Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Đông như…tàu ngầm”

“Đông như…tàu ngầm”

“Tàu ngầm nhiều như…cá” là cách nói ngoa dụ nhiều người sử dụng để phản ảnh việc nhiều quốc gia Đông Nam Á chạy đua sắm tàu ngầm như một biện pháp gia tăng sức mạnh bảo đảm an ninh quốc gia.

KRI Nagapasa-403, một tàu ngầm lớp Chang-Bogo của Hải quân Indonesia

Suy cho cùng, với các quốc gia Đông Nam Á, phát triển tàu ngầm là bất đắc dĩ. Họ phải làm thế trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị khu vực và cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, nhất là trên Biển Đông.

Cuộc đấu của hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc ví như cuộc đấu của hai con trâu mộng; ai thắng, ai thua chưa biết, nhưng không cẩn thận, những quốc gia nhỏ bé có thể thành thân phận ruồi muỗi – nghĩa là nát bét như chơi. Thế nên, “quân tử phòng thân” là điều cần phải nhớ.

Để “phòng thân”, một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam, trong vài năm nay, đã cắn răng bỏ ra những khoản tiền lớn “tậu” về những đội tàu ngầm tối tân. Như Việt Nam chẳng hạn, trước sự gia tăng gây hấn của Trung Quốc, quốc gia sở hữu hơn 3000km bờ biển, từ năm 2014, đã lần lượt tiếp nhận 6 chiếc tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo (636.1) – được ví là “hố đen đại dương” – hiện đại do Nga chế tạo, với tổng số tiền tới hơn 2 tỷ USD. Nhận định về sức mạnh tàu ngầm của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất sở hữu các tàu ngầm có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu trên đất liền, trên biển bằng tên lửa hành trình Kalibr. Như biến thể chống hạm 3M14E Klub-S có tầm bắn hơn 200km và biến thể tấn công mặt đất 3M54E có tầm bắn 300km, chẳng hạn.

Indonesia thậm chí còn có “tầm nhìn” về vai trò quan trọng của tàu ngầm từ giữa những năm 1950. Tới thập kỷ tiếp, hải quân Indonesia đã có biên đội tàu ngầm tấn công diesel-điện lên đến 12 chiếc, lớp Whisky do Liên Xô chế tạo. Khi đội tàu trên bị loại vì già nua, nước này sử dụng hai tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Cakra (Type 209) mua của Đức. Có thể vì “xót tiền” (không chỉ tiền mua tàu, mà còn duy trì, bảo dưỡng, vận hành…lên tới hàng triệu USD hằng năm) Jakatar đã và đang nỗ lực cho mục tiêu tự đóng mới tàu ngầm diesel-điện để chủ động và giảm chi phí mà vẫn bảo đảm sức mạnh răn đe trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển đảo…

Singapore – quốc gia bé tý, chẳng tranh chấp biển đảo với ai, lại là nước xếp thứ ba trong bảng xếp năng lực tàu ngầm ở Đông Nam Á – theo đánh giá của tờ Forbes cách đây chưa lâu. Đảo quốc này sở hữu biên đội tàu ngầm hiện đại nhất trong khu vực, bao gồm bốn tàu ngầm tấn công diesel-điện đều do Thụy Điển chế tạo. Cách đây không lâu, có thông tin cho biết, Singapore đã đặt mua thêm 4 tàu ngầm lớp Invincible (Type 218SG) từ Đức để gia tăng sức mạnh…

Từ năm 2009, Hải quân Hoàng gia Malaysia đã tiếp nhận chiếc tàu ngầm Scorpene đầu tiên như một phần trong kế hoạch thành lập một hạm đội tàu ngầm. Chiếc tàu đầu tiên này do công ty DNCS liên doanh với công ty Tây Ban Nha Navantia sản xuất, được mang tên KD Tunku Abdul Rahman – tên thủ tướng đầu tiên của Malaysia. Từ đó, tuy ít thông tin, nhưng, là một quốc gia có tiềm lực kinh tế, chắc chắn là chẳng có lý gì Kuala Lumpur lại không dám bạo chi để có được một biên đội tàu ngầm hiện đại, trong bối cảnh nước này cũng là nạn nhân đe dọa, quấy nhiễu của Trung Quốc.

Thậm chí, không liên quan tranh chấp chủ quyền Biển Đông, từ cách đây 5 năm, Thái Lan cũng đã ký hợp đồng mua chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc với giá hơn 408 triệu USD, và còn tính mua thêm chiếc khác với giá hơn 622 triệu USD để bảo vệ vịnh Thái Lan và phục vụ lợi ích ở biển xa. Tuy nhiên, do một số trục trặc, trong đó có khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 cùng sự thiếu thống nhất trong chính giới, gần đây, câu chuyện tàu ngầm ngãng ra, Bangkok chuyển hướng sang mua tàu khu trục, cũng của Trung Quốc…

Chuyện bảo mua, rồi lại không mua của Thái Lan không khiến dư luận quan tâm nhiều trước thông tin về động thái của Philippines gần đây. Vì sao? Vì Philippines là một trong những bên tranh chấp quyết liệt nhất, căng thẳng nhất với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, vậy mà tới tận nay, Manila chưa sở hữu một chiếc tàu ngầm nào.

Thật ra, không phải Philippines không quan tâm. Từ cách đây vài năm, có nguồn tin tiết lộ, Manila đã lên kế hoạch đẩy mạnh quá trình mua vũ khí này. Các cuộc xuống tiền mạnh tay của Hà Nội để sở hữu biên đội tàu ngầm tối tân cùng sự gia tăng các hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc càng khiến Philippines quyết tâm hơn.

Tuy nhiên, khác với Hà Nội, Manila triển khai kế hoạch một cách thận trọng. Lý do chính của sự thận trọng này, theo các chuyên gia, là Manila hiểu quá rõ sự tốn kém cũng yêu cầu khắt khe về nhân lực, kỹ thuật, khả năng vận hành của một biên đội tàu ngầm là như thế nào. Giới quân sự Philippines cho rằng, cần ít nhất 1 thập kỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm các căn cứ, cầu tàu, ụ tàu và những dịch vụ hỗ trợ khác, trước khi tiếp nhận và đưa vào hoạt động một đội tàu ngầm hiện đại. Đó là chưa kể, giới quân sự nước này còn tính tới yêu cầu phải tích hợp hệ thống quản lý chiến đấu với các nền tảng trên không, trên biển và dưới mặt nước. Nói cách khác, là phải đồng bộ, bởi bỏ ra món tiền lớn mà không mang lại hiệu quả tương xứng thì người dân xứ “nghiện” biểu tình này chẳng dễ để yên cho chính phủ.

Tuy nhiên, vẻ như tới thời điểm này, Manila đã “hòm hòm” các công việc chuẩn bị. Thế nên mới đây, phát ngôn viên Hải quân Philippine – ông Roy Trinidad – đã cho biết: sang tháng 3/2024 này, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr sẽ phê duyệt giai đoạn 3 Chương trình hiện đại hóa quân đội, trong đó có kế hoạch mua chiếc tàu ngầm đầu tiên.

Về số lượng, ông Roy Trinidad chỉ mập mờ, là “nhiều hơn 1 chiếc”. Nhưng theo các chuyện gia quân sự, Philippines chắc chắn sẽ không “bủn xỉn” tới mức đó, mà sẽ mua ít nhất 3 chiếc để đủ một biên đội sẵn sàng đảm đương vai trò răn đe chiến lược trên biển (tất nhiên, là với tầm mức của một quốc gia như Philippines).

Cuộc chạy đua phát triển tàu ngầm của các nước Đông Nam Á xem ra chưa chắc đã dừng lại. Mỗi nước đều có lý do chính đáng để sở hữu nhưng đội tàu ngầm hiện đại, tối tân để bảo vệ lợi ích, thách thức lại những đòn gây hấn nếu có. Nhưng điều đó đồng nghĩa tình hình Biển Đông thêm yếu tố phức tạp hơn.

Nói dại, lỡ xảy ra tình huống mất kiểm soát trên Biển Đông, khi đó tàu ngầm không còn là công cụ răn đe nữa; tên lửa, ngư lôi trên tàu ngầm được khai hỏa…, chẳng ai có thể hình dung hậu quả sẽ thế nào.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới