Việt Nam sở hữu sản lượng top 3 thế giới, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất.
Theo Nikkei Asia, giá cao su tự nhiên trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm, do nhu cầu gia tăng từ ngành xe điện của Trung Quốc và tình hình mất mùa ở Thái Lan, quốc gia hàng đầu về nguyên liệu sản xuất lốp xe này. Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia đứng đầu ngành hàng cao su.
Trong phiên giao dịch ngày 1/2, cao su tự nhiên trong các hợp đồng tương lai được giao dịch ở mức giá 283,60 yen (1,93 USD)/kg trên Sàn giao dịch Osaka, tăng 11% so với thời điểm cuối năm 2023. Trước đó, giá cao su đã chạm mức 289,50 yen/kg vào ngày 25/1, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Động lực thúc đẩy sự khởi sắc này là doanh số ô tô bùng nổ tại Trung Quốc. Trong nửa đầu năm ngoái, doanh số ô tô mới chỉ dao động ở mức khoảng 2 triệu chiếc/tháng, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM).
Nhưng vào tháng 11/2023, doanh số bật tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước lên 2,97 triệu chiếc, và tiếp tục tăng 23,5% lên 3,15 triệu chiếc vào tháng sau đó. Đặc biệt, doanh số xe chạy bằng năng lượng mới, trong đó có xe điện, đã vượt 1 triệu chiếc lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái.
Doanh số ô tô tăng đã đẩy nhu cầu cao su tự nhiên đi lên. Tháng 12/2023, nhu cầu lốp xe cho ô tô mới tại Trung Quốc tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022, theo công ty sản xuất lốp xe Michelin.
Bên cạnh lực đẩy từ phía cầu, thị trường cao su tự nhiên còn được thúc đẩy khi nguồn cung đang thắt chặt. Mưa lớn trong tháng 12/2023 tại Thái Lan, nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, đã ảnh hưởng đến vụ mùa. Tại Đông Nam Á, giai đoạn từ tháng 11 đến tháng Một thường là mùa mà cây cao su cho sản lượng cao .
Ông Gu Jiong, người đứng đầu mảng dịch vụ và đầu tư doanh nghiệp của công ty chứng khoán Yutaka Trusty Securities, cho biết vì tác động của thời tiết khắc nghiệt trong năm nay, người trồng cao su ở Thái Lan đã không thể gia tăng đủ sản lượng trong mùa cao điểm này. Ngày 1/2, giá cao su kỳ hạn tại Thái Lan ở mức cao nhất 19 tháng qua là 73,07 baht (2,06 USD)/kg.
Tình hình mất mùa ở Thái Lan đã thắt chặt nguồn cung dự trữ tại Nhật Bản. Tính đến ngày 20/1, các nhà kho thuộc Sàn giao dịch Osaka Exchange có 6.240 tấn cao su tự nhiên, thấp hơn nhiều so với mức thường thấy ở thời điểm đó trong năm là khoảng 10.000 tấn.
Giá cao su được dự đoán sẽ không hạ xuống cho đến khi mùa sản lượng thấp tại Đông Nam Á, kéo dài từ tháng Hai đến hết tháng Tư, kết thúc. Trong khi đó, theo CAAM, doanh số ô tô của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên khoảng 31 triệu chiếc trong năm nay.
Tại thị trường Việt Nam, từ đầu tháng 1/2024 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước ổn định so với cuối năm 2023. Tại các công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 270-305 đồng/TSC.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su, trị giá 2,89 tỷ USD, giảm 0,1% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với năm 2022.
Về giá xuất khẩu, năm 2023, giá cao su xuất khẩu giảm mạnh so với năm 2022, bình quân đạt 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với mức giá bình quân xuất khẩu năm 2022. Tuy nhiên, giá cao su dần phục những tháng cuối năm, hỗ trợ đáng kể hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Đáng chú ý, Trung Quốc luôn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Kết thúc năm 2023, nước ta xuất sang Trung Quốc 1,7 triệu tấn cao su, thu về hơn 2,2 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng nhưng giảm 4,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 78%. Năm 2023 cũng là năm ghi nhận tỷ trọng của Trung Quốc cao nhất trong 5 năm gần đây. Với lợi thế giá thành rẻ cùng nguồn cung cao su dồi dào, các đối tác Trung Quốc luôn thích mua cao su sơ chế từ Việt Nam.
Dự báo, trong quý tới, ngành cao su sẽ dần khởi sắc do nhu cầu từ các thị trường lớn phục hồi, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, giúp giá cao su tăng trong bối cảnh giá dầu có khả năng neo ở mức cao. Qua đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có cơ hội nâng cao lợi nhuận.
T.P