Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến tranh hiện đại

Chiến tranh hiện đại

Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến của thế kỷ 20 nhưng đã định hình nên chiến tranh hiện đại của thế kỷ 21. Đó là nhận định của những nhà bình luận quân sự về cuộc chiến này. Đương nhiên, với những bộ óc nhiều sạn, lời họ nói đương nhiên là phải có cơ sở.

Công nghệ AI hiện đại được áp dụng trong các UAV cho thấy sự lợi hại trong chiến tranh ngày nay.

Khởi đầu của chiến tranh hiện đại

Đầu tiên, khi nhắc tới chiến tranh hiện đại, các bạn sẽ nghĩ gì đầu tiên? Đó chắc chắn là hình ảnh về những chiếc UAV, với các phương pháp tác chiến điện tử vô hiệu hóa và săn tìm hệ thống radar của đối phương mà không nhất thiết phải sử dụng tên lửa hay bom. Tạm thời bỏ qua những loại vũ khí chết chóc như bom chùm, bom napalm hay một số loại vũ khí hóa học, chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên có sự tham gia của UAV và các phương thức tác chiến điện tử hiện đại.

Ryan Firebee là thế hệ UAV đầu tiên trên thế giới được Hoa Kỳ nghiên cứu và chế tạo vào năm 1955, nó được đưa sang Việt Nam vào năm 1964. Vì là thế hệ đầu tiên nên công nghệ của nó còn khá sơ khai. Chiếc UAV này chỉ được lập trình bay sẵn và không thể điều khiển. Mặt khác, nó chỉ có thể chụp ảnh, chứ cũng không thể truyền tín hiệu về cho người điều khiển. Nó được lập trình để rơi ở một vị trí thuận lợi, sau đó sẽ có người tới thu hồi và đem tài liệu về. Đã có 3.435 phi vụ do thám bằng UAV được thực hiện Lầu Năm Góc xác nhận trong cuộc chiến này, họ đã mất tới 350 chiếc, trong đó có cả bị bắn hạ và rơi do lỗi kỹ thuật.

Tuy nhiên, dù đã có UAV, nhưng nó cũng không giúp người Mỹ đảo ngược được cuộc chiến, bởi vì ngoài công nghệ thế hệ đầu, nó còn là vì địa hình của Việt Nam khi đó rất khó để chúng hoạt động và do thám hiệu quả. Với địa hình nhiều rừng núi và dễ ngụy trang, chúng dễ dàng bị đánh lừa bởi những trận địa tên lửa giả của phòng không Bắc Việt.

Người Mỹ vẫn phụ thuộc rất lớn vào những chiếc máy bay có người lái. Ngoài ra, do là thế hệ đầu, các thiết bị không ảnh khi đó thường khá to lớn. Những chiếc UAV khi đó muốn có đủ nhiên liệu để bay đi và hạ cánh an toàn vẫn phải giảm thiết bị điện tử và trinh sát. Tuy nhiên, người Mỹ cũng đã nhìn ra được rất nhiều điểm sáng từ phương thức này. Đó là chi phí để tạo ra một chiếc UAV rẻ hơn rất nhiều so với một chiếc máy bay trinh sát có người lái, vốn vừa dễ bị phát hiện, vừa phải mạo hiểm tính mạng của phi công, đặc biệt là với những lực lượng có hệ thống phòng không mạnh mẽ.

Chính vì vậy, sau chiến tranh Việt Nam, cả Liên Xô và Mỹ đã đua nhau cho ra đời các loại UAV thế hệ mới theo tiêu chuẩn nhỏ gọn hơn, hiện đại hơn, bay xa hơn và bắt đầu hình dung ra một loại phương tiện chiến đấu tự động. UAV không phải là thứ duy nhất. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên áp dụng nhiều phương thức tác chiến điện tử hiện đại và phức tạp. Các loại phương thức tác chiến điện tử hiện đại, cũng như các loại tên lửa chống bức xạ hiện nay, đều có công nghệ cốt lõi bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Cụ thể, có thể kể tới chiến dịch Iron Hand, hay còn gọi là Bàn Tay Sắt, nhằm áp chế và tiêu diệt các hệ thống S-75 Dvina của phòng không Bắc Việt. Với quan điểm coi chiến tranh điện tử là cứu cánh, là lá bùa hộ mệnh và là sự sống còn của các hoạt động không quân, người Mỹ hy vọng rằng phương thức tác chiến vô hình này sẽ che giấu được toàn bộ các loại máy bay trinh sát, tiêm kích, cường kích, máy bay chiến thuật và máy bay chiến lược.

Đồng thời, sẽ vô hiệu hóa được tất cả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật của lực lượng Phòng không, Không quân Việt Nam để tự do làm mưa làm gió trên chiến trường. Chính Lầu Năm Góc đã không cần giấu diếm khi tuyên bố rằng bằng kỹ thuật điện tử, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống radar của Bắc Việt. Họ có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương để phi công Mỹ có thể tự do ném bom vào bất cứ chỗ nào trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam nếu Mỹ muốn. Khi đó, các phi công Mỹ thực hiện các cuộc oanh kích giống như những cuộc dạo chơi trên bầu trời. Thành công lớn nhất vào thời điểm đó theo Mỹ đó là nhờ UAV Ryan 147E Firebee mà ngày 13/2/1966 bị tên lửa SAM tấn công song chúng chẳng hề hấn gì.

Tháng 3/1966, các máy bay Mỹ lần đầu tiên được trang bị tên lửa AGM-45 Shrike được thiết kế để tấn công các hệ thống radar phòng không. AGM-45 là tên lửa chống bức xạ đầu tiên trên thế giới, sử dụng đầu đạn nổ mảnh nặng khoảng 66 kg. Khi được bắn từ trên cao, tầm bắn của phiên bản AGM-45A là 16 km, trong khi của phiên bản AGM-45B là 40 km. Theo đó, khi các radar phát ra bức xạ điện tử để phát hiện máy bay, những quả tên lửa này sẽ được phóng đi. Chúng sẽ lần theo bức xạ của radar và đánh thẳng vào đài chỉ huy. Phương pháp này đã gây ra tổn thất ban đầu cho lực lượng phòng không Bắc Việt.

Tuy nhiên, vì là thế hệ đầu tiên nên nó rất dễ bị đánh lừa và có tốc độ khá chậm. Trong cuộc chiến này, để đối phó với loại tên lửa này, phòng không Bắc Việt đã sử dụng phương thức đó là tắt bật liên tục, khiến chúng mất phương hướng và bay trượt. Chính vì vậy, trong cuộc chiến này, tỉ lệ thành công của AGM-45 luôn dưới 25%.

Tuy nhiên, không vì vậy mà Hoa Kỳ từ bỏ. Lý do đơn giản vì không phải quốc gia nào cũng có hệ thống phòng không hiện đại và thiện chiến như Việt Nam. Chúng đã được sử dụng trong tất cả các cuộc chiến của Hoa Kỳ về sau cho tới khi bị loại biên vào năm 1992. Sau đó, chúng được thay thế bởi AGM-88 HARM. Tuy nhiên, nhìn chung, tất cả các loại tên lửa chống bức xạ hiện đại ngày nay đều có công nghệ lõi từ thời chiến tranh Việt Nam và được cải tiến mạnh ở tốc độ cũng như các phương thức tránh bị lừa.

Đỉnh cao của tác chiến điện tử trong chiến tranh Việt Nam đó là chiến dịch Linebacker II, một kỷ lục cho tới nay vẫn chưa bị phá vỡ. Một tốp 3 chiếc B-52 có 45 máy gây nhiễu, như vậy tất cả đó tạo nên nhiễu chồng chéo, dày đặc đan xen với công suất rất lớn và rộng. Phiên bản B-52G có khoang lắp đặt thiết bị điện tử được mở rộng để lắp đặt hệ thống gây nhiễm mới.

B-52G được trang bị 16 máy gây nhiễu điện tử tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực và 2 máy thu tần số radar để tạo màn nhiễu dài đặc, che toàn bộ máy bay trước hệ thống radar tên lửa phòng không của đối phương. Các thiết bị này sẽ tự động thu phân tích tần số sóng radar của đối phương và cung cấp cho sĩ quan điều khiển để lựa chọn phát tần số sóng để chế áp.

Theo một số phi công Mỹ, chỉ riêng hệ thống gây nhiễu trên B-52G đã có giá tương đương với một chiến đấu cơ F-4D. Ngoài ra, B-52G còn được lắp bốn đạn tên lửa chim mồi ADM-20 Quail. Khi được phóng, ADM-20 sẽ giả lập tín hiệu giống máy bay B-52 để tạo mục tiêu giả thay cho B-52, nhằm đánh lừa tên lửa của đối phương.

Với vai trò là máy bay ném bom chiến lược, các phi đội B-52 không hoạt động độc lập mà được hộ tống bởi các máy bay trinh sát điện tử EB-66, EC-121 và các chiến đấu cơ F-4, F-105, A-6, A-7 với các thiết bị gây nhiễu chủ động và thụ động đi kèm. Rất nhiều phi đội F-4 đã giả lập tín hiệu nhiễu của B-52, hòng đánh lừa lưới lửa phòng không của đối phương. Các máy bay F-4 còn thả các loại bom gây nhiễu, gồm hàng triệu sợi kim loại màu bạc rất mỏng nhẹ, mỗi quả chứa tới 450 quả bóng gây nhiễu. Các sợi kim loại gây nhiễu này có thể làm radar không thể nhận diện được các mục tiêu, nặng thì làm trắng xóa màn hình radar, mất hoàn toàn khả năng theo dõi và bám mục tiêu.

Các biện pháp gây nhiễu tổng hợp của Mỹ khiến radar của hệ thống phòng không gặp nhiễu nặng. Không thể phát hiện và khóa bắn được B52, các đài radar nhìn vòng P12 của các tiểu đoàn tên lửa SAM-2 chỉ thu được các giả nhiễu đậm đặc, có lúc làm trắng xóa cả màn hình. Đây được xem là những thứ đã định hình nên chiến tranh hiện đại.

Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam còn lớn hơn vậy rất nhiều, bộ mặt của chiến tranh hiện đại đã khác rất nhiều nếu như những học thuyết quân sự này không thất bại ở Việt Nam.

Trực thăng, xe tăng và pháo binh

Sau chiến tranh Triều Tiên, cộng với những pha chém gió nổ mìn vô cùng tinh tế và đầy ảo diệu của các nhà thầu quân sự, Hoa Kỳ tin rằng trực thăng với sức cơ động cao có thể đổ bộ ở bất kỳ đâu với số lượng lớn sẽ khiến các đối thủ của mình bị bất ngờ và không có một mạng lưới phòng không tầm thấp nào đủ sức ngăn cản. Vậy nhưng, nơi mà nó được đem ra thử nghiệm lại là Việt Nam và nó cũng kết thúc luôn tương lai của mình ở đây.

Trong chiến tranh Việt Nam, UH-1 chính là xương sống để thực hiện chiến thuật trực thăng vận. Trong giai đoạn đầu quân giải phóng bị bất ngờ với chiến thuật này cho tới trận Ấp Bắc năm 1963, khi những điểm yếu của nó đã bị lộ rõ: lớp giáp mỏng manh, trực thăng tuy nhanh nhưng khi bay thì lại phát ra tiếng ồn khá lớn, lại hiện rõ trên bầu trời nên không thể đảm bảo tính bí mật, quân giải phóng thường dựa vào âm thanh hoặc các trạm quan sát để phán đoán từ sớm hướng bay của trực thăng, sau đó sẽ chuẩn bị đối phó. Nếu lực lượng ít thì phân tán ẩn nấp, khiến trực thăng không tìm được; còn nếu lực lượng đủ mạnh thì có thể chuẩn bị đánh trả ngay khi trực thăng của địch sà thấp hoặc là hạ cánh.

Quân giải phóng đã lợi dụng triệt để điểm yếu này, bố trí nhiều cách thức phục kích, tập kích và săn trực thăng hiệu quả, chỉ với những khẩu AK-47 và súng máy 12,7ly. UH-1 đã rụng như sung ở Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là phi vụ ngày 13/9/1968, Đại đội 18 với hai khẩu DShK và 40 viên đạn đã bắn rơi tại chỗ hai chiếc trực thăng UH-1. Trong đó có một chiếc đang chở 3 chỉ huy Mỹ, lấy mạng luôn của Thiếu tướng Mỹ Kieth Lincoln Ware, Tư lệnh Sư đoàn 1, anh cả đỏ của Mỹ. Lúc này, đang có mâu thuẫn về xu hướng hiện đại hóa kỹ thuật quân sự, người ta đang tranh cãi xe tăng hay trực thăng vũ trang sẽ là chủ lực trên chiến trường.

Chiến dịch Đường Chín Nam Lào được giới khoa học quân sự nghiên cứu kỹ càng về thiệt hại nặng nề của lực lượng trực thăng Mỹ trong chiến dịch này. Chứng tỏ vị trí của trực thăng vũ trang chỉ là yếu tố hỗ trợ cơ động, chứ không thể thay thế hoàn toàn xe tăng thiết giáp. Tờ Người quan sát mới của Pháp ngày 29/3/1971 đã bình luận như sau: “Ý nghĩa sâu sắc của cuộc hành quân Nam Sơn 719 là chỉ ra thất bại lớn đầu tiên của loại máy móc từ trước tới nay vẫn được giới quân sự Mỹ dương dương tự đắc trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, đó là máy bay lên thẳng.”

Ngày nay, trực thăng vũ trang sử dụng ở tiền tuyến chỉ là kiểu máy bay chở ít người, bọc giáp tốt, chống tăng tốt, còn gọi là trực thăng tấn công. Những loại có vỏ giáp mỏng và vũ trang yếu được lùi về tuyến sau để tham gia vận tải chở quân là chính. Ngày nay, trực thăng chở quân không còn được sử dụng như xe bọc thép chiến đấu ở tiền tuyến. Chưa kể, từ năm 1972 trở đi, Quân Giải phóng với A-72 trong tay lại khiến UH-1 trở nên mỏng manh và dễ vỡ hơn. Trong số 7.013 chiếc đem sang Việt Nam, có tới 4.200 chiếc bị bắn hạ, 50 chiếc bị tịch thu. Lưu ý, con số này là còn chưa tính tới số UH-1 bị họ ném xuống biển trong Chiến dịch Gió lốc năm 1975. Sự thất bại của UH-1 ở Việt Nam cũng là sự kết thúc luôn của trực thăng vận.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, Hoa Kỳ cũng tìm được một vài điểm sáng, đó là trực thăng tấn công. Những chiếc trực thăng được bọc giáp đầy đủ, gắn rocket và súng máy, được xem là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho bộ binh. Kết quả là, họ đã cho ra đời dòng AH-1, trực thăng tấn công hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới.

Tuy nhiên, ngay cả vậy cũng không giúp họ thay đổi được kết quả ở Việt Nam. Trong khoảng 1.100 chiếc AH-1 được chế tạo, đã có 300 chiếc bị bắn hạ tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ những bài học trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã dựa vào nó để chế tạo ra những chiếc trực thăng tấn công hiệu quả nhất trong lịch sử, đó là AH-64 Apache.

AH-64 được ra đời đúng theo bài học mà người Mỹ từng rút ra từ chiến tranh Việt Nam. Ngoài hỏa lực mạnh mẽ, thiết kế của nó đúng là theo kiểu nồi đồng cối đá, khoang lái và cánh quạt đều thiết kế để chịu được đạn 23 ly, khung máy bay bao gồm lớp bảo vệ nặng khoảng 1,1 tấn và có hệ thống nhiên liệu tự hàn kín để bảo vệ khỏi đạn súng trường, khoang này có kết hợp một tấm chắn nổ trong suốt giữa ghế phi công và xạ thủ để ít nhất một thành viên phi hành đoàn có thể sống sót trong trường hợp bị trúng đạn trực tiếp. Nhưng mái che và cửa sổ không được trang bị chống lại các mối đe dọa từ súng trường của lính bộ binh. Người Mỹ đã từng muốn quên đi giai đoạn xấu hổ của mình tại Việt Nam, khi các phi công phải bọc lót áo chống đạn vào chỗ ngồi của mình để tránh ăn đạn AK của lính du kích Nam Việt Nam.

Ngoài ra, cuộc chiến này cũng đã thay đổi luôn quan điểm của giới quân sự về nghệ thuật pháo binh. Sau Thế chiến II, đã nổ ra một cuộc tranh cãi về con đường phát triển của pháo binh. Một là càng to càng tốt, tức là chế tạo ra một khẩu pháo có hỏa lực mạnh, tầm bắn xa và vô cùng to lớn, điển hình là khẩu M107 của Mỹ. Hai là, thiết kế một khẩu pháo thiên về tốc độ bắn, với hỏa lực vừa đủ, điển hình là M46 của Liên Xô. Cuộc tranh cãi này đã kết thúc sau chiến dịch Lam Sơn 719.

Chiến dịch làm nổi lên vấn đề tồn tại từ lâu trong nghệ thuật pháo binh. Pháo 175 ly tự hành nòng dài tầm xa M107 của Mỹ, khẩu pháo này được sơn dòng chữ “vua chiến trường” trên nòng, do tầm bắn xa và sức công phá cực mạnh. Thế nhưng, khi tham chiến, nhiều nhược điểm đã lộ ra. Xe pháo không có vách bọc thép, nên dễ bị tổn hại, lại còn cồng kềnh, không tiện cho cơ động, trú ẩn. Thứ hai, tốc độ bắn thì khá chậm, chỉ 1 đến 2 phát trên một phút, bắn xa thì kém chính xác, do tính toán và định vị ngày đó còn chưa hoàn thiện. Do vậy, khi đấu pháo, M107 không chống lại được kiểu pháo xe kéo M46 cỡ 130 ly do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam, dù về lý thuyết M107 có tầm bắn xa hơn và sức công phá của đạn mạnh hơn.

Ngày nay, khẩu pháo này không còn được Hoa Kỳ sử dụng, bởi nó được coi như một sự phát triển chưa hoàn chỉnh. Lịch sử pháo binh sau chiến tranh Việt Nam đã đi theo hướng cơ động và có tốc độ bắn nhanh. Đây chính là con đường dẫn tới pháo tự hành như chúng ta vẫn thấy ngày nay. Chính vì những lý do ở trên, chiến tranh Việt Nam được xếp vào hàng một trong những cuộc chiến tranh quan trọng và tạo ra bước ngoặt trong thế kỷ 20.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới