Thursday, December 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Quá tam ba bận”

“Quá tam ba bận”

Trong quá khứ, các quốc gia như Philippines đã thường xuyên bày tỏ sự lo ngại về các động thái gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 28/2 vừa qua, thêm một lần nữa, điều đó lại diễn ra.

Tàu hải cảnh Trung Quốc gần hàng rào nổi chặn lối vào bãi cạn Scarborough ngày 15/2/2024

Đích thân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr lên tiếng. “Lo ngại”, là ngôn từ nhà lãnh đạo cao nhất của Philippines sử dụng.

Chẳng phải bỗng dưng đang yên đang lành, ông Marcos tung ra một phát ngôn như thế. Nguyên do, tàu của Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR) làm nhiệm vụ tuần tra, đồng thời, tiếp dầu và cung cấp hàng hóa cho tàu cá ngư dân Philippines gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào tuần trước, đã phát hiện sự hiện diện của các tàu hải quân Trung Quốc. Bãi cạn Scaborough vốn “nóng” sẵn, thông tin trên loang ra qua báo chí càng làm cái “nóng” tăng nhiệt. Đồng thời, nó cũng khiến những người tin vào chút cái gọi là “thiện chí” còn lại của Trung Quốc, phải ngẫm nghĩ lại.

Nào đã lâu la gì để có thể quên. Tiếp theo các vụ việc gây hấn tới tấp nhằm vào Philippines trên Biển Đông, tháng 9 năm ngoái, Bắc Kinh đã cho tàu hải cảnh thả dây phao có độ dài tới 300m tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Thả để làm gì? Đề ngăn cản ngư dân Philippines tiến vào khu vực gần bãi cạn Scarborough đánh bắt cá.

Khi bị phát hiện, thoạt đầu, Trung Quốc hành xử kiểu “vừa ăn cắp vừa la làng”, lớn tiếng tố ngược Philippines “vi phạm luật biển quốc tế” và “luật pháp Trung Quốc”. Những cái loa từ Bắc Kinh chỉ im bặt khi nhận thấy có sự hiện diện của báo chí trên tàu cảnh sát biển Philippines.

Sự việc ngang ngược lần đó của Trung Quốc – quốc gia từng mặn mà một thời với Philippines thuở ông Duterte còn chễm chệ trên ghế tổng thống – đã khiến Manila nổi khùng. Bài học và những cái giá phải trả cho các lần nhân nhượng Trung Quốc trước kia, đã khiến Manila quyết tâm hành động. Theo lệnh của tổng thống Marcos, Manila đã triển khai một chiến dịch đặc biệt cắt hàng rào dây phao nêu trên tại tại Scarborough – bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng bị Trung Quốc tranh chấp, sau đó, dùng thủ đoạn để chiếm quyền kiểm soát năm 2012. Để thực hiện nhiệm vụ, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã phải đóng giả là ngư dân trên một chiếc thuyền nhỏ, và đề phòng phản ứng tiêu cực của Trung Quốc.

Điều lạ là, ngỡ Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt, vậy mà không. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tới mức, ông Tarriela, phát ngôn viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines như cũng bất ngờ. Và qua giới truyền thông, ông này còn làm cái việc ví như “biểu dương” lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã tỏ ra biết điều (?) khi tàu Philippines tiến đến gần bãi cạn. Thậm chí vài giờ sau, Trung Quốc đã “giúp” Philippines dọn nốt số dây phao còn lại, khi phát hiện ra nó không còn nối vào nhau.

Ngang ngược, lầm lì như Trung Quốc mà hành xử thế, rất có thể, họ đã “nghĩ lại” và lấy làm “ân hận”? Không ít người đã nghĩ thế trước những động thái ngược với hành xử theo thông lệ của một quốc gia từng nhiều lần được ví như kẻ võ biền và thô lỗ…

Nếu được thế, thì đã tốt. Nhiều người Philippines hẳn có thể sẵn lòng thể tất, tha thứ những hành động tội lỗi mà Trung Quốc từng gây ra cho Philippines, cũng như cho ngư dân các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực. Tiếc là thực tế sau đó có thể ví như những cú tát; những cú tát này khiến những ai tin rằng người Trung Quốc đang phục thiện, phải “vỡ mộng”.

Thực tế đó là gì? Là ngày 4/10, Trung Quốc cho tàu ngăn cản Philippines tiếp tế cho nhóm binh sĩ đang đồn trú tại khu vực bãi cạn Cỏ Mây (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hiện Philippines đang kiểm soát). Trước cáo buộc của Manila, Bắc Kinh chẳng lặng im nữa. Ngày 5-10, cảnh sát biển Trung Quốc đưa ra cảnh báo, đồng thời, dọa sẽ có “biện pháp kiểm soát cần thiết” đối với bốn chiếc tàu Philippines vừa tiếp tế cho tàu ở bãi Cỏ Mây. Thậm chí, phía Trung Quốc còn nói: “Bốn chiếc tàu của Philippines đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển thuộc bãi Cỏ Mây mà “không có sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc”. Với cách nói đó, chắc chắn, Trung Quốc có ý truyền tải thông điệp rằng: họ có quyền làm những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích và chủ quyền.

Thực tế đó là, vào trung tuần tháng 2/2024, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã có những thao tác “nguy hiểm”, khi nhiều lần ngăn chận một tàu của Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho các ngư dân Philippines đang hành nghề khai thác hải sản trên ngư trường truyền thống trong khu vực bãi cạn Scaborough. Ngăn chặn tiếp tế cho binh sĩ ở bãi Chân Mây còn có lý do, nhưng cấm đoán cả tiếp tế cho ngư dân, thì “nhân quyền” nằm ở đâu trong câu chuyện này?

Tiếp đó, câu chuyện “thả phao” quanh khu vực bãi cạn Scaborough lại được tái diễn, bị Lực lượng tuần duyên Philippines tố cáo ngày 25/2. Cũng như lần trước, lần này, việc thả phao nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác hải sản của ngư dân Philippines. Khác một điều, nay thì Trung Quốc chẳng còn “thiện chí” nữa. Như phối hợp với các hoạt động gây hấn ngoài thực địa, cùng thời điểm, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin lực lượng hải cảnh nước này vừa xua đuổi tàu mang số hiệu 3002 của Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Philippines.

Chưa đầy 2 tháng đầu năm mà đã “quá tam ba bận”, Trung Quốc triển khai những hành động gây hấn, khiến Biển Đông đã căng thẳng càng căng thẳng thêm. Vậy thì nếu được/bị yêu cầu giải thích, ai đó từng trót tin vào cái gọi là “thiện chí” của Trung Quốc, sẽ trả lời thế nào đây?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới