Sunday, November 17, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTừ những kỷ lục khí hậu đến tương lai nhân loại

Từ những kỷ lục khí hậu đến tương lai nhân loại

Năm 2023 đã chứng kiến hàng loạt kỷ lục mới về thời tiết toàn cầu, thúc đẩy những cuộc tranh luận mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sau hơn 30 năm kể từ khi các nhà khoa học cảnh báo về ‘hiệu ứng nhà kính’ với quốc hội Mỹ.

Cháy rừng ở Hy Lạp hồi tháng 7.2023

Xuyên suốt mùa hè năm 2023, những kỷ lục về nhiệt độ liên tiếp bị xô đổ ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Trung Quốc đến Âu, Mỹ. Từ tháng 6 – 10, tháng nào cũng là nóng nhất kể từ khi có thống kê. Dường như chưa đủ “nóng”, đến tháng 11, Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết năm 2023 “gần như chắc chắn” là năm nóng nhất trên trái đất trong 125.000 năm qua.

“Những con số trong năm 2023 về nhiệt độ không khí, nhiệt độ nước biển, băng ở đại dương và những thứ khác trông giống như bước ra từ một bộ phim thảm họa”, theo CNN dẫn lời ông David Reay, Giám đốc điều hành Viện Biến đổi khí hậu Edinburgh thuộc Đại học Edinburgh (Anh).

Tác động của biến đổi khí hậu đã được nhìn thấy qua những đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn, mưa bão và lũ lụt nặng nề hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn cũng như cháy rừng dữ hội hơn trong năm 2023.

Tất cả đã đặt ra câu hỏi đáng báo động: Phải chăng việc xả khí thải carbon không ngừng nghỉ của loài người cuối cùng đã đẩy khủng hoảng khí hậu sang một giai đoạn hủy diệt mới và diễn tiến nhanh hơn? Nhiều nhà khoa học khẳng định thế giới vẫn chưa vượt qua “điểm bùng phát” của quá trình biến đổi khí hậu, nhưng một số người lo ngại rằng địa cầu đang tiến gần đến điểm này hơn bao giờ hết.

Cuộc điều trần bước ngoặt
Ngày 23.6.1988, trong một cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ, tiến sĩ James Hansen và các nhà khoa học khác đã cảnh báo về xu hướng gia tăng của nhiệt độ trên trái đất. Ông nói “chắc chắn đến 99%” xu hướng này không phải là biến đổi tự nhiên mà là do sự tích tụ CO2 và các loại khí thải khác mà con người đưa vào bầu khí quyển.

Cho đến khi đó, giới khoa học vẫn tỏ ra thận trọng trong việc thừa nhận mối liên hệ giữa việc nhiệt độ gia tăng và tình trạng nóng lên toàn cầu do ô nhiễm không khí. Do vậy, những nhận định của ông Hansen, người lúc ấy là Giám đốc Viện Nghiên cứu không gian thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), lập tức gây chú ý toàn cầu sau khi xuất hiện trên mặt báo.

“Nếu tiến sĩ Hansen và các nhà khoa học khác đúng thì con người, thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động khác, đã làm thay đổi khí hậu toàn cầu theo cách sẽ ảnh hưởng đến sự sống trên trái đất trong nhiều thế kỷ tới”, tờ The New York Times tường thuật về sự kiện trong số báo ngày 24.6.1988.

Hơn 3 thập niên sau cuộc điều trần, hẳn không ai còn tranh cãi về đánh giá của ông Hansen. Bản thân ông cũng trở thành một trong những người có tiếng nói đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong một nghiên cứu gần đây, ông cảnh báo tình trạng nóng lên toàn cầu đang tăng tốc và con người “đang ở trong giai đoạn đầu của tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.

“Tình trạng khẩn cấp”
Tần suất xuất hiện của những thuật ngữ như “tình trạng khẩn cấp về khí hậu” hay “khủng hoảng khí hậu và sinh thái” đã gia tăng đột biến trong những năm gần đây. Theo thống kê của cơ sở dữ liệu nghiên cứu Web of Science, nếu năm 2015 chỉ có 32 bài báo đề cập đến thuật ngữ “tình trạng khẩn cấp về khí hậu” thì con số đó đã tăng lên 862 vào năm 2022.

“Tình trạng khẩn cấp” đó đã được minh họa rõ nét trong năm 2023: bão Daniel gây tổn thất nhân mạng nhiều nhất ở châu Phi với số người chết ước tính từ 4.000 – 11.000; có 93 người chết liên quan vụ cháy rừng Maui (Hawaii) – vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất thế kỷ ở Mỹ; hạn hán ở vùng Amazon của Brazil khiến mực nước sông xuống mức thấp lịch sử.

Cuối tháng 10.2023, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change kết luận rằng “ngân sách carbon” của thế giới – tức lượng khí thải nhà kính vẫn có thể thải ra mà không làm nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp – đã giảm đi 1/3. Với mức phát thải hiện tại, thế giới chỉ còn 6 năm nữa trước khi vượt qua giới hạn gia tăng nhiệt độ đó.

Theo báo cáo của C3S hồi tháng 11.2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 1 – 10 của năm 2023 cao hơn 1,43 độ C so với thời tiền công nghiệp. Riêng nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 10 năm ngoái cao hơn thời tiền công nghiệp đến 1,7 độ C.

Nhiệt độ gia tăng chủ yếu là do khí nhà kính thải vào khí quyển khi đốt nhiên liệu hóa thạch, cùng với đó, sự quay trở lại của hiện tượng El Nino cũng góp phần đẩy nền nhiệt. Dù vậy, các nhà khoa học lưu ý rằng tác động của El Nino chỉ thực sự trở nên rõ ràng trong năm 2024.

Tranh luận trong giới khoa học
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Oxford Open Climate Change vào tháng 11.2023, nhóm của tiến sĩ Hansen kết luận rằng một đợt nóng lên “nguy hiểm” sẽ được giải phóng khiến nhiệt độ trung bình của thế giới vượt giới hạn 1,5 độ C ngay trong thập niên này, và vượt giới hạn 2 độ C vào năm 2050. Song một số nhà khoa học đã bày tỏ hoài nghi về nghiên cứu trên. Những ý kiến như vậy phản ánh sự chia rẽ nổi lên gần đây trong giới khoa học khí hậu, xoay quanh chuyện liệu có phải tình trạng nóng lên toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới và thậm chí còn nguy hiểm hơn hay không.

Theo nhà khoa học khí hậu Robin Lamboll tại Đại học Hoàng gia London (Anh), nghiên cứu của ông Hansen có phạm vi rộng “nhưng thiếu những thứ như chiều sâu phân tích hoặc tính chất nhất quán khi đưa ra các tuyên bố rất không điển hình”. Trong khi đó, nhà khoa học khí hậu Michael Mann của Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng ông Hansen đã phóng đại vấn đề và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về bằng chứng trong nghiên cứu nói trên.

Theo một số nhà khoa học, mặc dù chắc chắn có cảm giác thế giới đã trải qua một bước ngoặt đáng sợ, tình trạng nóng lên toàn cầu cho đến nay hoàn toàn phù hợp với những dự đoán khoa học trong 3 thập niên vừa qua. Song dù thế nào, giới khoa học rõ ràng ở một chuyện: Con người phải chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới