Tổng thư ký NATO kêu gọi liên minh quân sự cần phải chuẩn bị cho kịch bản họ có thể phải đối đầu với Nga trong hàng thập niên.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng nếu Nga thắng ở Ukraine, xung đột có thể lan sang các nước khác, vì vậy các thành viên NATO cần tích cực chuẩn bị cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra.
Ông Stoltenberg nhận định NATO nên “chuẩn bị cho một cuộc đối đầu (với Nga) có thể kéo dài hàng thập niên” và do đó các thành viên của liên minh cần mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng với tốc độ nhanh hơn.
“Nếu (Tổng thống Nga Vladimir) Putin thắng ở Ukraine, không có gì đảm bảo rằng chiến sự sẽ không lan sang các nước khác”, ông cảnh báo.
Để ngăn chặn Nga, ông Stoltenberg tin rằng NATO cần tiếp tục hỗ trợ Ukraine và đầu tư vào khả năng quân sự của liên minh, vì Nga đã chuẩn bị nền kinh tế cho một cuộc chiến kéo dài.
Ông giải thích: “Chúng ta cần phục hồi và mở rộng cơ sở công nghiệp nhanh hơn để có thể tăng nguồn cung cho Ukraine và bổ sung kho dự trữ của chính mình. Điều này có nghĩa là chuyển từ sản xuất chậm trong thời bình sang sản xuất nhanh, điều cần thiết trong thời điểm xung đột”.
Trong những tuần gần đây, một số nước NATO ở châu Âu cũng đã cảnh báo về nguy cơ Nga tấn công trong thời gian tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết vào tháng 1 rằng Liên minh nên chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Nga trong vòng 5-8 năm tới.
Mikael Büden, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Thụy Điển và Bộ trưởng Quốc phòng Dân sự Thụy Điển Carl-Oscar Bolin nói rằng mọi công dân nên chuẩn bị cho kịch bản chiến sự bùng phát.
Ngoài ra, Na Uy kêu gọi không lãng phí cơ hội để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trực tiếp tiềm tàng với Nga.
Điện Kremlin từng bác bỏ những lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột với phương Tây trong tương lai. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi các tuyên bố cho rằng Nga có thể tấn công NATO là “hoàn toàn vô nghĩa”. Ông nhấn mạnh Moscow “không có lợi ích địa chính trị, kinh tế hay quân sự” khi làm như vậy.
Cuối tháng trước, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin cho biết, những cảnh báo của nhiều quan chức phương Tây gần đây về khả năng Nga tấn công NATO là một phần của “cuộc chiến thông tin” đang được tiến hành nhằm vào cả chính quyền Nga và người dân nước này.
“Kiểu chiến tranh này tìm cách biện minh cho hành động gây hấn hiện tại của phương Tây chống lại Nga”, ông Naryshkin nói.
Trong khi đó, theo chuyên gia Stephen Bryen tại Trung tâm Chính sách An ninh và Viện Yorktown (Mỹ), cuộc chiến Nga – Ukraine cho thấy, NATO dường như chưa có sự chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn, nhất là trước một đối thủ mạnh như Moscow.
Một ví dụ cụ thể nhất chính là năng lực sản xuất quốc phòng. Khối phương Tây đã dồn hàng loạt vũ khí, khí tài trong kho tới Ukraine trong hơn 19 tháng qua và nhiều quốc gia đã đối mặt với tình trạng cạn kiệt đạn dược.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất bù đắp của phương Tây còn là một dấu hỏi lớn. Các ngành công nghiệp của họ không ở trong giai đoạn thời chiến trong hàng chục năm và việc tăng tốc sản xuất vũ khí cho Ukraine hay để bảo vệ an ninh quốc gia của các nước này cũng như của khối là một dấu hỏi lớn.