mức nền xuất khẩu cao trong năm 2022 khi các nước mở cửa trở lại sau dịch Covid-19. Mặt khác, xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng hồi phục, mức tăng trưởng âm đã được thu hẹp qua từng tháng và đảo chiều trong quý 4/2023 với mức tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

KBSV giữ quan điểm thận trọng đối với hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 do lo ngại thiếu hụt đơn hàng mới khi mà nhu cầu tại các nền kinh tế lớn chưa phục hồi.

Tuy nhiên, xuất khẩu được dự báo sẽ bứt phá mạnh mẽ trong nửa sau của năm 2024 nhờ các yếu tố: Triển vọng kinh tế tại 2 nước đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc khởi sắc hơn; thương mại toàn cầu cải thiện; tăng trưởng tồn kho tại Mỹ và EU chạm đáy, kỳ vọng số đơn hàng xuất khẩu sẽ cải thiện khi các quốc gia này chủ động tăng tồn kho.

Ngoài ra, các yếu tố nội tại khác như Việt Nam nâng cấp quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, hay việc tích cực ký kết và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng sẽ gián tiếp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Về đầu tư công, trong năm 2024, kế hoạch đầu tư công của Chính phủ ước tính đạt 677.000 tỉ đồng, chiếm 32% ngân sách nhà nước, tập trung chính vào các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, đường vành đai 4 Hà Nội, đường vành đai 3 TP. HCM.

KBSV dự báo tổng vốn đầu tư công có thể phân bổ trong năm 2024 ở mức 730.000 tỉ đồng, giảm 5% so với mức nền cao của năm trước. Kỳ vọng tỷ lệ giải ngân năm nay sẽ đạt mức kỷ lục, đạt khoảng 90-95% kế hoạch.

Về chính sách tiền tệ, với dự báo lạm phát và tỷ giá nhiều khả năng không chịu áp lực lớn trong năm 2024, trong khi FED được dự báo sẽ đảo chiều chính sách, KBSV cho rằng NHNN sẽ có điều kiện để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện tại.

Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp, trong khi lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 0,75%-1% so với mức cuối năm 2023.

“Dù dư địa giảm lãi suất không nhiều, việc có thể duy trì lãi suất ở mức thấp là điều kiện lý tưởng để hỗ trợ thị trường bất động sản, giảm chi phí đi vay của doanh nghiệp, cũng như kích thích nhu cầu của người dân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, báo cáo viết.

Đối với thị trường bất động sản, KBSV đánh giá các nguyên nhân khiến thị trường này gặp khó khăn trong năm 2023 như mặt bằng lãi suất cao, vướng mắc pháp lý… phần nào sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, qua đó hỗ trợ xu hướng hồi phục của thị trường bất động sản.

Ở chiều ngược lại, KBSV nhận định các rủi ro lớn nhất đối với dự báo tăng trưởng GDP bao gồm: Rủi ro địa chính trị khiến giá hàng hóa, giá dầu, giá cước vận tải… tăng phi mã; một cuộc suy thoái trầm trọng có thể xảy ra ở một trong các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc; rủi ro đổ vỡ ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước khi khối lượng đáo hạn cao kỷ lục trong năm 2024.

Trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn sau khi trừ đi các khoản mua lại sẽ lên đến 258.000 tỉ đồng, gấp 2 lần so với năm 2023, trong đó có khoảng 123.500 tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.

KBSV không loại trừ khả năng rủi ro vỡ nợ xảy ra gây nên đổ vỡ hệ thống ngân hàng tương tự như sự kiện SCB, Vạn Thịnh Phát, đặc biệt đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản do lĩnh vực này được dự báo chưa thể bứt phá mạnh mẽ trong năm sau.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới