Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCăng thẳng “nâng cấp”

Căng thẳng “nâng cấp”

Căng thẳng trong quan hệ Philippines – Trung Quốc dường như đã tiến đến tầm mức mới với cáo buộc của Philippines về một cuộc tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc.

Một thuyền đánh cá Philippines gần bãi cạn Scarborough

Tấn công mạng, hiểu theo nghĩa thông thường, là nhằm vào hệ thống máy tính để vô hiệu hóa nó và đánh cắp dữ liệu…Nếu vì mục tiêu chính trị, các cuộc tấn công mạng thường nhằm vào các máy chủ các cơ quan quan trong của chính phủ, quốc phòng, ngân hàng…, gây nên những thiệt hại to lớn cho quốc gia, nhiều khi còn hơn cả tấn công bằng súng đạn.

Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Nga đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các cuộc tấn công mạng. Nạn nhân trước tiên là trang web của chính phủ và các công ty thuộc sở hữu nhà nước Nga. Cách đây 2 năm, tháng 11/2022, Costa Rica – quốc gia Trung Mỹ – từng phải chịu đựng các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống quan trọng của chính phủ, làm gián đoạn hệ thống thuế và hải quan, khiến hoạt động hậu cần xuất nhập khẩu của nước này sụp đổ…

Trở lại câu chuyện quan hệ Philippines và Trung Quốc. Tiếp theo việc là nạn nhân của Trung Quốc trên Biển Đông với các hành vi gây hấn diễn ra ngày một ngang ngược hơn, như: dựng hàng rào nổi ngăn chặn ngư dân Trung Quốc khai thác hải sản tại bãi cạn Scaborough; phun vòi rồng ngăn chặn tàu Philippines tiếp tế hậu cần cho nhóm binh sĩ đồn trú trên con tàu cũ tại bãi Cỏ Mây…, trung tuần tháng 1 vừa qua, Philippines đưa ra thông tin: các tin tặc từ Trung Quốc đã cố đột nhập vào nhiều trang web của Chính phủ nước này, trong đó có cả website cá nhân của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr (dù không thành công). Chúng sử dụng hạ tầng của hãng viễn thông nhà nước Trung Quốc Unicom.

Điểm đáng chú ý, không biết để tránh gây nên căng thẳng, hay chưa đủ cơ sở khẳng định, Manila chỉ nói rằng thủ phạm là “các tin tặc từ Trung Quốc” chứ không nói là “người Trung Quốc”. Tuy nhiên, điều đó khiến dư luận đã nghĩ ngay rằng: thủ phạm chẳng thể ai khác, ngoài Trung Quốc.

Cho dù tận thời điểm này, chưa có bằng chứng cụ thể, nhưng nhiều người không tin Trung Quốc đang là nạn nhân một thuyết âm mưu của Manila, vì hai lý do:

Thứ nhất, từ cuối nhiệm kỳ của ông Duterte, và hiện nay, tình thân một thời giữa Philippines với Trung Quốc đã và đang trở nên nhạt nhẽo. Những kỳ vọng về quan hệ bang giao mặn nồng từng được ông Duterte cố công, đang đi vào quên lãng. Thật ra, kết quả đó chắc chắn không phải là điều Manila mong muốn. Ông Duterte từng đã hết mực chân thành với Bắc Kinh. Chân thành tới mức ông bỏ qua cả những chỉ trích của dư luận trong nước. Thậm chí, Mỹ – đồng minh quan trọng thế, mà ông Duterte từng có thời điểm “ngảnh mặt đi” để “quay mặt về Trung Quốc” nữa là.

Gió đổi chiều mau chóng, suy cho cùng là do những cái đầu ở Trung Nam Hải “nói một đằng, làm một nẻo”. Tiếc là ông Duterte chỉ kịp choàng tỉnh cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình. Còn trước đó, người đàn ông này đã quá tin.

Tới ông Marcos, nhân vật kế nhiệm này “tỉnh hơn” người tiền nhiệm. Không chỉ tỉnh, ông Marcos cũng chẳng hề e dè theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên biển. Trung Quốc đã cứng, giờ lại va phải cái cứng của Philippines, không tóe lửa mới là chuyện lạ. Đó phải chăng là nguồn cơn ngày một nhiều hơn các sự cố, đụng độ căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua giữa Philippines và Trung Quốc?

Sau các sự cố đó, việc Trung Quốc sử dụng thêm vũ khí mới là các cuộc tấn công mạng nhằm vào Philippines, nếu có, cũng đâu có gì lạ. Cái đau cho Philippines là hình thức gây hấn mới này diễn ra nào có bao xa, sau việc lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Philippines đồng ý “tăng cường trao đổi các vấn đề trên biển và quản lý khác biệt thông qua tham vấn…để xử lý tốt hơn tình hình khẩn cấp trên biển…”

Thứ hai, Trung Quốc là một cường quốc công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin. Trung Quốc thì cố không lộ ra, nhưng giới thạo tin cho rằng, nước này đang “nuôi” lực lượng tác chiến mạng hàng đầu thế giới. Và, xét về khả năng sử dụng chiến tranh mạng, Washington còn phải dè chừng Bắc Kinh. Từ cách đây hơn 10 năm, vào giữa tháng 5/2013, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trình bày trước Quốc hội hàng năm đã khiến người Mỹ hốt hoảng, rằng: các gián điệp mạng của Trung Quốc đang nhắm vào chính phủ và các công ty của Mỹ.

“Có những hành động từ Trung Quốc nhằm hỗ trợ tình báo thu thập các thông tin chống lại nền ngoại giao, kinh tế, và nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ”. Tất nhiên, Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này, đồng thời phản pháo bằng tuyên bố: những cáo buộc của Mỹ là “là những lời bình luận vô trách nhiệm về việc xây dựng nền quốc phòng hết sức bình thường và hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời thổi phồng ý tưởng về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc”.

Vậy thì lần này, trước cáo buộc của Philippines, nếu ai đó có khẳng định các tin tặc gây nên vụ tấn công mạng nhằm vào Philippines, là do Trung Quốc đạo diễn, thì cũng có thể coi là có cơ sở vậy,

“Chính phủ Trung Quốc phản đối mạnh mẽ và truy quét mọi hình thức tấn công mạng theo quy định của pháp luật, không cho phép quốc gia hay cá nhân nào thực hiện tấn công mạng hay các hoạt động trái phép khác trên lãnh thổ Trung Quốc hoặc sử dụng hạ tầng Trung Quốc” – Đó là tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines vào ngày 5/2.

Thực ra, ngay cả khi Trung Quốc không phản ứng, nhiều người cũng có thể đoán ra, họ sẽ nói như thế nào rồi. Philippines cũng thế, hiểu rõ chẳng bao giờ Trung Quốc thừa nhận. Chỉ có điều, thực tế đã vậy, thì Manila cần biết mà cảnh giác, đề phòng đi. Lần đầu, Trung Quốc có thể thất bại. Nhưng chẳng dễ gì họ để điều đó lặp lại lần nữa đâu. Khi đó, căng thẳng giữa hai bên sẽ trở được “nâng cấp” thêm lần nữa đấy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới