Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga

Mỹ nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga

Trong năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu nhiều kỷ lục từ Nga uranium làm giàu, nguyên liệu quan trọng để sản xuất năng lượng hạt nhân.

RIA Novosti trích dẫn số liệu thống kê chính thức cho thấy, Mỹ đã nhập khẩu lượng uranium của Nga trị giá 1,2 tỷ USD vào năm ngoái, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Tháng 12/2023, Hạ viện Mỹ đã nhất trí dự luật nhằm cấm nhập khẩu uranium của Nga sử dụng trong ngành năng lượng trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu từ Moscow. Đây là một trong những nỗ lực nhằm gia tăng áp lực để Moscow chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Dự luật này sau đó đã mắc kẹt ở Thượng viện. Tuy nhiên, vào cùng tháng, lượng uranium Mỹ mua của Nga đã tăng gấp đôi lên 193,2 triệu USD. Do đó, tổng giá trị uranium Mỹ mua từ Nga trong năm 2023 đã tăng 43%, đạt kỷ lục mới là 1,2 tỷ USD.

Nga vẫn là nhà cung cấp uranium hàng đầu cho Mỹ xét về mặt doanh thu. Dựa trên khối lượng, Nga là nhà cung cấp lớn thứ 4 cho Mỹ, theo tính toán do S&P Global.

Mỹ có trữ lượng uranium riêng nhưng không đủ để cung cấp cho ngành điện hạt nhân của nước này. Nga có tổ hợp làm giàu uranium lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa công suất toàn cầu.

Theo một số ước tính, Mỹ sẽ phải mất ít nhất 5 năm đầu tư lớn để phá vỡ sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu uranium đã làm giàu của Nga dùng làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, điện hạt nhân đóng góp gần 20% lượng điện được tạo ra ở quốc gia này.

Năm ngoái, Trợ lý bộ trưởng năng lượng Mỹ Kathryn Huff thừa nhận với Financial Times rằng, việc Mỹ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân từ Nga gây ra mối đe dọa “nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia của phía Washington.

Hồi tháng 1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích phương Tây vì không trừng phạt ngành năng lượng hạt nhân Nga giống như với mặt hàng dầu, khí đốt, than đá.

Ông nói rằng ngành công nghiệp hạt nhân của Nga không bị áp đặt các lệnh trừng phạt toàn cầu báo hiệu “một điểm yếu rõ ràng” của phương Tây.

Kể từ khi chiến sự bùng phát, phương Tây đã áp hơn 17.000 lệnh trừng phạt lên Nga, biến Moscow thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới. Các lệnh cấm vận này nhằm vào ngành năng lượng Nga như dầu, khí đốt, than đá nhằm khiến Moscow suy yếu.

Tuy nhiên, ngành năng lượng hạt nhân của Nga do tập đoàn nhà nước Rosatom quản lý vẫn chưa phải đối mặt với các lệnh cấm vận.

Diễn biến này là do vai trò quan trọng của Rosatom trong ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu. Nga, một cường quốc về năng lượng, là một trong số ít quốc gia có khả năng cung cấp uranium đã làm giàu.

Theo Nikkei, vị thế của Nga trong thị trường nguyên liệu cho điện hạt nhân có thể tạo ra một thách thức lớn cho các nước phương Tây dù họ đang cố gắng thoát sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow.

RELATED ARTICLES

Tin mới