Wednesday, January 22, 2025
Trang chủNước Việt đẹpNgắm di tích Ô Quan Chưởng gần 300 năm tuổi của Thủ...

Ngắm di tích Ô Quan Chưởng gần 300 năm tuổi của Thủ đô

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn sót lại của Thăng Long xưa, mang nhiều dấu ấn lịch sử kinh thành cũ.

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn sót lại của Thăng Long xưa, mang nhiều dấu ấn lịch sử kinh thành cũ.

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, in đậm dấu ấn lịch sử kinh thành Thăng Long. Trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng sự biến đổi của thời tiết, cửa ô phải trùng tu, sửa chữa lại nhiều lần. Do vậy, những lớp rêu phong và nét cổ kính xưa ít nhiều đã bị mai một.

Theo sử sách ghi lại, kinh thành Thăng Long có 5 cửa ô như: Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác và Ô Quan Chưởng. Mỗi cửa ô đều được xây dựng như một chiếc cổng, ngày mở, đêm đóng và có rào, có tuần đi canh phòng nhằm ngăn ngừa đạo chích, canh chừng hỏa hoạn.

Ô Quan Chưởng hay còn gọi là Ô Đông Hà (cửa phường Đông Hà) được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) triều đại nhà Lê. Năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785), cửa ô này được đại tu. Đến năm Gia Long thứ 3 (1804), cửa ô được xây dựng lại, mở rộng quy mô như hiện tại. Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long.

Ô Quan Chưởng gồm 2 tầng, được xây dựng theo kiểu vọng lầu – một kiểu kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn; tầng thứ nhất có 3 cửa, cửa chính nằm ở giữa, cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên, rộng khoảng 1,65m, cao 2,5m.

Điểm đặc biệt là cả 3 cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn, tầng thứ 2 có vọng lầu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí nóc cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị.

Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lầu là một khung hình chữ nhật, cao gần 1m, rộng khoảng 3m, có đắp nổi ba chữ Hán “Đông Hà Môn”.

Tường phía bên trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu Nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô.

Những nét rêu phong và sự ăn mòn của thời gian khiến Ô Quan Chưởng trở nên cổ kính, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Theo lịch sử lưu truyền, Đông Hà Môn được đổi tên thành Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao của một viên Chưởng cơ và đội quân 100 binh lính do ông chỉ huy đã anh dũng chiến đấu với quân Pháp để bảo vệ thành Hà Nội. Đối với những người gốc Hà Nội hay dân sinh sống lâu năm trên con phố Ô Quan Chưởng, Hàng Chiếu, Trần Nhật Duật…, Ô Quan Chưởng đã trở nên gần gũi và gắn bó không thể tách rời.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới