Năm 2023 dân số Việt Nam tròn 100 triệu người. “Cơ hội dân số vàng” chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong lịch sử một đất nước. Để tận dụng cơ hội này, cần sẵn sàng với một thế hệ trẻ có tầm vóc, thể lực, trí lực.
Năm 2000, lần đầu tiên sang nhật Bản học chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách công, với chiều cao 1m70, được coi là lý tưởng đối với thanh niên Việt Nam, tôi vẫn phải ngước nhìn khi nói chuyện với các học viên Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là các nước phương Tây.
Cùng độ tuổi với tôi lúc bấy giờ, con trai lớn thuộc thế hệ Gen Z (thế hệ sinh năm từ 1996-2010) cao 1,84m. Con không còn cảm giác phải “ngước nhìn” như tôi đã từng gặp phải. Chiều cao có thể chưa giúp thế hệ trẻ Việt Nam nổi bật nhưng ít nhất cũng tránh bị lọt thỏm.
Hiện giờ, tại ngôi trường tôi đang làm việc, không khó khăn gì khi thấy những sinh viên nam cao hơn 1,80m và sinh viên nữ cao hơn 1,65m. Trải nghiệm của bản thân tôi phần nào thể hiện vóc dáng của người Việt đã có nhiều sự thay đổi tích cực.
Thế hệ nam thanh niên Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX chỉ cao trung bình 162,3cm, còn phụ nữ thấp hơn 10 cm. Trong 20 năm qua, theo số liệu từ Bộ Y tế, chiều cao nam thanh niên đã tăng thêm 5,8cm (lên 168,1cm), còn nữ tăng 3,3cm (lên 155,6cm).
Chiều cao người Việt sinh từ năm 2000 trở lại đây rõ ràng tốt hơn giai đoạn trước và tốc độ cao nhanh gần gấp đôi thập niên trước. Thậm chí, mức tăng chiều cao của thanh niên Việt giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao hằng năm trong giai đoạn 1955-1995.
Nhìn vào sự thay đổi trong tầm vóc của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam cũng phần nào thấy được sự tăng trưởng chiều cao của thế hệ trẻ. Trong 32 cái tên được triệu tập để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026, có 10 người sở hữu chiều cao trên 180cm. Đội tuyển U23 Việt Nam dự vòng loại U23 châu Á 2020 hay U23 Việt Nam tại giải U23 Đông Nam Á năm 2023 là tập thể có chiều cao trung bình đạt 176,4-177,7cm. Đây là lứa các cầu thủ sinh năm 1997- 2003, thuộc GenZ, có thủ môn cao tới 191cm.
Trước đó, năm 2014, chiều cao của các tiền đạo thuộc Gen Y (thế hệ sinh năm 1981-1995) được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam cho chiến dịch AFF Suzuki Cup 2014 đạt giới hạn cao nhất là 176cm. Năm 2011, 2016 và 2017, đội tuyển Việt Nam sở hữu hàng công có chiều cao khiêm tốn nhất, với chỉ 171cm.
Tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế là yếu tố căn cơ nhất dẫn đến sự chuyển đổi này. Điều kiện kinh tế làm thay đổi nhận thức, nhu cầu, hành động can thiệp và hiệu quả thực tế. Khoa học đã chứng minh có 5 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc: Giới tính; gene; chế độ dinh dưỡng; hoạt động thể lực/giấc ngủ; và môi trường sống/bệnh tật. Hai yếu tố giới tính và gene không thể can thiệp sửa đổi, nhưng ba yếu tố còn lại có thể thay đổi, ví dụ như cách nuôi con của những bậc cha mẹ thuộc Gen Y đã hoàn toàn khác so với trước – bài bản hơn, khoa học hơn – và tạo ra hiệu quả khác biệt.
Chưa như kỳ vọng
Dù chiều cao đang có những bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng chiều cao ở khu vực và thế giới nhưng về tổng thể, vóc dáng, thể lực của người Việt Nam vẫn khá khiêm tốn. Chúng ta xếp thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia), xếp thứ 153/201 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Hà Lan (là nước có chiều cao thuộc top đầu thế giới) thì cùng 18 tuổi, nam giới ở Việt Nam thua 14,8 cm và nữ giới là 13,7cm.
Nhìn thẳng vào vấn đề thì một trong những lý do khiến tầm vóc người Việt Nam chưa như kỳ vọng là do giáo dục về dinh dưỡng chưa phổ biến cùng thói quen ăn uống, vận động, sinh hoạt chưa khoa học.
Chúng ta không thể tránh khỏi sự bùng nổ của những cửa hàng thức ăn nhanh. Nhiều gia đình không ngại chi tiền để mua cho con nhiều loại sữa được quảng cáo hoặc “nghe nói” là tốt, tăng chiều cao, nhưng không cần biết loại sữa đó có phù hợp với con hay không, hoặc phải làm gì để biết con đang thiếu vi chất dinh dưỡng nào, nên bổ sung ra sao…
Lâu nay, một số gia đình vẫn giữ câu hỏi “Hôm nay con ăn được mấy bát cơm?” mỗi khi muốn hỏi về vấn đề dinh dưỡng của trẻ. Các em thừa hưởng thói quen ăn uống thiếu khoa học từ người lớn dẫn đến thừa đường, thừa muối, nhiều thịt nhưng ít rau.
Thể lực của người Việt Nam kém còn bắt nguồn từ việc lười vận động, tập thể dục chưa thành thói quen. Khảo sát của chuyên gia sức khỏe Đại học Stanford (Hoa Kỳ) thực hiện tại hơn 100 quốc gia, Việt Nam nằm trong nhóm các nước lười vận động nhất với khoảng 15% người dân tập thể dục nhiều hơn 30 phút/ngày. Thiếu vận động nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh, của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế.
Nhìn sang Nhật Bản, đất nước được cả thế giới khâm phục về quá trình cải thiện chiều cao, phát triển thể chất một cách thần kỳ thì hiện tại người Việt thua Nhật tới 4cm chiều cao ở nam và gần 2,5cm ở nữ. Họ đã làm gì để đạt được mục tiêu đó?
Yếu tố đầu tiên giúp chiều cao của người Nhật tăng nhanh là coi trọng cân bằng dinh dưỡng. Trẻ em khi học mẫu giáo được nhà trường giáo dục dinh dưỡng, cách ăn uống, kỹ năng sống cần thiết. Thực đơn từng tuần được nhà trường thông báo chi tiết cho phụ huynh kèm lượng calo tương ứng từng món, từng bữa ăn, sao cho đảm bảo cân bằng năng lượng cho các hoạt động thể lực của trẻ trong ngày. Nghĩa là từ nhỏ, trẻ em Nhật và các phụ huynh được dạy cách ăn uống khoa học và phù hợp. Người dân Nhật Bản này cũng chú trọng chế độ luyện tập, coi đây là một phần không thể thiếu để phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Quay trở lại thời điểm những năm 2000 khi tôi ở Tokyo, Nhật Bản, chỉ bước một bước là thấy ngay các cửa hàng đồ ăn nhanh, người trẻ xứ Phù Tang khi đó lựa chọn nó bởi guồng quay công nghiệp, đòi hỏi nhiều thời gian cống hiến công việc. Nhưng thói quen này đã thay đổi.
Tháng 10 vừa rồi, tôi quay lại đúng nơi mình đã ở Nhật Bản 20 năm trước, hầu như các quán này đóng cửa, thay vào đó là các quán ăn truyền thống của người Nhật, với cơm, rau, cá, trứng…
Không chỉ là vấn đề suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19, điểm cốt lõi là người Nhật Bản nhận thấy thức ăn nhanh và những đồ uống đi kèm chỉ phục vụ cho lối sống gấp gáp không mang lại giá trị dinh dưỡng, sức khỏe và tăng trưởng chiều cao, thể lực. Cũng có thể, khi đạt đến ngưỡng thu nhập rất cao, người dân Nhật Bản và nhiều quốc gia muốn sống chậm lại, lắng nghe sức khỏe bản thân và lựa chọn dinh dưỡng lành mạnh, thư giãn tinh thần.
Sau nhiều năm nghiên cứu về an sinh xã hội, tôi nhận thấy trong bất kỳ lĩnh vực nào đều có 4 chữ P quan trọng. Đó là “Prevention” (phòng ngừa); “Protection” (bảo vệ); “Promotion” (thúc đẩy) và “Provision” (cung cấp dịch vụ chất lượng). Để nâng cao tầm vóc Việt, tôi cho rằng chúng ta cũng bám sát 4 chữ P này.
Niềm tin
Năm 2023 đánh dấu mốc dân số Việt Nam tròn 100 triệu người. Với quy mô dân số lớn và thu nhập được cải thiện liên tục trong hơn ba thập kỷ qua, chúng ta đang có một thị trường nội địa nhiều tiềm năng.
Dân số Việt Nam hiện đang có “cơ hội vàng” với tỷ lệ trẻ em (0 – 14) dưới 30% tổng dân số và tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 trở lên) chiếm ít hơn 15% tổng dân số. Cơ hội chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử một đất nước và theo dự báo dân số giai đoạn 2019 – 2069 của Tổng cục Thống kê thì cơ hội này ở Việt Nam sẽ kéo dài tới năm 2039.
Cùng lúc đó, trong giai đoạn 2023 – 2039, nghĩa là đến khi kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, tổng dân số nhóm Gen Y và GenZ duy trì tương ứng khoảng 45 triệu người. Đây là nhóm dân
số năng động, thích ứng nhanh với công nghệ nên sẽ là nguồn lực tiềm năng cho việc chuyển đổi nền kinh tế sang hướng số hóa. Nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào lực lượng sản xuất và tiêu thụ này. Nếu có thể lực, trí lực và kỹ năng tốt, đây sẽ trở thành nguồn lợi khổng lồ cho nước nhà.
Vấn đề đặt ra là đầu tư và sử dụng lực lượng lao động hai nhóm Gen Y và Gen Z này ra sao để Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế “cơ cấu dân số vàng” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã phát huy được. Thực tế, việc tận dụng này tại các quốc gia trên đã đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng kinh tế.
Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy việc đầu tư này phải thực hiện thường xuyên, liên tục, để “đã tốt càng tốt hơn”, chứ không phải “thấy tốt rồi dừng lại”.
Để tăng chiều cao, phải can thiệp dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời. Có nghĩa là một em bé phải được chăm sóc tốt trong 1.000 ngày đầu đời (tức là cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 2 tuổi), dậy thì, vị thành niên, thanh niên rồi đến khi lấy vợ/chồng, mang thai… để góp phần thúc đẩy tăng chiều cao.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã qua giai đoạn tăng tốc về tăng trưởng chiều cao và mức tăng hiện nay đã chậm lại, chỉ còn 0,8 – 1,1cm/10 năm. Nhiều nhà khoa học cho rằng, hiện Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chiều cao trung bình 3,7cm/10 năm ở nam và 2,6cm/10 năm đối với nữ. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, dự đoán đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam sẽ xấp xỉ 172cm, nữ giới gần chạm mốc 159cm. Lúc đó, khoảng cách chiều cao thanh niên Việt với người Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước đang có chiều cao hàng đầu châu Á sẽ thu hẹp dần.
Tôi cho rằng khả năng dẫn dắt và tác động lớn của thế hệ Gen Y, Gen Z sẽ tạo ra hiệu ứng kéo theo sự thay đổi của toàn bộ xã hội. Vấn đề là thế hệ đi trước cần xây dựng môi trường tiến bộ, tạo nhiều cơ hội để làm “bàn đạp” giúp người trẻ bằng nội lực vững chắc của chính mình có thể vươn xa.
T.P