Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 đã trôi qua 45 năm, trong con mắt của quốc tế khi đó, Việt Nam là bên bị tấn công bất ngờ khi có tới 3/4 quân đoàn chủ lực đã không ở trong nước. Vậy nhưng, trên thực tế, khi đó Việt Nam đã không hề bất ngờ về việc Trung Quốc sẽ phát động cuộc chiến tranh này. Điều này không chỉ đến từ tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo Việt Nam mà còn nằm ở một mặt trận hết sức quan trọng nhưng gần như không bao giờ được nhắc tới trong cuộc chiến tranh này, đó là Phản gián.
Nhiều năm sau chiến tranh, người ta mới biết rằng Trung Quốc đã tính kế đánh Việt Nam từ rất lâu, chứ không cần phải chờ từ lúc Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền.
Cuộc chiến được chuẩn bị từ lâu
Đêm ngày 16/2, các tổ tham báo của Trung Quốc đã bí mật mang theo bộc phá luồn sâu, móc nối với những thành phần nội gián, thành lập các toán vũ trang phục sẵn ở các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu nhằm ngăn chặn quân Việt Nam. Đồng thời, quân Trung Quốc cũng bí mật cắt đường dây điện thoại để cô lập sở chỉ huy sư đoàn với các chốt trận địa, pháo và bộ đội sát biên giới. Sau khi vượt qua biên giới, lực lượng Trung Quốc đã có một hành động kỳ lạ, đó là đào lên được các hầm bí mật khá to, chứa rất nhiều súng đạn, quân trang. Điều này chứng tỏ việc đánh Việt Nam được Trung Quốc chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Theo như các thông tin sau này cho biết, các hầm chứa được xác định là bắt đầu được xây từ khi Trung Quốc còn đưa công binh sang Việt Nam để hỗ trợ xây cầu, làm đường trong những năm tháng Việt Nam phải đối đầu với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Hành động này của lính Trung Quốc có thể bất ngờ với nhiều người, nhưng với lực lượng Tình báo và Phản gián của Việt Nam khi đó thì không hề. Vì đơn giản, họ đã triệt phá vô số kho như vậy từ năm 1974, đồng thời cũng triệt phá vô số đường dây tình báo của Trung Quốc cài cắm ở Việt Nam. Ngay cả với những hầm chứa vũ khí đó, tính đến thời điểm trước năm 1979, công an Việt Nam đã phát hiện và triệt phá ít nhất là hơn 200 căn hầm như vậy.
Ngay từ năm 1974, ngoài việc chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc này đang thuộc quyền quản lý của chế độ Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã có những bước đi đầu tiên trong kế sách lâu dài nhằm làm suy yếu và phát động chiến tranh với Việt Nam, đó là tiến hành các hoạt động tranh chấp tại biên giới phía Bắc và tung người dọc biên giới nhằm điều tra tình báo, lũng loạn lực lượng. Giữa năm 1974, phía công an Việt Nam tại vùng biên giới đã phát hiện những dấu hiệu bất thường, số người từ Trung Quốc qua biên giới đi chợ, thăm thân nhân đã tăng lên đột biến, qua xác minh thấy có rất nhiều đối tượng khả nghi.
Quả nhiên, phía công an Việt Nam đã nhận định đúng, đang có dấu hiệu thăm dò và hoạt động tình báo của Trung Quốc ở đây. Các nghi ngờ đổ dồn về một cái tên, đó là Đàm Quế Thỏ. Qua nghiệp vụ điều tra, công an Việt Nam thấy tên này có quan hệ khá thân với các cán bộ hợp tác xã và thường xuyên qua lại, lui tới các đồn biên phòng của Việt Nam. Với nhận định ban đầu, Đàm Quế Thỏ có khả năng là gián điệp con thoi do một trung tâm tình báo phía bên kia xâm nhập vào khu vực biên phòng Trà Lĩnh để thu thập tình báo, gây dựng cơ sở hoạt động phá hoại. Cơ quan chức năng quyết định cử một tổ cán bộ nghiệp vụ từ xuôi lên đánh án. Công an Việt Nam đã gài một cái bẫy để nhử Thỏ và bắt tại trận tên này.
Cuối tháng 9/1974, Đàm Quế Thỏ giả vờ vào thăm Trạm kiểm soát Trà Lĩnh, lúc một chiến sĩ đăng ký chép sổ sách, lấy lý do đi tráng ấm pha trà, chiến sĩ này đã để nguyên sổ sách và từ góc nhìn bí mật, một chiến sĩ khác được bố trí mai phục sẵn ghi nhận rằng Thỏ đọc trộm tài liệu.
Ngày cuối tháng 1/1975, trong khi uống rượu với một cán bộ Hợp tác xã ở huyện, Thỏ moi nhiều tin tức bí mật về đồn công an vũ trang và dân quân Trà Lĩnh. Sau đó, hắn ghi chép vào giấy, giấu trong gấu áo. Sau đó ít giờ, tổ tuần tra công an vũ trang bắt quả tang Thỏ trao đổi tài liệu mật và y đã phải khai nhận được Vương Minh Lượng là đặc phái viên của Sở phái xuất thuộc công an Trung Quốc huấn luyện nghiệp vụ và nhận nhiệm vụ điều tra để cung cấp tin tức về chính trị, quân sự, kinh tế Việt Nam.
Điệp viên Con Thoi đầu tiên đã bị phát giác, thế nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó. Nếu Việt Nam từng dùng Phạm Xuyên làm điệp viên hai mang, dắt mũi về nhà từ năm 1961 – 1972, cũng có thể làm được tương tự với Đàm Quế Thỏ.
Qua khai thác thông tin từ Đàm Quế Thỏ, phía Việt Nam đã biết rằng Trung Quốc đang tiến hành mua chuộc và tập hợp những nhóm người dân tộc thiểu số thân Trung Quốc về một mối, tiến hành phá hoại, xâm phạm biên giới Việt Nam. Thỏ không phải người duy nhất được phía Trung Quốc cử làm điều này.
Phía Công an Trà Lĩnh lập tức cảnh báo với các đồn biên phòng khác nâng cao cảnh giác trước các gián điệp của Trung Quốc. Quả nhiên, đã có một số kẻ bám rễ được vào trong hàng ngũ cán bộ tại các xã biên giới. Năm 1978, tại xã Phú Lũng, Đồng Văn, Đồn Công an vũ trang Bạch Đích phát hiện các đối tượng từ Trung Quốc xâm nhập qua Việt Nam, tìm cách gặp một cán bộ người Dao có, uy tín trong xã và viết thư đề nghị vận động nhân dân tập hợp lực lượng chống lại chính quyền, Trung Quốc sẽ giúp đỡ.
Phía Việt Nam đã tương kế tựu kế, chỉ đạo cán bộ này triển khai các động tác giả theo phía bên kia. Đại diện nhóm người bên kia biên giới là Phàn Vần Xèng đã chỉ đạo cán bộ của ta tổ chức lại dân quân, gồm những người thân tín, càng đông càng tốt. Thông qua lực lượng này và những đồng chí thân Trung Quốc mà vận động dân bám biên giới không di chuyển về sau. Thậm chí, Xèng còn yêu cầu gửi gấp danh sách dân quân thân Trung Quốc, gồm 24 người, để Xèng báo cáo xin vũ khí, trang bị cho họ.
Sau đó, Xèng dẫn hai đối tượng khác mang theo vũ khí, gồm súng ngắn AK báng gấp xâm nhập Việt Nam mà không hề biết rằng mình đang chui đầu vào rọ. Khi bị phục kích, bắt gọn tại điểm hẹn, các đối tượng thừa nhận là gián điệp của Trung Quốc đã phải khai nhận hoạt động thám báo, tình báo vào khu vực biên phòng Việt Nam, với nhiệm vụ xâm nhập, điều tra, thu thập tin tức tình báo, phục vụ cho các yêu cầu của quân sự, đồng thời lôi kéo, móc nối cơ sở trong hàng ngũ chủ chốt cấp xã, để xây dựng chính quyền hai mặt, phục vụ sự điều khiển của Trung Quốc.
Ba đối tượng gián điệp còn cho biết, chính quyền Trung Quốc phiên chế những kẻ xâm nhập trong các tổ chức được gọi là tổ công tác dân tộc. Thực chất, đây là những tổ tình báo, gián điệp hoạt động sâu vào lãnh thổ Việt Nam, có sự chỉ đạo chặt chẽ theo hệ thống bí mật từ trên xuống dưới. Các đối tượng thừa nhận và cung cấp thêm, ở Malifor còn có 3 tổ tình báo khác hoạt động tại các hướng Mã Lĩnh, Mã Phú, Búng Tùng. Tất cả các tổ đang cố gắng móc nối sang Việt Nam, để nhanh chóng biến chính quyền cấp xã ở khu vực biên giới Việt-Trung của Việt Nam thành chính quyền hai mặt, biến dân quân Việt Nam thành lực lượng ngầm tại chỗ của Trung Quốc, sẵn sàng nổi dậy, gây bạo loạn, chống Việt Nam.
Phàn Vần Xèng tiếp tục trở thành điệp viên hai mang thứ hai, giúp Công an Việt Nam tóm nốt 3 nhóm còn lại. Thực ra, kế sách này hoàn toàn không có gì mới, mà là kế sách quen thuộc của người Hán, mỗi khi muốn xâm lược và làm suy yếu dân tộc nào đó từ bên trong.
Kế “tằm ăn dâu”
Ngay từ giai đoạn 1976 – 1977, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động xâm lấn Việt Nam. Buổi tối, thì có lực lượng vũ trang xâm nhập. Buổi sáng thì có các xã viên Trung Quốc, thực chất là lính biên phòng Trung Quốc, cải trang sang canh tác trái phép trên đất Việt Nam, đồng thời di dời bất hợp pháp các cột mốc biên giới.
Đại tá Lưu Đức Hùng, Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang kể: trong 3 năm từ 1975 đến 1978, phía Trung Quốc đã 11 lần tổ chức lấn chiếm khu vực này, nhưng đều bị công an vũ trang đồn Lũng Làn và nhân dân các bản Lũng Lì, Lẻo Trá Phìn đấu tranh ngăn chặn, đồng thời đẩy đuổi người Trung Quốc xâm canh, xâm cư, lấn chiếm về phía bên kia đường biên giới.
Đỉnh điểm là ngày 10/8/1978, phía Trung Quốc đã cho 40 xã viên Công xã Tả Ráy chủ yếu là lính biên phòng cải trang xâm nhập khu vực giữa Mốc 23 và 24, hì hục phát cây cuốc đất làm nương. Hành động này bị tổ tuần tra của đồn Lũng Làn, gồm 3 chiến sĩ Nguyễn Vũ Dương, Hoàng Văn Nở, Nguyễn Văn Định, đang trên đường làm nhiệm vụ phát hiện. Nhận thấy việc đấu tranh sẽ căng thẳng hơn những lần trước do tương quan lực lượng chênh lệch, cả tổ hội ý chấp nhận và quyết định sẽ cử chiến sĩ Nguyễn Văn Định quay về đơn vị báo cáo tình hình, xin thêm chi viện. Đồn cử thêm hai chiến sĩ tăng cường và cả tổ 5 người tiếp cận địa bàn, ngăn chặn hành động lấn chiếm của xã viên Trung Quốc.
Đám xã viên Trung Quốc la ó và dùng dao, cuốc bao vây năm chiến sĩ, đòi bắt trói, đưa về công an xã Tả Ráy, Trung Quốc để xử lý. Trước hành động hung hãn, cả tổ tựa lưng chắn hậu cho nhau và dùng báng súng kiên quyết chống trả, kết đòn tấn công của đối tượng côn đồ, đồng thời mở đường phá vây. Đội hình của đám xã viên liên tục co vào, giãn ra theo thế chống trả của chiến sĩ ta. Lợi dụng địa thế có lợi, tổ trưởng Nguyễn Vũ Dương lệnh cho hai chiến sĩ phóng mình qua vách đá, lùm cây chạy về xin thêm chi viện. Dù chỉ còn lại 3 người, nhưng cả 3 đã quần nhau với 40 người của Trung Quốc trong suốt 2 tiếng liền, mới bị xuống sức và bị trói, đưa về đồn công an của Trung Quốc.
Lợi dụng phút sơ hở khi các đối tượng côn đồ túm tụm chặt cây làm đòn khiêng chiến sĩ về Trung Quốc, chiến sĩ Hoàng Văn Nở trườn mình cọ dây trói lên cạnh đá, làm đứt dây. Sau đó, anh hạ luôn những tên đang đứng canh, cởi trói, giải thoát cho hai chiến sĩ là Dương và Định. Khi ba chiến sĩ vừa thoát khỏi vòng vây, cũng đồng thời lực lượng chi viện do đồn trưởng Công an vũ trang Lũng Làn chỉ huy, cùng nhân dân các bản gần đó ào lên. Thế lực lượng phía ta áp đảo đối tượng côn đồ tự xưng là xã viên công xã Tả Ráy, hò nhau tháo chạy về phía bên kia biên giới. Chính vì những hành động như vậy, phía Việt Nam đã biết trước rằng kiểu gì cũng sẽ có một cuộc chiến quy mô lớn xảy ra.
Ngày 1/1/1979, theo chỉ thị của Thường vụ Quân ủy Trung ương Việt Nam, các lực lượng vũ trang biên giới đó là chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Đó là lý do vì sao mà khi Trung Quốc tấn công, dù đã có điềm báo cắt đường dây lạc từ đêm hôm trước, nhưng các tổ chiến đấu vùng biên giới không hề bị động và bất ngờ khi bị phía Trung Quốc tấn công. Sáng ngày 17/2, Việt Nam vốn đã quá rõ dã tâm và ý đồ của Trung Quốc, chỉ không biết là Trung Quốc sẽ tấn công vào khi nào mà thôi. Chưa một lúc nào Trung Quốc thôi ý định thôn tính Việt Nam, cho nên phía Việt Nam cũng chưa bao giờ ngó lơ phía Bắc, kể cả khi được họ viện trợ khổng lồ và trên danh nghĩa là những người đồng minh cộng sản.
T.P