Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVấn đề “thời hiệu để thụ đắc lãnh thổ” đối với quần...

Vấn đề “thời hiệu để thụ đắc lãnh thổ” đối với quần đảo Hoàng Sa

Những này gần đây, trong dịp kỷ niệm 50 năm hải chiến Hoàng Sa, 50 năm quần đảo này của Việt Nam rơi vào tay quân xâm lược (1/1974 – 1/2024), có nhiều ý kiến trắng trợn xuyên tạc sự thật, cho rằng, Việt Nam không có đủ bằng chứng lịch sử để nói rằng Hoàng Sa là của nước này.

Thực ra đó ý kiến của các “nhà nghiên cứu” được Bắc Kinh nuôi dưỡng, bao bọc, đành phải “ăn cơm chúa múa tối ngày”. Đã là con vẹt trong lồng thì buộc phải hót theo giọng chủ. Đó còn là ý kiến của các thế lực thù địch, bất đồng chính kiến, cơ hội chính trị nhằm gây rối, lật đổ.

Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua luôn khẳng định rằng, Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Tư liệu, chứng cứ pháp lý rất nhiều và rất thuyết phục, đã nhiều dịp được công bố trong nước và tại các hội thảo quốc tế. Trong khi đó Trung Quốc lại luôn nói ngược lại, nhưng họ không đưa ra được các cơ sở khoa học, bằng chứng thuyết phục.

Bài viết này chỉ xin nhắc lại một vài tư liệu cơ bản. Trong số 100 bản đồ, thư tịch, tư liệu cũ. Có những bản đồ và tư liệu quý như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, vẽ vào thời nhà Thanh năm 1904. Tấm bản đồ ghi rõ: Điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam.

Một tấm bản đồ khác – An Nam đại quốc toàn đồ – do Lean Louis Taberd vẽ vào năm 1838. Trên bản đồ thể hiện quần đảo Paracel Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Và đây nữa, bản đồ vẽ xứ Quảng Ngãi trong Toàn tập “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá, tự Công Đạo, soạn thời Chính Hoà (1680 – 1705) triều Lê. Chú thích trên bản đồ có ghi địa danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm, ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi.

Và còn nhiều tấm bản đồ Đông Ấn, do Seutter thực hiện năm 1720; bản đồ nước Xiêm và quần đảo Mã Lai, do The Times Atlat-Printing House Square xuất bản tại London (Anh) năm 1896 đều khẳng định Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trong một Thư tịch cũ, nhà vua truyền cho bộ Công còn ghi rõ: “Vùng biển Quảng Ngãi liền một dải với Hoàng Sa, trông xa hẳn trời nước một màu, không thể biết nông sâu. Thuyền buôn từ xa tới thường vì đó mà mắc nạn. Nay nên sắp sẵn tàu thuyền để đến năm tới sai đi, nhằm xây miếu dựng bia nơi ấy, lại trồng nhiều cây gỗ, sau này lớn lên xanh tốt cho dễ nhận biết, khỏi lầm đường mắc cạn. Đó cũng là làm lợi cho muôn đời sau vậy”.

Một tài liệu giá trị khác là bản Sự vụ lệnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa cấp cho Chuẩn úy Nguyễn Văn Đức, đơn vị Trung đội Hoàng Sa, thuộc tiểu khu Quảng Nam, lý do của Sự vụ lệnh là thay quân Hoàng Sa, ngày đi 14-10-1969.

Sự thật rõ ràng như vậy, thế nhưng những kẻ ăn không nói có vẫn cố tình lấp liếm. Cần nói thẳng ra rằng: Sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974 đã vi phạm hoàn toàn và có hệ thống với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Đó là nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng hoặc sử dụng vũ lực; nguyên tắc thiện chí thực thực hiện các cam kết quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc mà Trung Quốc là thành viên. Việc thụ đắc lãnh thổ thông qua hành vi sử dụng vũ lực để chiếm đóng lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp, không mang lại danh nghĩa chủ quyền hợp pháp đối với lãnh thổ bị chiếm đóng.

Trớ trêu thay, gần đây có vị nhân danh “học giả” của Trung Quốc nói rằng, Việt Nam nếu có để mất Hoàng Sa cũng là do mất cảnh giác, cũng là sự đã rồi. Nửa thế kỷ đã trôi qua, Hoàng Sa đã trở thành lãnh thổ của Trung Quốc (!).

Họ nói cứ như chuyện hàng xóm tranh giành nhau mảnh vườn nhỏ.

Chúng tôi xin nói về vấn đề thời hiệu để thụ đắc lãnh thổ. Theo quy định của Luật pháp quốc tế về chiếm hữu thời hiệu (xác lập chủ quyền lãnh thổ thông qua các hoạt động thực thi chủ quyền theo thực tế liên tục, hoà bình trong một thời gian hợp lý) thì: Đối tượng của chiếm hữu thời hiệu là một vùng lãnh thổ không còn hoặc chưa có chủ sở hữu hợp pháp.

Bên cạnh đó, đối với chiếm hữu theo thời hiệu, cũng cần xem xét lập trường, quan điểm của các quốc gia khác. Nếu một quốc gia sở hữu hoà bình một vùng lãnh thổ trong một khoảng thời gian, không có quốc gia nào phản đối thì có thể được xem là chủ ý thừa nhận chủ quyền của quốc gia đó.

Còn đối với quần đảo Hoàng Sa thì không phải như thế. Vì sao? Thứ nhất, luật pháp quốc tế không quy định khoảng thời gian thế nào là “hợp lý” để chiếm hữu theo thời hiệu. Thứ hai, vào thời điểm Trung Quốc sử dụng vũ lực, Việt Nam đang chiếm hữu và quản lý một cách hoà bình Hoàng Sa, bởi vậy Hoàng Sa không thể bị coi là một vùng lãnh thổ không còn hoặc chưa có chủ sở hữu hợp pháp. Thứ ba, Trung Quốc không thực thi chủ quyền trên thực tế một cách “hoà bình” mà thông qua vũ lực bất hợp pháp. Thứ tư, 50 năm trôi qua, Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Tóm lại, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa được khẳng định dựa trên những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý vững chắc. Lập trường trước sau như một của Hà Nội được thể hiện trong nhiều văn bản chính thức quan trọng như Sách trắng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (năm 1979, 1981 và 1988); trong các tuyên bố chính thức; các văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.

Hôm nay và ngày mai, các thế hệ lãnh đạo, người dân Việt Nam cần tiếp tục lên tiếng một cách mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo thiêng liêng này. Hãy nhìn về quá khứ để soi rọi vào diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay. Cần cảnh giác trước chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc hòng hiện thực hoá âm mưu độc chiếm Biển Đông.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới