Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBãi Tư Chính và âm mưu “Bất chiến tự nhiên thành”

Bãi Tư Chính và âm mưu “Bất chiến tự nhiên thành”

Trong những năm qua, nhất là từ năm 2019, Trung Quốc liên tục đưa tàu lớn vào khu vực Bãi Tư Chính – một khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. Không hẳn là cho tàu bè và lực lượng Hải cảnh vào để quấy phá, mà mục tiêu của Trung Quốc lớn hơn, xa hơn nhiều.

Trong các mục tiêu đó, bao trùm lên hết thảy là điều mà người Trung Quốc thường hay nói “Bất chiến tự nhiên thành”, có nghĩa là không cần phải đánh đấm gì vẫn thành công. Nhìn từ quan điểm chiến lược có thể thấy, Trung Quốc từ lâu đã thông qua các chiến dịch “tam chủng chiến pháp” (sử dụng tâm lý chiến, dư luận chiến và pháp lý chiến) ngay tại thực địa và ở các diễn đàn ngoại giao để nhận xằng những vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác thành của mình.

Bãi Tư Chính do đâu hóa thành … Vạn An Bắc (của Trung Quốc) là do vin vào cái lý sự cùn này.

Bãi Tư Chính dài 63km và rộng 11km, cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Theo UNCLOS, một quốc gia ngoài vùng nội thủy và lãnh hải thì từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven bờ được quyền có vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý và có vùng thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý và tối đa là không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đằng sau 2.500m nước một khoảng cách là 100 hải lý.

Luật pháp hay “luật rừng” khi vùng thềm lục địa của Trung Quốc kéo dài đến tận bãi Tư Chính?

Hôm 18/2 theo thông tin của SeaLight Project – một tổ chức chuyên theo dõi tình hình Biển Đông có trụ sở ở Mỹ- Trung Quốc đã điều tàu hải cảnh đi vào khu vực các lô dầu khí của Việt Nam ở vùng biển Bãi Tư Chính. Hồi đầu tháng 1/2024, Hải cảnh Trung Quốc cũng đã điều tàu lớn nhất, với lượng giãn nước 12.000 tấn, tiến vào cùng biển chung quanh bãi đá ngầm này.

Việt Nam là nước duy nhất có sự hiện diện ở khu vực bãi ngầm Tư Chính thông qua hệ thống 5 nhà giàn. Các nhà giàn này được xây dựng trong những năm 1989 đến 1995. Hiện tại 3 nhà giàn vẫn đang vận hành.

Hà Nội chủ trương xây nhà giàn không chỉ để khẳng định chủ quyền, mà đã tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí khu vực này từ khá sớm. Dầu mỏ đã được tìm thấy lần đầu ở Bãi Tư Chính vào năm 1994.

Thấy rõ nguồn lợi lớn, trong những năm qua, Trung Quốc đã liên tiếp tìm cách cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực này. Việt Nam vì quan hệ ngoại giao, vì “đại cục” mà phải “vừa trói vừa đánh khen hay chịu đòn”, buộc phải hủy các hợp đồng thăm dò với các công ty nước ngoài, chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế. Vào năm 2020, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã phải hủy các hợp đồng thăm dò với hai công ty nước ngoài là Repsol và Noble, sau đó hai công ty này đã kiện, đòi Hà Nội phải bồi thường.

Vậy là Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn cản các công ty thương mại hợp tác với phía Việt Nam. Bây giờ nếu tiến hành các hoạt động thăm dò mới sẽ rất tốn kém và gặp không ít rủi ro. Hiện tại, quan hệ Nga – Trung Quốc đang ấm lên do lợi ích của hai bên, cho nên có ý kiến lo ngại, Bắc Kinh dễ dàng thuyết phục Moscow từ bỏ các hợp tác về khai thác dầu khí với Việt Nam.

Nhiều khả năng Nga sẽ gật đầu để tránh va chạm với ông bạn lớn, bởi vì họ đang cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong cuộc chiến với Ukraine. Khi đã ép các công ty nước ngoài từ bỏ hợp tác với Việt Nam, Trung Quốc sẽ tiến tới ép buộc Việt Nam phải hợp tác với chính họ trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính, và các khu vực khác trên Biển Đông.

Vô hình trung là đã công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực này.

Có nhà nghiên cứu nêu luận điểm: “Chi phí cơ hội” là thứ mà Việt Nam đang phải gánh chịu trước chiến lược của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính. Việt Nam đang gặp phải sự cản phá, không thể khai thác tài nguyên mà họ cần, đó là nguồn cung năng lượng, và khí đốt. Nguyên nhân chính là sức ép từ Trung Quốc.

Trước mắt là những mục tiêu về kinh tế, lâu dài, Trung Quốc đang âm mưu “viết lại Luật biển”. Để có thể nuốt trọn Biển Đông, Bắc Kinh đã triển khai các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông nói chung, Việt Nam nói riêng.

Bất chấp phán xét của Tòa trọng tài quốc tế Liên hợp quốc, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách “Đường lưỡi bò” chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Nhiều năm qua họ vẫn tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý này bằng lập luận ngụy biện rằng: Đây là biên giới biển do lịch sử để lại, xuất hiện trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, vì vậy nó không chịu tác động bởi Công ước này.

Bắc Kinh tuyên bố, họ có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở vùng biển nằm trong đường biên giới này. Cụ thể, Trung Quốc có chủ quyền đối với “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông – bao gồm Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa (Pratas) và Trung Sa (vùng bãi cạn Macclesfield). Vì lẽ đó, theo UNCLOS 1982, Trung Quốc có quyền mở rộng phạm vi các “vùng biển có liên quan” của Tứ Sa ra đến biên giới biển theo “đường lưỡi bò” nêu trên (!)

Sự giải thích và áp dụng này hoàn toàn sai trái. Không ai có thể “viết lại Luật biển quốc tế” một cách phi khoa học như thế! Không ai để Trung Quốc dễ dàng “làm chủ cuộc chơi” như thế!

Câu chuyện về Bãi Tư Chính mà chúng ta bàn tới hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới