Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - Cuộc chiến...

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc – Cuộc chiến vì chính nghĩa

Trong cuộc chiến đấu vì chính nghĩa, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của non sông, nhiều người con thân yêu của dân tộc đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.


Ngày 17/2/1979, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân Việt Nam đã anh dũng, kiên cường chiến đấu đáp trả lại hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới phía Bắc Tổ quốc.

45 năm qua đi, nhắc lại sự kiện này để chúng ta một lần nữa khẳng định, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc là cuộc chiến đấu vì chính nghĩa và cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Phát huy tinh thần tự tôn dân tộc và chủ nghĩa yêu nước

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã diễn ra cách đây 45 năm nhưng hào khí và tinh thần yêu nước vẫn tiếp tục được khơi dậy, củng cố và phát huy trong thời kỳ đất nước hội nhập. Trong cuộc chiến đấu vì chính nghĩa, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của non sông, nhiều người con thân yêu của dân tộc đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.

Sự kiện ngày 17/2/1979 là một sự kiện bi thương trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Trong thời điểm đó, quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, giành được thắng lợi, bảo vệ toàn vẹn núi sông bờ cõi.

Theo GS.NGND Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nghĩa yêu nước chính là cội nguồn cho thắng lợi của cuộc chiến đấu chính nghĩa này.

“Hơn bao giờ hết, đó là tinh thần yêu nước, ý chí quả cảm tạo nên một sức mạnh rất lớn nên chúng ta đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn biên giới phía Bắc. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ lớn lao như vậy”, GS Vũ Dương Ninh cho biết.

Cũng chung quan điểm, Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, tinh thần tự tôn dân tộc và chủ nghĩa yêu nước một lần nữa được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước giờ phút Tổ quốc lâm nguy, ngọn cờ chính nghĩa của Đảng đã tập hợp đoàn kết toàn dân làm nên sức mạnh vô song, đẩy lui mọi hành động xâm phạm chủ quyền non sông, bờ cõi.

“Dưới sự lãnh đạo, tổ chức lực lượng của Đảng, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã tạo thành sức mạnh vô song. Sức mạnh đó xuất phát từ tinh thần dân tộc và lòng tự tôn dân tộc. Chúng ta không những làm thất bại cuộc chiến của đối phương mà còn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”, PGS.TS Trần Ngọc Long cho biết.

Nhìn lại lịch sử với thái độ đúng đắn, nghiêm túc

Nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, độ lùi của thời gian đã làm cho nhiều sự kiện, sự thật được làm sáng tỏ. Các nhà nghiên cứu, các nhà sử học cũng đồng tình cho rằng, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục trước một thế lực xâm lược nào.

Sự kiện xảy ra trên tuyến biên giới phía Bắc một lần nữa đã thử thách tinh thần chiến đấu và lòng quả cảm của một dân tộc. Dù đất nước còn vô vàn khó khăn, vừa thoát khỏi chiến tranh nhưng khi Tổ quốc cần, mọi người dân Việt Nam vẫn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam cho rằng, qua cuộc chiến thấy rằng, trong bất kỳ một cuộc chiến nào, khi biên cương của Tổ quốc, lãnh thổ bị xâm phạm thì không có một người dân Việt Nam nào không đứng lên, đoàn kết, gắn bó với nhau vì mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc.

“Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc một lần nữa khẳng định ý chí đó của dân tộc Việt Nam sau khi chúng ta đã chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật cho biết.

45 năm đã qua đi, hai nước Việt – Trung đã bình thường hóa quan hệ và đang đi vào những bước phát triển theo chiều hướng tích cực. Lịch sử đã qua và không thể thay đổi. Vì thế những thế hệ nối tiếp nhau trong hiện tại cần đi sâu nghiên cứu, cùng nhau đúc rút những bài học kinh nghiệm để có thái độ ứng xử đúng đắn cho hôm nay và mai sau.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, điều quan trọng cấp thiết là phải nhìn lại lịch sử với thái độ đúng đắn, nghiêm túc để không tái diễn, làm rộng thêm khoảng cách trong quan hệ hai nước Việt – Trung.

45 năm qua đi, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới phía Bắc năm 1979 đã dần được tiếp cận và nhìn nhận một cách chân thực và khách quan hơn. Trong cuộc chiến đấu vì chính nghĩa này, không một ai bị lãng quên. Những người đã trực tiếp cầm súng, chiến đấu vẫn sẽ mãi được ghi nhận, tri ân và tôn vinh trong trang sử hào hùng của đất nước.

Sự kiện không mong muốn này như một vết cắt lịch sử nhưng không vì thế mà trở thành rào cản ngăn cách hai nước láng giềng cùng chung định hướng xã hội chủ nghĩa xích lại gần nhau hơn.

Trong tổng thể quan hệ hai nước, dù có những thời khắc thăng trầm, nhưng hữu nghị hợp tác vẫn là dòng chảy chính. Điều đó, cũng đòi hỏi hai nước cần phải tiếp tục tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau hướng đến mục tiêu hòa bình và ổn định của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới