Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaPhân tích kế hoạch dài hạn của TQ nhằm thống trị Biển...

Phân tích kế hoạch dài hạn của TQ nhằm thống trị Biển Đông

Sau khi bồi đăp mở rộng các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, xây dựng các đảo nhân tạo, biến chúng thành các tiền đồn quân sự, Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, đồng thời tăng cường hoạt động hung hăng của lực lượng hải cảnh và dân quân biển. Hiện có thể thấy Trung Quốc đang có lực lượng áp đảo ở Biển Đông, đe dọa hòa bình ổn định và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng điều này nằm trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm thống trị Biển Đông.

Từ đầu Thế kỷ 20, khi Quốc Dân đảng còn cầm quyền ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã có một chiến lược phát triển về hướng Biển Đông. Năm 1948, Trung Hoa Dân quốc do Quốc Dân đảng nắm quyền đã đơn phương vẽ ra “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Năm 1949, sau cuộc nội chiến, Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền ở Bắc Kinh còn Quốc Dân đảng chạy ra đảo Đài Loan. Chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh đã tiếp tục thúc đẩy yêu sách “đường lưỡi bò” mà Quốc Dân đảng đã vẽ ra trước đó. Chính quyền Bắc Kinh “đục nước béo cò” đã tranh thủ lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, chuyển giao quyền lực cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa để chiếm giữ một nửa Hoàng Sa từ năm 1956. Sau đó tận dụng thời điểm chính quyền Washington rút khỏi Việt Nam, bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa Bắc Kinh sử dụng vũ lực tấn công và chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974.

Năm 1988, khi Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa xã hội Đông Âu bắt đầu tan rã, Trung Quốc mở đường xuống quần đảo Trường Sa bằng một cuộc tấn công quân sự đối với Việt Nam ở đá Gạc Ma và một số thực thể khác. Từ đó, Trung Quốc phát triển các căn cứ quân sự ở Trường Sa thành một mạng lưới, giúp họ chiếm ưu thế tuyệt đối trong khu vực. Ngày nay, Trung Quốc phát triển một mạng lưới các căn cứ quân sự với thiết bị hiện đại ở Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện Bắc Kinh đang sử dụng các căn cứ này để thúc đẩy yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm gần 90% diện tích Biển Đông, lấn sâu vào vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông. Trung Quốc cũng dựa trên “đường lưỡi bò” để ngăn cản các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của các nước Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia….

Trung Quốc đã có tham vọng biển từ đầu và giữa thế kỷ 20. Tham vọng đó được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau của họ thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hơn. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1958 họ đã tham gia đầy đủ các hội nghị về công ước quốc tế về luật biển. Lúc đó còn tranh cãi rất nhiều về chiều rộng lãnh hải. Một số quốc gia Nam Mỹ đưa ra quan điểm là lãnh hải có 200 hải lý, Hoa Kỳ thì đưa ra quan điểm lãnh hải chỉ có 3 hải lý. Còn Trung Quốc đưa ra quan điểm lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý. Sau này Luật biển của Liên hợp quốc thừa nhận lãnh hải có 12 hải lý. Điều này cho thấy ý đồ chiến lược của Trung Quốc đối với lãnh thổ biển. Bắc Kinh đưa ra con số 12 hải lý này là có sự tính toán của họ.

Trung Quốc đã có nhiều chiến lược phát triển biển ngay từ 1982 mà người xây dựng là ông Lưu Hòa Thanh, Đô đốc hải quân khi đó. Đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hoạt động tiến ra biển đầu tiên là nhắm vào Đài Loan. Khi nhắm vào Đài Loan, họ gặp ngay thế mạnh thượng phong của Hải quân Hoa Kỳ, đồng minh của đảo quốc này. Khi xảy ra đụng độ đảo Kim Môn, Mã Tổ năm 1958 thì nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã dặn dò con cháu là tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, đặc biệt là trên biển.

Trong lịch sử, Trung Quốc thường thống trị các quốc gia khác, nhưng kể từ khi bị phương Tây tấn công từ phía biển Trung Quốc trở thành kẻ bị thống trị. Đó là một nỗi đau, nỗi nhục của người Trung Quốc mà họ muốn rửa nhục. Trung Quốc thấu hiểu một điều rằng muốn trở thành cường quốc thì phải phát triển về phía biển. Đó là lý do vì sao Trung Quốc rất thèm muốn độc chiếm Biển Đông để làm cửa ngõ tiến ra ngoài, vượt qua chuỗi đảo thứ nhất tiến tới chuỗi đảo thứ hai.

Nếu như mục tiêu chiến lược biển của Trung Quốc thời kỳ trước 1985 chỉ đơn thuần là phòng vệ bờ biển thì sau năm 1985, mục tiêu này được phát triển thành phòng vệ biển gần và từ giữa những năm 2000 cho đến nay là hoạt động biển xa. Dưới thời của Tập Cận Bình, Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 3/2013 đã đề ra chiến lược xây dựng cường quốc hải dương, chính thức đưa vấn đề phát triển hải dương trở thành chiến lược quốc gia, nhấn mạnh việc xây dựng cường quốc biển là sự lựa chọn tất yếu để bảo vệ lợi ích quốc gia và thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Phương hướng phát triển này được định vị bằng khái niệm “chiến lược hải dương xanh” mang hàm ý rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã mở rộng ra biển, và trở thành cường quốc biển là một bước trên con đường đạt tới địa vị cường quốc thế giới của Trung Quốc. Việc phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc trở nên đặc biệt đáng chú ý hơn sau khi nước này thông qua chiến lược cường quốc biển năm 2013. Theo đó, Trung Quốc liên tục có những động thái hung hăng, xâm phạm chủ quyền và lợi ích của các nước láng giềng khác nhằm hiện thực hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông.

Từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nạo vét, bồi đắp mở rộng các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông, xây dựng các đảo nhân tạo với những đường băng, cầu cảng lớn phục vụ cho máy bay chiến đấu và tàu chiến; bố trí các vũ khí, trang thiết bị quân sự. Trên thực tế, các đảo nhân tạo này đã trở thành những đồn điền quân sự để từ đó Trung Quốc có thể triển khai các hoạt động hung hăng với các nước láng giềng khắp Biển Đông.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017 đánh dấu một bước phát triển mới trong chính sách xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc với việc xác định Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ. Trong bối cảnh Tòa Trọng tài vụ kiện Philippines khởi kiện Trung Quốc ra phán quyết ngày 12/7/2016 bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có yêu sách “đường lưỡi bò”, chính sách biển của Bắc Kinh kể từ sau Đại hội XIX đã tạo một sức ép to lớn lên các quốc gia trong và ngoài khu vực. Theo đó, một mặt Bắc Kinh trà đạp lên các quyền và lợi ích hợp pháp của các nước láng giềng ven Biển Đông, dồn ép các nước này ngồi vào bàn đàm phán song phương với Bắc Kinh, thúc ép các nước “cùng khai thác” với Bắc Kinh trong những vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước láng giềng theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; mặt khác họ tìm cách đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông để dễ bề bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông.

Kể từ giữa thập kỷ thứ 2 của Thế kỷ 21 trở lại đây, cùng với việc xây dựng tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo được bồi đắp từ các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, Bắc Kinh còn gia tăng các hoạt động diễn tập quân sự với sự tham gia của tàu ngầm, tàu sân bay, trong đó có nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật, kể cả tên lửa ở Biển Đông. Đánh giá về các hoạt động quân sự của Trung Quốc, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trên Biển Đông, không chỉ với các nước Đông Nam Á mà còn với cả Hoa Kỳ.

Trong một bài viết năm 2020, ông Greg Poling nói rằng xét về thế trận quân sự trên Biển Đông, nhờ các căn cứ trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng, nếu xảy ra một cuộc đụng độ quân sự (giả định) trong khu vực này, Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm soát vùng biển và vùng trời. Theo ông Greg Poling, Hoa Kỳ chưa có được sức mạnh này trên địa bàn. Hoa Kỳ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém nếu muốn vô hiệu hóa những tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong một đánh giá mới đây về thế trận quân sự ở Biển Đông so với 4 năm trước đây (trong bài viết năm 2020 nói trên), Ông Greg Poling cho rằng có lẽ Mỹ không thể làm gì trong ngắn hạn hoặc trung hạn để thay đổi một thực tế ngày nay rằng Trung Quốc có lợi thế đáng kể về số lượng và khả năng tên lửa, máy bay và tàu mặt nước, cũng như radar và các khả năng cảm biến khác. Nếu xảy ra bất kỳ một xung đột giả định nào trên Biển Đông thì Trung Quốc vẫn chiếm lợi thế áp đảo.

Theo ông Greg Poling, trong trường hợp xảy ra xung đột, các chiến hạm và máy bay của Mỹ sẽ rất khó hoạt động ở Biển Đông. Mỹ sẽ không có đủ đạn dược hoặc hệ thống tiếp vận dự phòng để vô hiệu hóa các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột giả định. Ông Poling cho rằng việc phát triển và triển khai các đơn vị Thủy quân lục chiến và Quân đội Hoa Kỳ có khả năng tác chiến bằng tên lửa mặt đất tầm xa hơn, dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, có thể giúp giải quyết một phần khoảng cách chênh lệch này. Bởi vì cách làm này có thể tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với các tàu mặt nước của Trung Quốc. Nhưng, điều đó vẫn không đủ để cho phép Hoa Kỳ triển khai tàu và máy bay hoạt động ở Biển Đông theo cách quen thuộc.

Nhằm triển khai kế hoạch thống trị Biển Đông, bên cạnh việc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc đang tăng cường hoạt động của lực lượng hải cảnh và dân quân biển trên Biển Đông. Điều này được thể hiện trong các hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm vào Philippines trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay.

Ngày 31/1/2024, Hải quân Philippines đã phát hiện từ 15-25 tàu chiến Trung Quốc tại khu vực Đá Vành Khăn (Mischief Reef) trên Biển Đông. Trước đó, Thiếu tướng Roy Vincent Trinidad, Người phát ngôn Hải quân Philippines, ngày 30/1 cũng thông báo có khoảng 200 tàu dân quân biển ở Biển Đông, và hoạt động của đội tàu này khiến Manila lo ngại. Trong cuộc họp báo tại Trại Aguinaldo ở thành phố Quezon hôm 30/1 Thiếu tướng Roy Vincent Trinidad chia sẻ rằng số lượng tàu này không phải là điều bất thường, số lượng tàu chiến Trung Quốc được triển khai “vẫn ổn định trong 8-10 năm gần đây”. Ông Trinidad cho biết Manila không lo ngại về số tàu Trung Quốc gia tăng, mà quan ngại về “hoạt động của lực lượng này”. Tóm lại, với vị trí địa chiến lược quan trọng và tài nguyên phong phú, Biển Đông luôn nằm trong kế hoạch dài hạn để đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Độc chiếm Biển Đông là mưu đồ xuyên suốt của Bắc Kinh: từ việc sử dụng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa tới đánh chiếm một số thực thể thuộc Trường Sa để đặt chân ở Biển Đông theo cách “cáo gửi chân”; tiếp đó là việc cải tạo các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông, đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông; và hiện nay là sử dụng các đồn điền quân sự trên Biển Đông để triển khai các hoạt động hung hăng, gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông…. Đây không phải là những hành động ngẫu nhiên mà nằm trong tính toán lâu dài trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông. Hành vi của Trung Quốc trong suốt 50 năm qua đã trở thành hệ thống và có xu hướng ngày càng hung hăng và trong đó mỗi hành động trở thàn một công cụ, một sách lược trong chiến lược độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Tất cả những điều này cho thấy quyết tâm to lớn của Trung Quốc theo đuổi tham vọng thống trị Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới