Sunday, January 26, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐằng sau động thái chấp nhận Đại sứ Afghanistan của TQ

Đằng sau động thái chấp nhận Đại sứ Afghanistan của TQ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp nhận “uỷ nhiệm thư” do Đại sứ Afghanistan đệ trình – một động thái được cho là một lần nữa công nhận chính phủ Taliban tại nước này.
Bước đi mới của Trung Quốc.

Ông Asadullah Bilal Karimi (bên trái), đại sứ được bổ nhiệm của chính quyền Taliban tại Afghanistan đã tới Trung Quốc ngày 23/11/2023.


Hồi cuối tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận thư ủy nhiệm của một vị đại diện cho chính quyền hiện tại ở Afghanistan. Đây được coi là cử chỉ chính thức đầu tiên của một quốc gia lớn đối với chính quyền lâm thời ở Kabul sau hơn 2 năm lực lượng Taliban trở lại nắm quyền.

Trong một buổi lễ được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã nhận thư ủy nhiệm từ tay ông Asadullah Bilal Karimi, đại sứ được bổ nhiệm của chính quyền Taliban tại Afghanistan. Ông Karimi trình thư ủy nhiệm cùng các đại diện của Cuba, Iran, Pakistan và 38 quốc gia khác. Sự kiện này cũng có thể được hiểu là Trung Quốc đã chấp nhận đại diện ngoại giao của Taliban tới làm việc tại Bắc Kinh. Nhưng tới thời điểm này, chưa có một lời tuyên bố chính thức về việc thừa nhận tư cách với chính quyền ở Kabul.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lảng tránh câu hỏi trực tiếp tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây về việc liệu Trung Quốc có công nhận chính quyền Taliban ở Kabul hay không. Nhưng ông nói: “Trung Quốc tin rằng Afghanistan không nên bị loại ra khỏi cộng đồng quốc tế” và rằng việc Trung Quốc tiếp đón và công nhận một đại sứ từ chính phủ lâm thời Afghanistan là nghi thức ngoại giao thông thường.

Phía Taliban cũng đã không bỏ lỡ cơ hội này để chứng tỏ cho thế giới thấy Afghanistan dưới sự lãnh đạo của lực lượng này xứng đáng được nhận một sự thừa nhận rộng rãi. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid viết trên mạng xã hội X rằng: “Trung Quốc đã hiểu những gì mà phần còn lại của thế giới không hiểu”. Đại diện Taliban còn cho rằng thế giới giờ không còn trong trạng thái đơn cực nữa; đồng thời kêu gọi Nga, Iran và các nước khác tiếp nối bước đi này, nâng cấp quan hệ với Kabul.

Sự công nhận về mặt ngoại giao không phải lúc nào cũng được đưa ra. Chính bởi vậy, động thái của Trung Quốc đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau.

“Lợi ích chiến lược” khi hợp tác với Taliban
Là một nước láng giềng ở phía Tây, Afghanistan có vị trí quan trọng và mang lại những lợi ích chiến lược cho Trung Quốc. Tất nhiên, không giống như các nước láng giềng khác của Kabul, Trung Quốc với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trông đợi nhiều điều ở Afghanistan.

Đối với Trung Quốc, một Afghanistan thân thiện, an toàn và ổn định sẽ là sự bổ sung có giá trị cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), biểu tượng cho sự ổn định cho khu vực Tân Cương và sẽ giúp khẳng định sự thống trị khu vực của Bắc Kinh ở Trung Á. Vị trí địa chiến lược của Afghanistan nằm trên ngã 3 giao nhau giữa Đông Á với Trung Đông và châu Âu càng khiến Bắc Kinh phải đầu tư công sức để có vị thế tại đây.

Có một số thông tin cho biết, chính phủ Afghanistan có kế hoạch xây dựng con đường dọc Hành lang Wakhan tới Trung Quốc, mở ra khả năng tiếp cận vô giá và có thể là tuyến vận tải ngắn hơn so với đường cao tốc Karakoram nối với Pakistan. Hiện, tuyến đường dài 300 km nối tỉnh Đông Bắc Badakhshan của Afghanistan tới biên giới với Trung Quốc đang được triển khai với kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại hơn nữa so với con số khiêm tốn là 1,5 tỷ USD hiện nay.

Trung Quốc cũng đang để mắt đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan như các loại quặng đồng, lithium, đất hiếm, dầu mỏ, và khí đốt trong khoảng 2 thập kỷ qua để duy trì nền kinh tế đang phát triển của mình. Hồi tháng 1/2023, Taliban và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sau quá trình đàm phán lại về hợp đồng thăm dò dầu mỏ tại Bồn trũng Amu. Kể từ đó, hoạt động khai thác chung giữa hai bên đã được triển khai tại 18 giếng. Nhà chức trách Afghanistan mới đây cũng đã thông báo kế hoạch của các công ty Trung Quốc đầu tư khoảng nửa tỷ USD vào lĩnh vực điện mặt trời ở nước này.

Ngoài ra, một động lực khác giúp thúc đẩy việc xây dựng quan hệ với Taliban có thể đến từ những kỳ vọng rằng chính quyền Taliban hiện tại có thể là “cánh tay” giúp ngăn chặn các nhóm khủng bố Hồi giáo, vốn là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Bắc Kinh, đặc biệt là tại khu vực Tân Cương.

Ở chiều ngược lại, Taliban cũng đặt cược vào mối quan hệ với Trung Quốc với kỳ vọng về các các khoản đầu tư tài chính và cơ hội hợp pháp hóa chính trị cho chế độ của mình.

Vị thế của Taliban đang thay đổi?
Sự kiện Trung Quốc công nhận đại diện ngoại giao của chính quyền Taliban tới nhận nhiệm vụ ở Bắc Kinh là đáng chú ý trong bối cảnh quốc gia Nam Á này vẫn đang chịu sự xa lánh, cô lập suốt hơn 2 năm qua. Đó thực sự là một thành tựu lớn đối với Kabul. Nhưng đây chưa chắc đã là một bước nhảy vọt giúp xoay chuyển cục diện.

Thực tế, Trung Quốc vẫn duy trì đại sứ ở Kabul và cũng đã bàn giao đại sứ quán Afghanistan ở Bắc Kinh cho Taliban sử dụng. Nhà ngoại giao Afghanistan về hưu Zardasht Sham cho rằng Trung Quốc khôn ngoan khi liên tục duy trì liên lạc với Taliban kể từ khi lực lượng này giành lại quyền kiểm soát đất nước vào tháng 8/2021. Nhưng Trung Quốc rất thận trọng và không muốn Taliban trở thành vấn đề đau đầu vì sự hiện diện của các thành viên của nhóm ly khai Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) ở Afghanistan.

Không giống với các nước phương Tây, Trung Quốc vẫn có các lợi ích thiết thân tại Afghanistan bất kể chế độ nào đang vận hành đất nước Nam Á này. Việc duy trì quan hệ không bắt buộc với một sự công nhận về mặt nhà nước nào, mà đơn giản chỉ là để tiếp tục chia sẻ, hợp tác vì các lợi ích thực tế của đôi bên.

Trong bối cảnh lợi ích và ý chí của Taliban và thế giới bên ngoài vẫn khác biệt vời vợi, sẽ khó có một sự biến động nào đáng kể trong cách phần còn lại của thế giới nhìn vào đất nước này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới