Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnThông điệp mạnh mẽ gửi TQ ở Biển Đông ngày đầu xuân...

Thông điệp mạnh mẽ gửi TQ ở Biển Đông ngày đầu xuân Giáp Thìn

Ngày 7/2 và 8/2/2024, các tàu chiến của Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông bất chấp việc Bắc Kinh phản đối các hoạt động của hải quân nước ngoài trong khu vực. Trong một thông báo, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ cho biết tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường USS John Finn (DDG-113) và tàu chiến USS Gabrielle Giffords (LCS-10) của Hải quân Hoa Kỳ đã tập trận với tàu khu trục JS Sazanami (DD-113) của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) và tàu khu trục RAN HMAS Warramunga (FFH152) của Hải quân Hoàng gia Úc.

Trung Tá Hải quân Earvin Taylor, sĩ quan chỉ huy của chiếc tàu khu trục USS John Finn, nhấn mạnh: “Cuộc hải hành này củng cố mối quan hệ của chúng tôi giữa các đồng minh Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc”; “Chúng tôi thúc đẩy tính minh bạch, pháp quyền, tự do hàng hải và tất cả các nguyên tắc nhấn mạnh an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trong khi đó, Phó đô đốc Úc Jonathan Ley cho biết trong tuyên bố rằng việc triển khai như vậy là “rất quan trọng để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và khả năng hoạt động cùng nhau của chúng tôi”.

Trong một thông cáo báo chí của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF), sĩ quan chỉ huy tàu, trung tá Masayuki Ban cho biết: “Chúng tôi tin rằng thông qua cuộc tập trận ba bên này, chúng tôi có thể cải thiện khả năng chiến thuật và tăng cường hợp tác với Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng gia Úc, cũng như thể hiện ý chí mạnh mẽ và khả năng của chúng tôi trong việc tạo ra một môi trường an ninh không chấp nhận những thay đổi hiện trạng một cách đơn phương và bằng vũ lực”.

Trong khi tàu Warramunga của Úc đang duy trì hiện diện tại khu vực trong thời gian 3 tới tại Nam và Đông Nam Á, sau khi rời cảng Sydney vào ngày 23/1/2024, thì tàu JS Sazanami tiến đến Vịnh Aden với tư cách là Lực lượng triển khai thứ 47 để thực thi hoạt động chống cướp biển (DSPE) và sẽ thay thế tàu khu trục JS Akebono (DD-108) của Nhật Bản, đang đóng quân tại đây. Kể từ năm 2009, Nhật Bản thường xuyên triển khai một tàu khu trục đến Vịnh Aden để thực hiện nhiệm vụ hộ tống chống cướp biển.

Từ ngày 18-27/2, Sazanami sẽ tham gia cuộc tập trận đa phương Milan của Hải quân Ấn Độ, được tổ chức tại Vịnh Bengal, trước khi tiếp tục đến Vịnh Aden. Trước đó hôm 6/2, theo thông tin của Căn cứ Hải quân Guam, tàu Theodore Roosevelt CSG đã đến Vịnh Subic để tiếp tế và tiếp nhiên liệu; tàu khu trục USS Daniel Inouye (DDG-118) và USS Kidd (DDG-100) cũng tiến vào Guam cùng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71). Tàu sân bay được triển khai cùng với tàu tuần dương USS Lake Erie (CG-70) và các tàu khu trục USS John S. McCain (DDG-56), USS Halsey (DDG-97) và Daniel Inouye, trong khi đó tàu USS Kidd được triển khai như một phần của Carl Vinson CSG, hiện cũng đang hoạt động ở Biển Đông.

Tiếp đó, hôm 9/2/2024, Philippines và Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông. Quân đội Philippines cho biết, đợt tập trận mới nhất thể hiện việc hai nước tiếp tục mở rộng quan hệ quốc phòng. Cam kết an ninh giữa hai nước đồng minh theo hiệp ước đã tăng vọt trong năm qua, vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đông gia tăng khi các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc nhiều lần có các hành động hung hăng gây hấn với các tàu công vụ của Philippines như phun vòi rông, đâm va… trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines gần Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough.

Đây là lần thứ ba Philippines và Hoa Kỳ tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước ở Biển Đông kể từ tháng 11 năm ngoái, những động thái khiến Bắc Kinh tức giận và phản đối hoạt động mà họ coi là sự can thiệp của Hoa Kỳ vào sân sau của mình. Trong một tuyên bố, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, Romeo Brawner nhấn mạnh: “Hoạt động hợp tác hàng hải liên tục thể hiện mối quan hệ đối tác lâu dài giữa quân đội Philippines và Hoa Kỳ. Nó thể hiện cam kết của chúng tôi đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hơn nữa khả năng hàng hải của chúng tôi”.

Người phát ngôn của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ được triển khai ở tiền phương cho biết trong một thông cáo báo chí rằng hoạt động hợp tác hàng hải (MCA) hôm 9/2 đã tái khẳng định “cam kết của cả hai quốc gia trong việc tăng cường an ninh và ổn định khu vực”. Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu tác chiến ven biển Independence của Hải quân Hoa Kỳ, USS Gabrielle Giffords và trực thăng MH-60S Sea Hawk. Philippines đóng góp một tàu tuần tra ngoài khơi là BRP Gregorio Del Pilar, từng là tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, và một máy bay trực thăng AW109. Tuyên bố của Hạm đội 7 cho biết hoạt động này “tăng cường tư thế sẵn sàng và khả năng kết hợp để hỗ trợ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Trong thông cáo báo chí hôm 9/2, các lực lượng vũ trang Philippines cho biết cuộc tập trận diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuyên bố cho biết: “Hoạt động hợp tác hàng hải đã trở thành một hoạt động thường xuyên của quân đội Philippines và Hoa Kỳ nhằm liên tục tăng cường khả năng tương tác thông qua việc tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức về an ninh hàng hải”. Các hoạt động nhằm tăng cường an ninh và các hoạt động nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải bao gồm diễn tập liên lạc, diễn tập chụp ảnh và diễn tập chiến thuật.

Trước đó, trong tháng 1/2024 các nhóm tác chiến tàu USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt tham gia diễn tập với Nhật Bản ở biển Philippines. Theo tuyên bố của Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cuộc tập trận nhằm mục đích “tăng cường các hoạt động phối hợp hàng hải trên biển và khả năng sẵn sàng chiến đấu”. Cũng trong tháng 1, tàu USS Carl Vinson tiến hành diễn tập với Hàn Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Mới đây nhất, giới phân tích quân sự cho rằng nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ điều động gần một nửa số tàu sân bay của mình đến Tây Thái Bình Dương trong thời gian tới. Theo đó, hiện có 3 tàu sân bay của Hoa Kỳ đang hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, với 2 chiếc khác đang trên đường đến. Dự kiến đây sẽ là lần đầu tiên 5 trong số 11 tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ hoạt động cùng lúc trong khu vực.

Theo Viện Hải quân Hoa Kỳ, Tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang rời khỏi cảng nhà ở thành phố San Diego (bang California) và di chuyển đến Tây Thái Bình Dương. Tàu USS George Washington cũng dự kiến được điều động đến khu vực nhằm thay thế tàu USS Ronald Reagan sẽ rời khỏi cảng Yokosuka ở Nhật Bản để bảo trì tại bang Washington (Mỹ). USS George Washington là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên được điều động đến Nhật và phục vụ từ năm 2008-2015 trước khi được thay thế bởi tàu USS Ronald Reagan để tái cung cấp nhiên liệu giữa vòng đời cho 2 lò phản ứng, cũng như để sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa.

Ngoài ra, 2 tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt đóng ở Guam và Hawaii, dự kiến sẽ ở lại Tây Thái Bình Dương lần lượt đến tháng 4 và tháng 7. Theo chuyên gia Brian Hart tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Hoa Kỳ), các tàu sân bay là tài sản hữu hình nhất của quân đội Mỹ và việc điều động nhiều tàu sân bay đến khu vực gửi tín hiệu rất rõ ràng đến các đối phương.

Giới phân tích nhận định lợi dụng việc Hoa Kỳ phải bận tâm tới cuộc chiến ở Ukraine, xung đột Trung Đông và bảo vệ các tàu thương mại trước sự tấn công của Houthi ở Biển Đỏ, Bắc Kinh tìm cách gia tăng các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ở Biển Đông, nhất là Philippines; tăng cường các hoạt động uy hiếp Đài Loan; cho tàu thường xuyên xâm nhập vùng biển của Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Trong bối cảnh đó, Washington cần có động thái mạnh mẽ thể hiện những cam kết với khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng. Ông Brian Hart nhận định: “Giữa lúc cuộc chiến ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông và các cuộc tấn công của Houthi ở biển Đỏ, quân đội Hoa Kỳ muốn phát tín hiệu rằng họ có thể giải quyết những tình huống đó trong khi vẫn tập trung vào khu vực ưu tiên là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Kể từ khi nhậm chức vào giữa năm 2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đi theo một con đường khác với người tiền nhiệm và tăng cường mối quan hệ của Philippines với Hoa Kỳ, quốc gia mà nước này có chung Hiệp ước phòng thủ chung từ hơn 7 thập kỷ trước. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh rằng hiệp ước này bao gồm tài sản và nhân sự của Philippines ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh hết sức tức tối. Trong năm 2023, các tàu hai cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động hung hăng nhằm vào Philippines. Mặc dù hồi đầu năm 2024 Philippines đã ngồi vào đàm phán với phía Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng thế nhưng với bản chất hiếu chiến bá quyền, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chĩa mũi nhọn hung hăng vào Manila.

Mới đây nhất, hôm 11/2, Philippines cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần tiếp cận ở khoảng cách “nguy hiểm” tàu tuần duyên Philippines trong một đợt tuần tra 9 ngày tại khu vực xung quanh Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Theo thông báo của Lực lượng Tuần duyên Phililippines con tàu BRP Teresa Magbanua của lực lượng này có mặt tại khu vực Bãi cạn Scarborough từ đầu tháng 2, để bảo vệ ngư dân Philippines “khỏi bị quấy rối hơn nữa” tại ngư trường truyền thống của nước này. Tuần duyên Philippines nhấn mạnh là các tàu Trung Quốc đã “liều lĩnh” vi phạm các quy tắc quốc tế về ngăn ngừa va chạm, khi bốn lần có các tiếp cận nguy hiểm với con tàu BRP Teresa Magbanua, trong đó có hai lần tàu hải cảnh Trung Quốc vượt ngang qua mũi tàu Tuần duyên Philippines.

Trong khi đó, Người phát ngôn Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc Cam Vũ (Gan Yu) cáo buộc tàu Philippines đã “xâm nhập trái phép” vào vùng biển nhiều lần. Ông Cam Vũ nói: “Hải cảnh Trung Quốc nhận thấy cảnh báo đưa ra không hiệu quả, nên đã hành động theo luật pháp quốc tế để kiểm soát hành trình của tàu Philippines và buộc tàu này phải rời đi. Hải cảnh Trung Quốc đã xử lý vụ việc một cách chuyên nghiệp và theo đúng tiêu chuẩn”.

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong các hành động với các nước láng giềng ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan thì Hoa Kỳ cần có động thái rõ ràng thể hiện các cam kết với đồng minh và khu vực. Việc Hoa Kỳ điều động một số lượng lớn tàu sân bay tới khu vực và những hoạt động diễn tập quân sự liên tiếp của Hải quân Hoa Kỳ với các đồng minh ở biển Hoa Đông hay Biển Đông là nhằm chuyển một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) lưu ý rằng những căng thẳng trong khu vực vẫn chưa giảm bớt thì “việc gia tăng triển khai tàu sân bay, cũng như một loạt các hoạt động tương tác về quân sự với các đồng minh thân cận, dường như để vừa trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực, vừa răn đe các đối thủ như Trung Quốc…”. Nói cách khác, ngay trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn Bắc Kinh đã nhận được những thông điệp mạnh mẽ từ Mỹ và đồng minh liên quan tới Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới