Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải...

Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng ở Biển Đông

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy (22/3) tuyên bố Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải cho Việt Nam, cho rằng việc này có vai trò quan trọng cho an ninh khu vực.

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Chuẩn Đô đốc Michael J. Haycock, Trợ lý Tham mưu trưởng về quân dụng và cán bộ chuyên trách quân dụng Tuần duyên Mỹ 

Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam

Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy, Việt Nam hiện có một tàu cảnh sát biển do Mỹ cung cấp. Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực để nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam. Điều đó rất quan trọng với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Họ có thể đóng góp nhiều cho khu vực. Ngoài ra, ông W. Patrick Murphy cũng cho biết, Mỹ mong muốn “được làm việc chặt chẽ với Việt Nam về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực”; đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, nhấn mạnh tất cả quốc gia trên thế giới đều có lợi ích khi giao thông và thương mại ở các tuyến đường biển không bị cản trở. Ông Patrick Murphy khẳng định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ. Các bên có nhiều tầm nhìn riêng trong khu vực và Mỹ hoan nghênh điều đó.

Được biết, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ Brack Obama (23/5/2016) thông báo Mỹ đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Từ đó, Mỹ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực hàng hải. Tháng 5/2017, Mỹ đã bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA). USCGC Morgenthau có choán nước toàn tải 3.250 tấn, chiều dài 115 m, rộng 13 m, mớn nước 4,6 m, thủy thủ đoàn 160 người. Tàu có tốc độ tối đa 53,7 km/h, phạm vi hoạt động hơn 22.500 km và có thể hoạt động liên tục 45 ngày. Sau khi được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam, tàu được đổi tên thành CSB 8020. CSB 8020 dự kiến giúp nâng cao năng lực nhận thức về các vấn đề hàng hải của Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường năng lực trong thực hiện các hoạt động thực thi luật hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, ứng phó nhân đạo. Ngoài ra, con tàu còn mang ý nghĩa biểu tượng và cụ thể về Quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ.

Mỹ cũng đã chuyển giao 6 xuồng cao tốc Metal Shark cho Vùng 2 Cảnh sát biển Việt Nam tại Quảng Nam. Động thái trên là một bước tiến quan trọng nữa trong việc mở rộng hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ. Nó còn thể hiện sự hợp tác ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực thực thi luật hàng hải, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển, hợp tác trợ giúp nhân đạo hàng hải trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đáng chú ý, Đô đốc Philip S. Davidson, Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương của Mỹ (12/2) đã tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về chuyện Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Mỹ. Ông Davidson nói rằng mối quan hệ quân sự giữa Bộ tư lệnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương của Mỹ và quân đội Việt Nam là “ưu tiên củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam, vốn sẽ được hỗ trợ bởi việc Việt Nam mua Scan Eagle UAV (máy bay trinh sát không người lái) và máy bay huấn luyện T-6 và một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Mỹ”. Ngoài ra, Đô đốc Davidson cho biết thêm, Việt Nam đã nổi lên là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Việc mua bán trang thiết bị quân sự trên thuộc loại Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS), một trong hai chương trình chính để Mỹ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác. Theo chương trình DCS, đối tác đạt thỏa thuận với một nhà sản xuất Mỹ, nhưng nhà sản xuất phải được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp giấy phép thông qua vụ mua bán trước khi chuyển giao thiết bị. Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, Đô đốc Davidson nói thêm rằng “Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017”.

Việt Nam cần mua những loại vũ khí nào của Mỹ

Giới chuyên gia nhận định Việt Nam có thể mua nhiều loại vũ khí hiện đại từ Mỹ. Theo Chuyên gia Ben Moores ở Công ty tư vấn IHS Janes ghi nhận ngân sách quốc phòng Việt Nam tuy ít nhưng tăng trưởng nhanh. Ông cho rằng Việt Nam cần rất nhiều loại thiết bị quân sự từ xe tăng, xe bọc thép chuyển quân, trực thăng tấn công, trực thăng chiến thuật cho đến rađa tầm xa, máy bay tuần tra biển…

Chuyên gia Anthony Nelson ở Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN đánh giá các công ty quốc phòng Mỹ có thể tận dụng lợi thế công nghệ tiên tiến để chào mời các thiết bị quân sự sử dụng trên biển như thiết bị chỉ huy và kiểm soát, công nghệ nhận thức khu vực trên biển và thông tin liên lạc. Ví dụ như máy bay tuần tra biển P-3 Orion của Hãng Lockheed Martin có thể hỗ trợ về chỉ huy và kiểm soát cho tàu ngầm và hệ thống rađa Raytheon sử dụng trên biển.

Trang web Defense News đánh giá Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực phòng không và an ninh biển. Do đó, Việt Nam đã quan tâm đến máy bay tiêm kích F-16 và máy bay P-3C Orion tân trang trang bị ngư lôi theo chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Lầu Năm Góc. Ngoài ra, Việt Nam còn quan tâm đến máy bay không người lái không vũ trang để phục vụ công tác tình báo, giám sát và trinh sát hàng hải.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam đang đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Chuyên gia Franz-Stefan Gady phân tích trên tạp chí The Diplomat (Nhật), nếu Việt Nam gia tăng mua vũ khí Mỹ, năng lực quân đội sẽ không tăng đột ngột vì hai lý do. Đầu tiên phải thiết lập cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết, ví dụ như cơ sở bảo trì máy bay Mỹ. Sau đó phải đào tạo phi công, êkip mặt đất, kỹ thuật viên đối với máy bay và vũ khí mới, như vậy các kỹ thuật viên Mỹ phải đến Việt Nam. Hoạt động này cần phải có cam kết kéo dài nhiều năm từ phía Mỹ. Ông cho rằng quá trình Việt Nam gia tăng tỉ lệ mua sắm thiết bị quân sự Mỹ phụ thuộc vào trình độ đào tạo phi công Việt Nam sử dụng thành thạo thiết bị quân sự mới của Mỹ và khả năng không quân Việt Nam tích hợp vũ khí mới của Mỹ trong bộ máy quân sự vốn kế thừa các chủng loại vũ khí Nga và Liên Xô cũ.

Theo Franz-Stefan Gady, Nga vẫn tiếp tục là đối tác lâu dài quan trọng nhất của Việt Nam về hợp tác quân sự. Việt Nam đã mua của Nga sáu tàu ngầm Kilo, một số tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất. Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phòng thủ với tên lửa phòng thủ bờ biển và tên lửa đất đối không tầm xa của Nga trong hai năm 2011 và 2012, đồng thời nâng cấp rađa giám sát ven biển. Việt Nam đang khai thác nhiều máy bay tiêm kích Su-30MK2V của Nga trang bị tên lửa chống hạm. Việt Nam còn quan tâm đến máy bay đa năng Sukhoi Su-35S thích hợp với công tác tuần tra biển. Theo Franz-Stefan Gady, thiết bị quân sự Nga cung cấp cho Việt Nam hiệu quả hơn so với vũ khí Mỹ và ít đòi hỏi điều kiện như Mỹ yêu cầu. Việt Nam còn có kinh nghiệm thao tác vũ khí Nga qua nhiều năm chiến tranh.

Trang web Defense News của Mỹ đưa tin trước cuộc triển lãm hàng không Singapore Airshow từ ngày 6 đến 11/2/2018 ở Singapore, một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích Mỹ vẫn tiếp tục khuyến khích Việt Nam mua trang thiết bị của Mỹ. Theo chuyên gia Euan Graham ở Viện Lowy (Australia), dù một phần công nghệ Mỹ vẫn còn quá phức tạp và đắt tiền đối với Việt Nam, nhưng Việt Nam đang trên đà trở thành khách hàng quan trọng của các công ty quốc phòng Mỹ. Trong khi đó, báo Sputnik (Nga) ghi nhận Việt Nam hiện là một trong những nước mua vũ khí Nga nhiều nhất thế giới, nhưng gần đây Việt Nam đã quan tâm hơn đến các nhà xuất khẩu vũ khí khác như Ấn Độ và Israel hoặc Mỹ vì Việt Nam mong muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.

Chính sách quốc phòng nhất quán của Việt Nam

Việt Nam luôn coi việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của đất nước, là mục tiêu xuyên suốt của chính sách quốc phòng Việt Nam. Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hoà bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hoà bình.

Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hoá quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ. Việt Nam phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang. Là một dân tộc phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Việt Nam triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia khác trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời cũng đòi hỏi các quốc gia khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia của mình. Việt Nam chủ trương không đe doạ hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược.

Giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, trên biển do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển, mặc dù có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam vẫn sẵn sàng đàm phán hoà bình để giải quyết các tranh chấp dựa trên các quy định của Công ước 1982 về luật biển của Liên hợp quốc. Trong khi tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề này, Việt Nam chủ trương các bên phải tự kiềm chế, nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC), tiến tới đạt được giải pháp công bằng, lâu dài cho vấn đề phức tạp này để Biển Đông luôn luôn là vùng biển hoà bình, hữu nghị và phát triển.

Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng quân sự và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế – xã hội đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng, phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại thành một thể thống nhất để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quốc gia khác của đất nước trong tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi, Việt Nam xây dựng nền quốc phòng toàn dân dựa trên truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của toàn dân tộc, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, kế thừa và phát huy các giá trị của khoa học quân sự Việt Nam qua các thời kỳ, xây dựng nghệ thuật quân sự Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Tích cực, chủ động ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh là một trong các nhiệm vụ trọng yếu của quốc phòng Việt Nam trong thời bình nhằm thực hiện chiến lược quốc phòng tối ưu là bảo vệ được chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia khác mà không cần phải tiến hành chiến tranh. Việt Nam chủ trương thực hiện chiến lược quốc phòng dựa trên tổng thể các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hoá – xã hội và quân sự nhằm triệt tiêu các nguyên nhân dẫn đến xung đột vũ trang và chiến tranh. Quán triệt phương châm phòng thủ toàn diện, chủ động, bảo vệ Tổ quốc từ xa, quốc phòng Việt Nam sử dụng các biện pháp tổng hợp nhằm giữ vững ổn định bên trong, ngăn ngừa các nguy cơ can thiệp từ bên ngoài.

Quốc phòng Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thông qua các mối quan hệ đối ngoại, Việt Nam tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau với nhân dân và chính phủ các nước, tạo cơ sở mở rộng hợp tác, giải quyết các mâu thuẫn nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xung đột, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng bằng nguồn lực mọi mặt của đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Đồng thời, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi. Việt Nam coi trọng hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống đồng thời phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước có chung mục tiêu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Trên tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại đồng thời hoan nghênh các sáng kiến và các hoạt động phục vụ hoà bình, hợp tác của tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị hay lịch sử quan hệ với Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố dưới mọi hình thức đồng thời phản đối các hoạt động lợi dụng chống khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Cùng với nỗ lực thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa và đối phó với các hoạt động khủng bố, Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và mở rộng hợp tác nhằm ngăn ngừa các hoạt động khủng bố và các hoạt động hỗ trợ khủng bố dưới mọi hình thức. Việt Nam cho rằng các biện pháp chống khủng bố và hợp tác quốc tế chống khủng bố phải được tiến hành trong khuôn khổ Liên hợp quốc, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam đã ký 8 trong tổng số 12 công ước của Liên hợp quốc về chống khủng bố, đang xem xét tham gia các công ước còn lại.

Việt Nam ủng hộ giải quyết các điểm nóng có nguy cơ bùng nổ xung đột khác trong khu vực thông qua đối thoại, thương lượng hoà bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực.

RELATED ARTICLES

Tin mới