Tuesday, January 21, 2025
Trang chủBiển nóngXung đột trên biểnNhững dấu hiệu khiến Biển Đông khó yên ả trong năm 2024

Những dấu hiệu khiến Biển Đông khó yên ả trong năm 2024

Năm 2023 khép lại với những căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippines chưa có hồi kết, đặc biệt cuộc đấu khẩu giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và Philippines trong mấy ngày cuối năm 2023 là những dấu hiệu về một Biển Đông khó bình yên trong năm 2024, thậm chí có nguy cơ châm ngòi cho cuộc xung đột trên Biển Đông.

Trong cuộc điện đàm ngày 20/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo người đồng cấp Philippines Enrique Manalo rằng “Mối quan hệ Trung Quốc-Philippines đang ở ngã 3 đường”. Ông Vương Nghị nhấn mạnh với Ngoại trưởng Manalo rằng Trung Quốc sẽ “kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình” và “kiên quyết đáp trả” nếu Philippines “cấu kết với các thế lực độc hại bên ngoài để tiếp tục gây rắc rối và hỗn loạn”. Ông Vương Nghị nhận định “những khó khăn nghiêm trọng” trong quan hệ song phương là do Philippines thay đổi lập trường chính sách và từ bỏ các cam kết, đồng thời khuyên Manila “quay trở lại con đường đúng đắn” càng sớm càng tốt. Thông điệp này được đưa ra sau một loạt các cuộc chạm trán “gây tranh cãi” ở Biển Đông, bao gồm cả cáo buộc rằng tàu Trung Quốc đâm vào tàu hộ vệ và phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines.

Ngày 20/12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro chỉ trích Trung Quốc vì cáo buộc Philippines kích động căng thẳng và khuấy động rắc rối ở Biển Đông. Bộ trưởng Gilberto Teodoro nhấn mạnh: “Sự thật và thực tế là không có quốc gia nào trên thế giới, không một ai, rõ ràng ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông”.

Phản ứng trước phát biểu của ông Vương Nghị, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội Philippines ngày  21/12, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ đứng lên chống lại “sự áp bức” ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các cuộc đối đầu gần đây trên biển là “sự thể hiện đáng tự hào về lòng dũng cảm của người Philippines trước sự áp bức và quyết tâm vững chắc của chúng tôi trong việc bảo vệ, giữ gìn và duy trì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”. Ông Marcos nhấn mạnh Philippines sẽ tiếp tục khẳng định các quyền của nước này theo luật pháp quốc tế; đồng thời kêu gọi lực lượng vũ trang tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác hiện có với các đối tác nước ngoài. Phát biểu của ông Marcos cho thấy Philippines sẽ không lùi bước trước sức ép của Bắc Kinh mà sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật Bản, Úc….

Quyết tâm này của Philippines được thể hiện ngay tại cuộc họp ngày 21/12 giữa chỉ huy quân đội Philippines và Nhật Bản trao đổi về “những vấn đề cấp bách đối với an ninh trong vùng” và việc cần phải xây dựng một liên minh chống mọi hành động xâm lược, kể cả ở Biển Đông.

Trên thực địa, trong năm 2023, các tàu của Trung Quốc và Philippines nhiều lần đụng độ trên biển. Từ đầu tháng 8/2023, Manila liên tục cáo buộc lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc ngăn chặn tàu tiếp tế của Philippines đang làm nhiệm vụ ở khu vực Bãi Cỏ Mây, thậm chí nhiều lần phun vòi rồng hay ‘cố tình’ đâm và làm hư hại nghiêm trọng các tàu tiếp tế của Philippine. Trong khi đó, phía Trung Quốc gọi những cáo buộc này là “nói quá lên một cách sai hoàn toàn”.

Phát biểu tại họp báo, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô Khiêm cho biết Manila nhất quyết cho tàu “xâm nhập” vào vùng biển gần bãi cạn tranh chấp và “chủ động đâm” một tàu hải cảnh Trung Quốc. Ông Ngô Khiêm nói hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp thực thi pháp luật cần thiết mà cá nhân ông cho là “chính đáng và hợp pháp”. Ông nói: “Trung Quốc luôn cam kết giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại, tham vấn và nỗ lực chung để duy trì ổn định hàng hải”. Tuy nhiên, “chúng tôi sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những hành động khiêu khích và quấy rối lặp đi lặp lại của Philippines”. Ông Ngô Khiêm không quên chỉ trích, đổ lỗi cho Washington với phát biểu: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức ngừng can thiệp vào vấn đề Biển Đông, ngừng khuyến khích và ủng hộ sự xâm phạm và khiêu khích của Philippines, đồng thời bảo vệ an ninh khu vực bằng các hành động cụ thể”. Cùng với những phát biểu mang tính đe dọa của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng, truyền thông nhà nước Trung Quốc, bao gồm Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, có nhiều bài viết cáo buộc Philippines dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ để liên tục gây hấn với Trung Quốc.

Trong khi đó, Phát ngôn viên của quân đội Philippines Medel Aguilar khẳng định các hoạt động của Philippines không hề gây nguy hiểm cho tàu thuyền và thủy thủ; trái lại Trung Quốc mới thực hiện các động thái nguy hiểm mà đôi khi dẫn đến va chạm trên biển. Ông Medel Aguilar nhấn mạnh: “Philippines không gây hấn để kích động xung đột. Chúng tôi tuân thủ luật pháp quốc tế và chúng tôi chỉ thực thi luật pháp trong nước, nghĩa là trong giới hạn lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, nơi chúng tôi có quyền chủ quyền”; vạch trần: “Họ (Trung Quốc) chính là những người thực hiện tất cả các hành vi vi phạm”.

