Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Trump thắng cử có thể là cơ hội cho TQ

Ông Trump thắng cử có thể là cơ hội cho TQ

Các nhà phân tích tin rằng những lo ngại của châu Âu về kết quả bầu cử Mỹ sắp tới có thể là cơ hội cho Bắc Kinh trong việc tiến gần hơn tới khu vực này.

Theo SCMP, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng nhận thức của châu Âu về Trung Quốc đang trở nên “hợp lý” hơn. Các nhà phân tích tin rằng những lo ngại của châu Âu về kết quả bầu cử Mỹ sắp tới có thể là một cơ hội cho Bắc Kinh trong tiến gần hơn tới khu vực này.

Tuần này, ông Vương đã tổ chức một loạt cuộc họp với những lãnh đạo và người đồng cấp châu Âu bên lề Hội nghị An ninh Munich, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và chiến sự ở Ukraine đang bao trùm diễn đàn thường niên ở thành phố nước Đức.

Ngoại trưởng hàng đầu Trung Quốc liên tục khẳng định đất nước của ông là “đối tác đáng tin cậy” của châu Âu và là “lực lượng ổn định” trong các vấn đề toàn cầu.

Theo thông tin từ phía Trung Quốc sau những cuộc gặp, các nhà lãnh đạo bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đứng đầu bộ phận đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng cam kết “phản đối” việc tách rời nền kinh tế thứ 2 thế giới.

“Phía châu Âu có thái độ tích cực trong việc tăng cường trao đổi giữa Trung Quốc và EU ở mọi cấp độ và rất nhiệt tình trong việc làm sâu sắc thêm hợp tác thực tế”, ông Vương nói khi trở về Trung Quốc ngày 21/2.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng tới Tây Ban Nha và Pháp trong chuyến đi châu Âu này. Ông nói: “Tôi cảm thấy rằng sự hiểu biết hợp lý của Châu Âu về Trung Quốc đang ngày càng tăng và họ tin rằng sự phát triển của Trung Quốc là phù hợp với logic của lịch sử”.

Cơ hội của Trung Quốc

Các nhà quan sát cho rằng những lo ngại về cuộc bầu cử Mỹ vào cuối năm nay có thể mang lại cơ hội cho Trung Quốc, khi họ nỗ lực tìm kiếm sự tin tưởng của châu Âu để bảo vệ một hệ thống quốc tế đa cực trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị với Mỹ.

Ding Chun, giáo sư chuyên ngành nghiên cứu châu Âu tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), cho rằng một số yếu tố như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới và “vai trò không thể thiếu” của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu có thể thúc đẩy EU tiếp cận một cách “hợp lý” hơn với Bắc Kinh.

“Một trong những biến số lớn nhất đối với châu Âu hiện nay, hay điều họ lo lắng nhất, thực sự là kết quả của cuộc bầu cử ở Mỹ. Bởi có thể nó sẽ ảnh hưởng đến kết cục của cuộc xung đột Nga – Ukraine”, ông Ding nói.

Những lo ngại rằng ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng đang gia tăng ở châu Âu.

Cựu Tổng thống Mỹ đã phản đối khoản tài trợ mới cho Ukraine. Hồi đầu tháng, ông tuyên bố sẽ khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì” họ muốn với bất kỳ đồng minh NATO nào không thực hiện nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng.

Ông Trump từ lâu đã phàn nàn về việc một số nước NATO khác thiếu chi tiêu quốc phòng và liên tục đe dọa rút Mỹ khỏi liên minh, làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh “Nga được khuyến khích”.

Lãnh đạo châu Âu lên án những bình luận của ông Trump. Trong khi đó, Pháp và Đức dường như đang cố trấn an Ukraine về sự ủng hộ kiên định của châu Âu bằng cách ký các hiệp ước an ninh mới và hứa hẹn thêm tài trợ dài hạn.

“Tôi cho rằng EU đang thực hiện một số chuẩn bị, đề phòng trường hợp ông Trump trở lại nắm quyền, cho dù đó là giảm bớt căng thẳng hay thực hiện một số điều chỉnh nhất định trong chính sách đối với Trung Quốc”, ông Ding cho hay.

Ông nói thêm: “EU đang ngày càng nhìn nhận mối quan hệ song phương [với Trung Quốc] theo một góc nhìn chiến lược và lý trí. Họ thừa nhận rằng Trung Quốc là một đối tác không thể thay thế, vừa là đối thủ cạnh tranh vừa là đối thủ không thể thay thế theo một nghĩa nào đó, đặc biệt là trên trường quốc tế, trong quan hệ song phương và trong các mối quan hệ ngoại vi”.

Theo vị giáo sư của Đại học Phúc Đán, EU cũng có thể lo ngại rằng nếu coi Trung Quốc hoàn toàn là đối thủ, giống như xu hướng hiện tại của Mỹ, thì điều đó có thể đẩy Trung Quốc hoàn toàn về phía Nga. “Đây là điều mà EU khó có thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, châu Âu phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ trong việc thành lập một mặt trận thống nhất nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Wang Yiwei, chuyên gia nghiên cứu châu Âu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết EU nhận ra tầm quan trọng của “quyền tự chủ chiến lược” và không sẵn sàng tuân theo chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc “một cách mù quáng”.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị ở Paris hôm 20/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp tôn trọng “quyền tự chủ chiến lược” của EU và sẵn sàng tăng cường phối hợp với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình và ổn định trước những thách thức toàn cầu.

Ông Macron đã tích cực thúc đẩy chiến lược tự chủ của EU, cho rằng khối này cần trở nên hùng mạnh hơn trên trường thế giới và hoạt động độc lập trong nhiều lĩnh vực, từ các hoạt động quân sự đến chính sách công nghiệp. Ông kêu gọi khối không nên “lệ thuộc” vào Mỹ hoặc bị cuốn vào căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

“EU rất ý thức rằng Mỹ đang lái châu Âu theo hướng đối đầu với Trung Quốc, nhưng châu Âu không sẵn sàng hoàn toàn đi theo Mỹ”, chuyên gia Wang nói.

Tuy nhiên, ông Wang cũng lưu ý rằng trong khi châu Âu nhìn nhận sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác thực tiễn với Trung Quốc trong các lĩnh vực có thể, thì mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga hay các tranh chấp thương mại với châu Âu vẫn tiếp tục gây căng thẳng cho mối quan hệ.

Mối quan hệ của Trung Quốc với các nước châu Âu đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây do mối quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh với Moskva, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine bước sang năm thứ ba.

Mặc dù có lập trường trung lập về cuộc xung đột, Trung Quốc vẫn chưa lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Có những suy đoán rằng Bắc Kinh đang xem xét việc gửi vũ khí tới Moskva, nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận.

Ngày 22/2, EU lần đầu tiên đưa 4 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì “vai trò của họ trong việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine”.

Bên cạnh đó, EU đang cân nhắc nhiều biện pháp để giải quyết thâm hụt thương mại 400 tỷ euro (tương đương 430 tỷ USD) với Trung Quốc, bao gồm cả một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc giá rẻ đang tràn vào thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, giáo sư Ding cho rằngTrung Quốc và EU có “sự hiểu biết” lẫn nhau để không để những tranh chấp chi phối mối quan hệ tổng thể.

Ông nói: “Miễn là hai bên không đối đầu chiến lược với nhau, hoặc nếu hai bên muốn sử dụng những tranh chấp này làm đòn bẩy thì sẽ luôn có thể đưa ra các giải pháp cho phù hợp”.

RELATED ARTICLES

Tin mới