Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLàn sóng hạ lãi suất sắp bùng nổ trên toàn cầu

Làn sóng hạ lãi suất sắp bùng nổ trên toàn cầu

Làn sóng nâng lãi suất đã thống trị nền kinh tế thế giới từ năm 2022, ngoại trừ Nhật Bản. Trong bối cảnh lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt, liệu sẽ có đợt hạ lãi suất trên toàn cầu trong năm nay?

Lạm phát hạ nhiệt

Trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, Ngân hàng Trung ương các nước phát triển phát đi thông điệp quá trình thắt chặt mạnh tay đã kết thúc. Chỉ riêng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương nước này vẫn kiên quyết giữ lãi suất âm và ra tín hiệu không sớm thay đổi lập trường.

Bước sang năm 2024, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng thế giới đều có chung kỳ vọng rằng chính sách tiền tệ trên toàn cầu sẽ đảo chiều.

Việc các Ngân hàng Trung ương dừng nâng lãi suất là bước ngoặt với cuộc chiến chống lạm phát năm nay. Tuy nhiên cơ quan này vẫn chần chừ trong việc tuyên bố chiến thắng và đối mặt với sự kỳ vọng quá mức của thị trường tài chính.

Trong năm qua, sự bình thường hóa của chuỗi cung ứng, thị trường hàng hóa hạ nhiệt, đặc biệt là năng lượng, đã góp phần kéo giảm lạm phát ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới.

Tại Mỹ, lạm phát tổng thể của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở mức 3,4% trong tháng 12, vẫn cao hơn mục tiêu 2% nhưng đã hạ nhiệt đáng kể từ mức 9,1% hồi tháng 6 năm 2022. Tuy vậy, lạm phát lõi, loại trừ thực phẩm và năng lượng, vẫn dao động quanh mốc 3.9%.

Còn tại Anh, lạm phát tổng thể đã giảm nhanh xuống mức 3,9% trong tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng cuối năm 2021 và hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh 11,1% hồi tháng 10 năm 2022.

Trong khi đó, ở Eurozone, lạm phát cơ sở đã hạ nhiệt từ 10,6% hồi tháng 10/2022 xuống còn 2,4% trong tháng 11 năm ngoái, rất gần với mục tiêu 2%. Tuy vậy, các quan chức tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn cảnh báo áp lực tiền lương và sự biến động của thị trường năng lượng có thể khiến lạm phát tăng trở lại.

Xu hướng hạ nhiệt của lạm phát được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong năm 2024. Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia kinh tế Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, đã đưa ra dự báo về lạm phát lõi ở Mỹ, châu Âu và một số thị trường mới nổi. Các chuyên gia dự báo rằng lạm phát có thể sẽ giảm xuống gần mức mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương trong năm tới.

Còn Michael Saunders, Cố vấn cấp cao tại công ty nghiên cứu Oxford Economics, kỳ vọng lạm phát Eurozone chạm mức 1,3% trong quý IV năm nay, Anh sẽ chạm 2,7% và Mỹ có thể về mức 2,2%.

Ông Saunders, cựu thành viên của Ngân hàng Trung ương Anh, cho rằng lạm phát sẽ trở về mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu nhanh hơn so với các khu vực khác.

Bức tranh sẽ tươi sáng hơn

Chìa khóa cho hành động của các Ngân hàng Trung ương là lạm phát. Dự báo trong năm 2024, lạm phát trên thế giới sẽ tiếp tục hạ nhiệt cùng đà giảm của giá năng lượng, sự ổn định của giá thực phẩm và thị trường lao động hạ nhiệt.

Yếu tố chính trị cũng có thể góp phần vào việc này. Năm 2024 sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc bầu cử lớn trên thế giới. Bên cạnh đó căng thẳng tại Biển Đỏ cũng có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng sức ép lên lạm phát, khiến các Ngân hàng Trung ương càng khó ra quyết định.

Lạm phát toàn cầu đang giảm nhanh hơn so với kỳ vọng. Và nếu dự báo của các nhà kinh tế học là đúng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm tới, đưa lạm phát về mức bình thường lần đầu tiên trong 3 năm trở lại đây.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo đến cuối năm 2024, lạm phát bình quân ở nhóm nền kinh tế mới nổi sẽ giảm về mức bằng hoặc gần bằng mục tiêu của hầu hết các Ngân hàng Trung ương lớn.

“Những yếu tố kéo lạm phát hạ nhiệt là giá thực phẩm, năng lượng, hàng hóa giảm. Nhưng điểm khác biệt khiến lạm phát tại Eurozone giảm nhanh hơn có thể do Mỹ và Anh vẫn phải đối mặt với áp lực lớn của thị trường lao động”, ông Michael Saunders, cố vấn cấp cao của công ty nghiên cứu Oxford Economics, nhận định.

Bức tranh lạm phát toàn cầu được cải thiện là sự đối nghịch với làn sóng lạm phát bắt đầu nổi lên trên thế giới cách đây 3 năm.

Vào năm 2021, giá cả tăng vọt vì những gián đoạn trong hoạt động sản xuất và vận tải toàn cầu, bên cạnh nhu cầu tăng cao do các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa và tiền tệ.

Tiếp đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022 đã khiến giá hàng hóa cơ bản tăng vọt, đưa lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Lạm phát ở Eurozone, khu vực rơi vào khủng hoảng năng lượng vì thiếu nguồn cung từ Nga, liên tục tăng cao.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động suy giảm do các gián đoạn liên quan tới Covid-19. Bởi vậy, nhu cầu lao động tăng lên dẫn tới tiền lương tăng mạnh, kéo theo lạm phát giá dịch vụ. Giá nhà cũng “đổ dầu vào lửa” đối với lạm phát giá dịch vụ, nhưng có độ trễ.

Khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng gần được giải tỏa, lạm phát đã dịu đi từ cuối năm ngoái, tiếp tục xuống thang trong năm nay, và xu hướng này có thể duy trì trong năm tới.

Theo ông Neil Dutta, chuyên gia của công ty nghiên cứu Renaissance Macro Research, lạm phát có thể tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2024.

“Giá năng lượng đã giảm và xét tới sự đi xuống của giá dầu diesel, chúng ta có thể chứng kiến sự giải tỏa đó lan sang giá năng lượng và thực phẩm trong những tháng sắp tới”, ông Dutta nhấn mạnh với WSJ.

Năm nay, thị trường lao động ở nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu trở lại trạng thái cân bằng, và đây là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự đi xuống của lạm phát giá dịch vụ. Xu hướng này cũng được dự báo sẽ duy trì trong năm tới.

Với lạm phát hạ nhiệt nhanh trên toàn cầu, nhà kinh tế trưởng Douglas Porter của công ty nghiên cứu kinh tế BMO Capital Markets Economics dự báo hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2024 so với năm 2023.

Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất, giá năng lượng, thực phẩm giảm cùng chuỗi cung ứng trở lại trạng thái bình thường sẽ giúp nền kinh tế thế giới tránh được suy thoái.

Khi nào sẽ diễn ra làn sóng giảm lãi suất?

Lạm phát hạ nhiệt cùng dấu hiệu chững lại của các nền kinh tế lớn có thể “dọn đường” cho các đợt giảm lãi suất trong năm tới.

Giới phân tích cho rằng các Ngân hàng Trung ương không nhất thiết phải chờ đến khi lạm phát xuống 2% mới giảm lãi. Việc giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh lạm phát tiếp tục chậm lại sẽ không phù hợp trong dài hạn.

Theo các chuyên gia, việc giữ quan điểm thắt chặt lâu quá mức cần thiết cũng sẽ kéo theo nhiều rủi ro. Điều này có thể khiến hoạt động kinh tế giảm nhanh, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và tăng nguy cơ suy thoái.

Tại cuộc họp tháng cuối cùng của năm 2023, Fed dự báo có thể giảm 75 điểm cơ bản trong năm sau, tương đương 3 đợt hạ lãi suất 25 điểm cơ bản. Trong khi đó, các nhà đầu tư kỳ vọng có 6 đợt hạ lãi suất, tổng mức giảm 150 điểm cơ bản và đợt đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 5 năm nay.

Trong buổi họp báo sau phiên họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết quá trình thắt chặt chính sách lịch sử có thể đã chấm dứt và các cuộc thảo luận về giảm lãi suất đang đến gần. Tuy nhiên, ông và các quan chức Fed cũng không loại trừ khả năng tiếp tục nâng lãi.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ cuối năm 2023, Fed cũng phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024.

“Nền kinh tế Mỹ đang vận hành tương đối tốt. Điều kiện tài chính đã nới lỏng. Lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện”, ông Dutta, chuyên gia của công ty nghiên cứu Renaissance Macro Research, nói với WSJ.

Trong bối cảnh như vậy, vị chuyên gia dự báo Fed có thể giảm lãi suất 3-4 lần trong năm tới, thay vì giảm tới 6 lần như kỳ vọng của thị trường.

“Nhưng đó là điều tốt, vì có vẻ nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm”, ông Dutta nhấn mạnh.

Còn tại châu Âu, nguồn tin của Reuters cũng cho biết ECB sẽ không thể giảm lãi suất trước tháng 6. Trong khi đó, thị trường cho rằng việc này sẽ diễn ra vào tháng 3.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vẫn tỏ ra diều hâu và dự định sẽ duy trì lãi suất cao trong một khoảng thời gian dài. Tuy vậy, với việc lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng trong tháng 11 năm ngoái, thị trường vẫn kỳ vọng BoE sẽ hạ lãi suất trong năm 2024.

Đi ngược với xu hướng của toàn cầu, Nhật Bản lại có khả năng nâng lãi suất để chấm dứt chính sách siêu nới lỏng trong năm 2024.

Ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), cho biết khả năng đạt được mục tiêu lạm phát của BoJ đang tăng dần và sẽ xem xét thay đổi chính sách nếu triển vọng đạt được mục tiêu lạm phát 2% tăng đáng kể.

Trên toàn cầu, các chiến lược gia của Ngân hàng Mỹ dự báo có 152 đợt giảm lãi suất trên toàn cầu trong năm 2024, số lượng cao nhất kể từ năm 2009.

RELATED ARTICLES

Tin mới