Đối đầu Trung Quốc-Philippines không phải là duy nhất trong các tranh chấp hàng hải đang diễn ra ở Biển Đông, Bắc Kinh còn có các hành động gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông khác như Việt Nam, Malaysia hay Indonesia, song trong năm 2023 căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila đã leo thang ở mức độ lớn hơn nhiều so với các nước khác bởi Manila sẵn sàng đẩy lùi các chiến thuật gây áp lực của Trung Quốc.

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá những gì diễn ra trong năm 2023 trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng sử dụng vũ lực để khẳng định yêu sách chủ quyền đối với các đảo, rạn san hô và vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., Philippines nhiều lần khẳng định sẽ không nản lòng trước việc nhiều lần đối đầu với lực lượng hải cảnh Trung Quốc và các cuộc phong tỏa tại Bãi Cỏ Mây cũng như các thực thể tranh chấp khác ở quần đảo Trường Sa do Manila kiểm soát. Đây là dấu hiệu cho thấy Biển Đông sẽ tiếp tục dậy sóng trong năm 2024.

Trung Quốc luôn cáo buộc Philippines tranh thủ “thế lực bên ngoài” để leo thang căng thẳng trong khu vực liên quan những gì họ cho là vấn đề song phương. Bắc Kinh đặt mục tiêu “chia để trị” trong các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra với các quốc gia khác ở Biển Đông nhằm ngăn chặn phản ứng tập thể chống lại nước này. Cho đến nay, các hành động của Trung Quốc đang nghiêng về hướng sử dụng vũ lực trực tiếp, sử dụng các tàu hải cảnh và tàu đánh cá “dân quân” trong khi vẫn giữ các tàu quân sự ở vòng ngoài. Điều này cho đến nay đã tránh căng thẳng trong khu vực leo thang, nhưng liệu điều đó có thay đổi không? Đây là câu hỏi đang khiến các nhà nghiên cứu về Biển Đông quan tâm và bày tỏ lo ngại, đồng thời đưa ra cảnh báo về những diễn biến khó lường trong năm 2024 khiến Biển Đông nổi sóng.

Ngay cả các học giả Trung Quốc – những người luôn bảo vệ quan điểm sai trái của Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông cũng cho rằng tình hình Biển Đông sẽ không bình yên trong năm 2024. Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc, nhận định căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines sẽ tiếp tục nóng lên trong vài năm tới và có thể chạm đến mức “không thể vãn hồi”. Theo ông Ngô Sĩ Tồn, những căng thẳng trên thậm chí có thể đạt đến điểm bùng phát trong bối cảnh Manila theo đuổi chính sách thân Mỹ hiện tại và Washington sẽ tăng cường can dự vào Biển Đông.

Trong năm qua, Trung Quốc cũng cho thấy nước này sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn hơn, hoặc ít nhất là tỏ ra như vậy, để thu hút sự ủng hộ trong nước từ những người theo đường lối cứng rắn. Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington CSIS nhận định: “Căng thẳng xung quanh Bãi cạn Cỏ Mây, và ở mức độ thấp hơn là ở bãi cạn Scarborough, đã tăng không ngừng trong năm qua khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn mọi hoạt động tiếp tế của Philippines và thực hiện việc đó bằng các chiến thuật nguy hiểm hơn như sử dụng tia laze, vòi rồng, thiết bị âm thanh, và đâm trực diện”.

Các quan chức an ninh Philippines lo ngại rằng bước tiếp theo của Trung Quốc có thể là chiếm Bãi Cỏ Mây và xây dựng các cơ sở quân sự ở đó giống như nước này đã làm với Đá Vành Khăn gần đó. Philippines với việc điều các đội tàu tiếp tế tới Bãi Cỏ Mây bất chấp ưu thế vượt trội về khí tài của Trung Quốc, đang kiểm tra xem Bắc Kinh sẵn sàng đi bao xa và liệu các cuộc tấn công thường xuyên của Trung Quốc vào tàu Philippines chỉ giới hạn ở mức dùng vòi rồng trong tương lai hay không.

Chuyên gia Greg Poling nói: “Chính phủ Philippines dưới thời Tổng thống Marcos quyết tâm không lùi bước trước sự bắt nạt (của Trung Quốc) và Mỹ đã nói rõ rằng nước này sẽ giúp bảo vệ Philippines nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực”. Ông Poling cho rằng sự ủng hộ của Mỹ, ít nhất là trên giấy tờ, giúp “Philippines tự tin hơn rằng nước này có thể tiếp tục phá vỡ các cuộc phong tỏa này của Trung Quốc mà không bị tàu Trung Quốc nổ súng. Cho đến nay, tính toán đó đã đúng, khiến Trung Quốc không còn lựa chọn nào hơn ngoài việc tiếp tục thực hiện trò chơi nguy hiểm này lặp đi lặp lại hàng tháng, làm xấu đi mối quan hệ với Philippines và gây tổn hại đến danh tiếng quốc tế của nước này mà chẳng mang lại lợi ích gì”. Những động thái của Philippines và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông cho thấy cả hai bên đều sẽ không lùi bước. Trong bối cảnh đó, giới quan sát nhận định cho dù cả Philippines và Trung Quốc đều tỏ ý sẵn sàng đối thoại để giảm căng thẳng, thậm chí các quan chức Trung Quốc và Philippines đang tiếp tục trao đổi nội bộ song phương về Biển Đông, song những dấu hiệu trong những ngày cuối năm 2023 kể trên cho thấy Biển Đông không thể yên ả trong năm 2024. Đây là những tín hiệu đáng lo ngại.

RELATED ARTICLES

Tin mới