Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ tự cường sản xuất máy bay, tìm mọi cách vượt Boeing...

TQ tự cường sản xuất máy bay, tìm mọi cách vượt Boeing và Airbus

Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh mẽ để mở rộng năng lực sản xuất máy bay chở khách C919 do nước này tự chế tạo, nhằm giành thêm thị phần từ các ông lớn Airbus và Boeing.

Một chiếc C919 bay qua Cảng Victoria của Hong Kong, Trung Quốc, vào tháng 12/2023.

Theo SCMP, ông Zhang Yujin, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac), khẳng định nhà sản xuất máy bay thân hẹp thuộc sở hữu nhà nước này có kế hoạch tăng mạnh năng lực sản xuất trong năm nay.

Bên lề Đại hội nhân dân thành phố Thượng Hải diễn ra tuần trước, ông Zhang tiết lộ thêm rằng khoản đầu tư cho việc sản xuất máy bay C919 sẽ lên tới hàng chục tỷ nhân dân tệ trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Máy bay C919 do Trung Quốc chế tạo được thiết kế để chở từ 140 đến 210 hành khách và có tầm bay là 5.555 km, nhằm mục đích cạnh tranh trực tiếp với dòng 737 của Boeing và A320 của Airbus.

Boeing và Airbus đều là những nhà sản xuất máy bay chú trọng cải tiến công nghệ nhằm tăng tính hiệu quả, độ bền, giảm tiếng ồn và khí thải cho các tàu bay của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc đánh giá chiếc C919 cũng trang bị nhiều kỹ thuật tiên tiến như bố cục khí động tiên tiến, động cơ tốn ít nhiên liệu, tiếng ồn thấp.

Ông Mike Yeomans, người đứng đầu bộ phận định giá tại công ty phân tích hàng không IBA có trụ sở tại Anh, đánh giá C919 đã được ứng dụng rất nhiều công nghệ mới nhất, hiện đại nhất.

Trong khi đó, nhà kinh tế Max J.Zenglein, người đứng đầu Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, Đức), nhận định dù sự ra đời của C919 đánh dấu điểm khởi đầu trong việc thách thức hai dòng máy bay thương mại phổ biến của Boeing và Airbus, nhưng có lẽ sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể chứng kiến một sự thay đổi lớn trên thị trường toàn cầu.

Tính đến tháng 1/2024, Comac đã giao 4 máy bay C919 cho khách hàng đầu tiên của mình là China Eastern Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai của Trung Quốc theo số lượng hành khách, chỉ sau hãng hàng không quốc gia Air China.

3 chiếc trong số này đã được đưa vào khai thác trên đường bay từ Thượng Hải đến thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc), sau chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối tháng 5/2023. Tính đến cuối năm ngoái, dòng máy bay này đã thực hiện 655 chuyến bay thương mại và vận chuyển gần 82.000 hành khách.

Đầu tháng này, China Eastern Airlines đã đưa máy bay C919 vào tuyến khứ hồi thường xuyên nối thủ đô Bắc Kinh với trung tâm kinh tế Thượng Hải, đánh dấu nỗ lực mở rộng thị trường nội địa. Đây là một trong những tuyến bay đông đúc nhất thế giới. Trên chặng bay này, C919 đạt tỷ lệ lấp đầy hành khách hơn 85% từ Thượng Hải và gần 100% trên hành trình khứ hồi từ Bắc Kinh.

China Eastern Airlines hiện đã hoàn tất thỏa thuận mua thêm 100 máy bay C919, tổng trị giá gần 10 tỷ USD, mặc dù đơn hàng sẽ phải mất nhiều năm mới hoàn thành.

Nhà phân tích Li Taoyang từ China Securities cho biết, những chiếc C919 hiện có chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu trên 5 tuyến bay hàng đầu của China Eastern Airlines.

“Với hơn 4.000 chuyến bay của China Eastern Airlines và nhu cầu thị trường đáng kể của các hãng hàng không Trung Quốc khác, rất nhiều dư địa cho nhu cầu thay thế máy bay nội địa bằng C919 trong tương lai”, ông Li nói.

Comac cho biết họ hiện đã nhận được 1.061 đơn đặt hàng cho C919. Hãng hàng không quốc gia Air China vào tháng trước đã công bố mua 6 máy bay C919, dự kiến giao hàng từ năm 2024 đến năm 2025.

Nỗ lực mở rộng thị trường hàng không nội địa của Trung Quốc cũng được thúc đẩy bởi sự phục hồi hậu COVID-19 của thị trường hàng không toàn cầu.

Để đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng không trong dịp Tết Nguyên Đán 2024 ở Trung Quốc, China Eastern Airlines đã huy động 783 máy bay hoạt động trong suốt tuần nghỉ lễ và thực hiện 3.280 chuyến bay chở khách mỗi ngày – tăng 42% so với bình thường.

Trung Quốc cũng đang nỗ lực đưa ngành hàng không trong nước ra toàn cầu. Trong tháng 1, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cam kết hợp tác với Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu để giúp đưa máy bay của nước này vào các kế hoạch của lục địa.

Theo công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman của Mỹ, tổng số máy bay dân dụng trên thế giới có thể đạt tới 36.305 chiếc vào năm 2033, tăng 32,57% so với cách đây một thập kỷ. Công ty dự đoán Trung Quốc, Bắc Mỹ và Tây Âu là 3 thị trường có nhu cầu sử dụng máy bay cao nhất.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới