Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển nóngĐức là nước châu Âu "nổ phát súng" đầu tiên trên vấn...

Đức là nước châu Âu “nổ phát súng” đầu tiên trên vấn đê Biển Đông năm 2024

Trong mấy năm gần đây cùng với việc chuyển hướng chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đức đã ngày càng quan tâm và can dự sâu hơn vào Biển Đông. Đức đã điều tàu chiến tới hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Việc phải tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine ảnh hưởng nhất định tới triển khai chiên lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Đức. Tuy nhiên, sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực khiến Đức phải thể hiện thái độ mạnh mẽ quyết liệt hơn trên các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là trên vấn đề Biển Đông.

Trong chuyến thăm Manila đầu tháng 1/2024, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã có các cuộc làm việc với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và các quan chức hàng đầu khác của Philippines, tuyên bố Đức sẵn sàng giúp giảm căng thẳng ngày càng leo thang và nhấn mạnh điều quan trọng là phải thiết lập “các cơ chế” để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và thúc đẩy đối thoại. Cuộc gặp của bà Baerbock với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo ngày 11/1 tập trung vào hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh liên tiếp có các hành động hung hăng nhằm vào Philippines trong năm 2023 để thúc đẩy các yêu sách phi lý bất chấp luật pháp quốc tế.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Manila sau hội đàm hôm 11/1, Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm quyền của các quốc gia ven biển châu Á như Philippines và đe dọa tự do hàng hải, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình vì thế giới không cần một cuộc khủng hoảng nữa. Bà Annalena Baerbock nói: “Có những cơn gió thực sự dữ dội thổi qua Biển Đông và điều này đang xảy ra ở giữa một trong những khu vực kinh tế năng động nhất thế giới”. Điều quan trọng bây giờ là thiết lập các cơ chế để cùng nhau giải quyết căng thẳng một cách hòa bình. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng thế giới không cần thêm một cuộc khủng hoảng nào nữa. Hiện có quá nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc”. Ngoại trưởng Baerbock nói thêm: “Tôi vừa đến Trung Đông, nơi tình hình vẫn diễn biến đầy rủi ro và vẫn còn đó nguy cơ chỉ một tia lửa cũng có thể khiến toàn bộ khu vực bốc cháy… Tôi nói điều này bởi trong khu vực của các bạn, căng thẳng cũng đang gia tăng”.

Trong một động thái mang tính biểu tượng về sự hỗ trợ của Đức đối với Philippines trong việc bảo vệ các vùng biển của mình, bà Baerbock đã đến thăm trụ sở của Lực lượng Tuần duyên Philippines tại Manila và lên một tàu tuần tra, nơi đích thân bà điều khiển một trong số những máy bay giám sát không người lái mà Đức tặng cho Philippines. Các quan chức lực lượng tuần duyên Philippines cho biết máy bay không người lái sẽ giúp nước này bảo vệ lợi ích lãnh thổ ở Biển Đông, thực thi luật hàng hải và thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trong các vụ tai nạn trên biển.

Theo Ngoại trưởng Đức, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, dẫn đến các vụ va chạm nhỏ với tàu Philippines, là mối lo ngại đối với Đức và các nước châu Âu khác, “bởi những hành động nguy hiểm như vậy vi phạm quyền và cơ hội phát triển kinh tế của chính nước họ và các nước khác ven biển”. Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo, bà Baerbock nhấn mạnh: “Những sự việc đó cũng làm nổi lên câu hỏi về quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Các tuyên bố của Trung Quốc không được luật pháp quốc tế công nhận”. Trong chuyến thăm Ngoại trưởng Baerbock đã công bố viện trợ mới cho Lực lượng Tuần duyên Philippines và kêu gọi Trung Quốc từ bỏ các chính sách bành trướng và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Đức, người đầu tiên đến thăm Philippines trong khoảng một thập kỷ để tăng cường quan hệ, đã trích dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển cho vụ kiện Biển Đông, vốn vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ sâu rộng của Trung Quốc dựa trên yếu tố lịch sử. Bà Annalena Baerbock khẳng định phán quyết là rất rõ ràng và cụ thể bất chấp việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ xét xử, không công nhận và không tuân thủ phán quyết. Ngay lập tức, Trung Quốc đã phản ứng, kêu gọi các nước bên ngoài tránh xa các vấn đề khu vực.

Những tuyên bố mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khi thăm Philippines là sự tiếp nối các chính sách được chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra từ giữa năm 2023. Ngày 14/6, Đức dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Olaf Scholz đã thông qua Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của nước này. Sau nhiều tháng tranh luận trong liên minh cầm quyền. Chiến lược An ninh Quốc gia của Đức vẽ ra một bức tranh rõ ràng về Trung Quốc, nhấn mạnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh yêu sách ảnh hưởng toàn cầu của mình; nước này đang thay đổi trật tự quốc tế từ bên trong; bằng cách làm như vậy, Trung Quốc đang tận dụng ưu thế kinh tế của họ để giành được các mục tiêu chính trị, coi thường nhân quyền và ngày càng gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định ở cấp độ khu vực và quốc tế. Theo đó, Đức quan ngại trước một số hành vi của Trung Quốc trên trường quốc tế và những hành động đi ngược với lợi ích và giá trị của Đức.

Tiếp đó, ngày 13/7/2023, Chính phủ Đức đã lần đầu tiên công bố chiến lược riêng đối với Trung Quốc. Văn kiện dài 64 trang, gồm 6 phần, có tên gọi “Chiến lược về Trung Quốc của chính phủ Đức”, trong đó gọi Bắc Kinh là “đối thủ có hệ thống” và nhấn mạnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu cần giảm sự phụ thuộc kinh tế vào đối tác thương mại lớn nhất của mình. Ý tưởng cốt lõi của chiến lược là giảm rủi ro trong quan hệ kinh tế nhằm loại bỏ sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc.

Trong chiến lược mới đối với Trung Quốc, Đức lưu ý rằng “quyết định của Trung Quốc tăng cường quan hệ với Nga có tác động an ninh trực tiếp đến Đức”. Ông Ian Chong, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng chiến lược này “phản ánh một số tư duy của Đức sau cuộc chiến ở Ukraine”. Nó cũng cho thấy Berlin đã rút ra bài học rằng lợi ích kinh tế không phải lúc nào cũng có thể giúp duy trì quan hệ hòa bình với một số nước mà có thể đem đến những rủi ro về chính trị, quân sự.

Bản chiên lược nhấn mạnh “Trung Quốc đã thay đổi” làm nổi bật nỗ lực của Đức nhằm “thận trọng” hơn trong quan hệ kinh tế với Bắc Kinh; khẳng định kế hoạch của Đức tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm việc đẩy mạnh hợp tác quân sự. Điều này cho thấy Đức nhận thức rõ ràng về mối liên hệ giữa an ninh ở châu Á và lợi ích của Berlin.

Chiến lược về Trung Quốc của chính phủ Đức nêu rõ Đức sẽ mở rộng “chính sách an ninh và hợp tác quân sự với các đối tác thân thiết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”; nhấn mạnh cam kết của Đức trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chiến lược nhấn mạnh: “Đức có lợi ích trong việc bảo vệ hàng hóa công toàn cầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong dài hạn”. Chuyên gia Ian Chong cho rằng những cam kết mà Đức đưa ra trong chiến lược của mình phản ánh thực tế nước này hiểu rõ mối liên hệ giữa an ninh ở châu Á và lợi ích của Đức. Ông nói: “Công nhận thực tế đó, Đức đang cố gắng chứng minh rằng họ là một đối tác tích cực và quan tâm, mang lại lợi ích về an ninh”.

Trong những năm gần đây, Đức đã bắt đầu tăng cường các cam kết an ninh của nước này đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm 2021, Đức đã triển khai tàu chiến đầu tiên đến Biển Đông sau gần 20 năm vắng bóng. Năm 2022, Đức đã điều 13 máy bay quân sự tham gia các cuộc tập trận được tổ chức tại Australia. Tháng 7/2023, Đức đã lần đầu tiên cử binh sĩ tham gia một cuộc tập trận quân sự chung ở Australia. Ngay trước khi binh sĩ Đức lên đường sang Australia, Tư lệnh Lục quân Đức Alfons Mais nhấn mạnh: “Đó (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) là một khu vực có tầm quan trọng cực kỳ lớn đối với Đức cũng như Liên minh châu Âu do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế”.

Một vấn đề quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đề cập trong chiến lược của Đức là duy trì hiện trạng ở Eo biển Đài Loan, một trong những điểm nóng lớn nhất của khu vực. Trong bản chiến lược về Trung Quốc, Đức nhấn mạnh rằng Berlin đang nỗ lực giảm căng thẳng xung quanh Đài Loan vì an ninh ở Eo biển Đài Loan “có tầm quan trọng thiết yếu đối với hòa bình và ổn định trong khu vực và xa hơn nữa”.  Chiến lược về Trung Quốc của Đức khẳng định: “Hiện trạng ở Eo biển Đài Loan chỉ có thể được thay đổi bằng các biện pháp hòa bình và sự đồng thuận của cả hai bên”, đồng thời nhấn mạnh leo thang quân sự cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Đức và châu Âu.

Giới phân tích nhận định quan điểm mạnh mẽ của Berlin chỉ trích đích danh những hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông nhắm vào Manila được bà Ngoại trưởng Annalena Baerbock đưa ra trong chuyến thăm Philippines vừa qua là những phát triển mới trong chiến lược đối với Trung Quốc của Đức trên vấn đề Biển Đông. Cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực sẽ tác động nhiều tới chính sách của Berlin đối với khu vực. Để phát huy vai trò ngày càng cao trên các vấn đề an ninh ở Biển Đông, không loại trừ khả năng bước tiếp theo của Đức sẽ là tiến tới một thỏa thuận hợp tác quốc với Philippines giống như thỏa thuận mà Philippines đã có với Mỹ và Australia cũng như Nhật Bản và Pháp đang tiến hành đàm phán.

Trong chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đầu tháng 12/2023, Paris và Manila nhất trí tiến hành đàm phán về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng, qua đó tạo điều kiện cho Pháp can dự sâu hơn vào Biển Đông. Cùng với Pháp, Đức có vai trò quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Việc Đức “nổ phát súng” đầu tiên trên vấn đề Biển Đông trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc khích lệ các nước châu Âu, các thành viên NATO khác can dự ngày càng mạnh mẽ vào Biển Đông. Điều này có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuyên gia Ian Chong của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể hưởng lợi từ sự hiện diện ngày càng tăng của Đức và các quốc gia thành viên NATO khác trong khu vực vì sự can dự của họ vào các vấn đề an ninh có thể mang lại cho các quốc gia khu vực nhiều lựa chọn hơn khi họ cố gắng tìm hướng đi trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, hiện 4 quốc gia trong khu vực khác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đang có sự hợp tác chặt chẽ với Đức và NATO là những yếu tố quan trọng đối với an ninh khu vực và Biển Đông. Sự phối hợp này sẽ trở thành đối trọng với Trung Quốc trong khu vực và có thể giúp ngăn chặn các hành động nguy hiểm hơn của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như trong khu vực. Chúng ta cùng hy vọng một làn sóng các nước châu Âu hay NATO sẽ tiếp tục có thái độ mạnh mẽ hơn và can dự sâu hơn vào Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới