Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHy vọng gì ở “tân” Chủ tịch?

Hy vọng gì ở “tân” Chủ tịch?

“Tân” chủ tịch ở đây không phải một nhân vật cụ thể, mà là một quốc gia. Đó là Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào – trong vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2024.

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 29/1/2024

Chủ tịch ASEAN thực ra không phải một cương vị bầu bán có tính cạnh tranh khốc liệt. Nó là vị trí được luân phiên hàng năm giữa các quốc gia thành viên theo thứ tự chữ cái tên tiếng Anh của các nước, theo Điều 31 Hiến chương ASEAN năm 2007. Cũng theo đó, quốc gia giữ cương vị chủ tịch sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan; các cuộc họp của Hội đồng Điều phối ASEAN; Ba Hội đồng Cộng đồng ASEAN; các cuộc họp của Cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng và quan chức cao cấp; Ủy ban các Đại diện thường trực ASEAN…

Với cơ chế luân phiên đó, “chân” Chủ tịch ASEAN không hẳn là cái gì quá hào nhoáng, vinh dự. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nước, khi nhận vai trò Chủ tịch đều tận dụng cơ hội để chứng minh nhiệt tình, trách nhiệm, năng lực tổ chức, vị thế của mình trên trường quốc tế. Nói khái quát hơn, là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước và dân tộc với bạn bè trong khu vực; sau nữa, là lan tỏa ra toàn cầu.

Nếu chỉ có vậy thì đã chẳng có gì phải eo xèo. Ai cũng có phần kia mà. Làm tốt hay không, tận dụng được hay không, thì tự trách mình chứ định trách ai?

Nhưng thế sự thời nay không đơn giản. Từng có quốc gia lợi dụng vai trò Chủ tịch để cài cắm vào đó lợi ích “không trong sáng” của mình. Nhắc chuyện này, chưa cần các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, chỉ người bình thường nhưng quan tâm thời cuộc chút ít, hẳn nhớ năm 2012, Campuchia, trong tư cách Chủ tịch ASEAN, đã quyết tâm ngăn cản đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc ở biển Đông vào tuyên bố chung. Sự cố ví như hành vi “cửa quyền” này đã gây nên hậu quả, tổn thất nghiêm trọng: lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, một hội nghị cấp bộ trưởng kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung.

Một số nhà ngoại giao, ngay thời điểm đó, đã nhìn nhận Phnom Penh như một nhân tố phá bĩnh. Tại sao phá bĩnh? Vì Campuchia “thân hữu” có nhiều lợi ích gắn với Trung Quốc. Mà Trung Quốc – đằng sau cái tên này, là yêu sách đường lưỡi bò tham lam, ngang ngược…

Vấn đề Biển Đông, vì những lý do tế nhị: vừa chịu ơn Trung Quốc viện trợ hào phóng kinh tế, vừa là quốc gia có quan hệ hữu nghị đặc biệt với Việt Nam, Vientiane không ra mặt cản trở Việt Nam cũng như Philippines, Malaysia. Nhưng họ cũng chẳng khác mấy Phnom Penh,, khi chủ trương rằng: ASEAN không nên can dự vào tranh chấp Biển Đông; tranh chấp nên giải quyết qua đàm phán song phương giữa Trung Quốc với các nước liên quan.

Giải quyết bằng biện pháp hòa bình, bằng đối thoại thì đúng rồi. Nhưng chết nỗi, đàm phán song phương thì hại Việt Nam, Philippines, Malaysia quá. Song phương – đó là điều Bắc Kinh muốn bởi trong cuộc tay đôi này, Trung Quốc sẽ vứt công pháp quốc tế vào thùng rác, để khuất phục đối thủ bằng sức mạnh cơ bắp.

Trở lại chuyện Lào đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, theo chiều hướng căng thẳng, các nước trong khối, nhất là các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc, đồng thời cũng là nạn nhân của Trung Quốc lâu nay, sẽ hy vọng gì?

Hy vọng rằng, sau các lần đảm trách vị trí quan trọng này vào các năm 2004 và 2016 không mấy để lại dấu ấn, thậm chí, chi li ra, còn gây trở ngại bằng những lời “bàn ra, bàn vào” có lợi cho Bắc Kinh, lần này, Vientiane sẽ khác. Một trong những cái khác mà các nước trong khối, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia trông đợi, là Lào sẽ vô tư, khách quan, đề cao công pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông; Lào sẽ không vì “thân hữu” với Trung Quốc mà tiếp tay cho thói võ biền nước lớn. Chỉ có như thế, chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy sự kết nối và tự cường” mà Lào đề nghị, được các nước ASEAN tán đồng mới thật sự có ý nghĩa, mới gắn bó thêm, chứ không làm rã đám một ASEAN như đã từng xảy ra.

Khởi đầu, mọi sự vẻ như đang có chiều hướng tích cực. Mới nhất, trong Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khai mạc ngày 29/1 tại cố đô Luang Prabang, liên quan vấn đề Biển Đông, thông tin phát ra cho biết: Các bộ trưởng đã thảo luận thẳng thắn về tình hình Biển Đông, nhấn mạnh mong muốn xây dựng Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Thực ra, cũng chung chung thôi. Và do vậy, cái sự chung chung đó cũng chưa nói được điều gì. Nhưng hãy cứ thế để lấy đà đã. Để từ đà này, biết đâu trong các sự kiện tiếp theo, câu chuyện Biển Đông trong năm Lào giữ cương vị Chủ tịch ASEAN có thể tiến triển thêm chút ít, nhất là trong việc xây dựng COC vỗn đã ì ạch bao nhiêu năm nay.

Nhưng vấn đề là Trung Quốc có ngồi im để Lào thực hiện sứ mệnh kết nối đó không? Khó đấy. Không chừng đằng sau sân khấu hoặc bên trong các cánh gà hội nghị, ngay từ đầu năm, Bắc Kinh đã có người thậm thụt với người của Vientiane rồi. Nói cách khác, tạm thời, hãy đừng đặt quá nhiều hy vọng vào khả năng hiện thức hóa mục tiêu “kết nối” ASEAN mà Lào đưa ra. Hãy chờ sau một năm nữa, vào dịp này, mọi sự sẽ rõ.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới