Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTai họa của chính sách 1 con ở TQ

Tai họa của chính sách 1 con ở TQ

Hơn 40 năm trước, một nhà khoa học tên lửa của Trung Quốc đã áp dụng mô hình toán học dùng để tính toán quỹ đạo tên lửa vào việc tính toán mức tăng trưởng dân số, và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực thi “chính sách một con” dựa trên mô hình này. Các vấn đề về dân số hiện nay ở Trung Quốc đều do “chính sách một con” mang lại, nhưng ngay cả chính quyền cũng không thể giải quyết được.

Một đứa trẻ được cha mẹ đẩy khi đang xếp hàng lên tàu tại ga Tây Bắc Kinh ở Bắc Kinh vào ngày 8/2/2024 trước dịp Tết Nguyên đán.

The Wall Street Journal ngày 12/2 đăng một bài viết dài nói rằng, ngày nay, sau 40 năm, vấn đề già hóa dân số của Trung Quốc đến sớm hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Trong một thế hệ lớn lên không có anh chị em, những người phụ nữ trẻ ngày càng ngại sinh con và số trẻ được sinh ra vẫn đang giảm theo hàng năm. Chính quyền Trung Quốc đang “đành chịu bó tay” không biết làm cách nào để thay đổi tâm lý này – tâm lý do “chính sách một con” mang lại.

Nhà khoa học tên lửa tạo ra mô hình toán học cho ‘chính sách một con’
Nhà khoa học này tên là Tống Kiện (Song Jian), từng lãnh đạo và chủ trì việc phát triển hệ thống vũ khí chống tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Ông Tống là một trong những nhà khoa học nổi tiếng của nước này chuyên nghiên cứu về vệ tinh và tên lửa. Thông tin công khai cho thấy ông Tống Kiện còn từng giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Dự án xây dựng đập Tam Hiệp.

Điều đáng ngạc nhiên là, chính nhà khoa học tên lửa này lại là người thúc đẩy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện “chính sách một con”.

Theo The Wall Street Journal, vào năm 1979, ông Tống Kiện đã đệ trình lên các quan chức ĐCSTQ bản báo cáo về việc áp dụng các mô hình toán học vào tỷ lệ sinh. Trước đó, ông này và một nhóm nghiên cứu đã tính toán ra mức độ sinh sản khác nhau sẽ ảnh hưởng như thế nào đến dân số Trung Quốc. Ông Tống chỉ ra trong báo cáo rằng dựa trên tỷ lệ một phụ nữ sinh 3 con, dân số Trung Quốc sẽ đạt 4,26 tỷ vào năm 2080.

Với các mô hình toán học được máy tính hỗ trợ và các mối quan hệ chính trị, ông Tống đã thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo cấp cao trong ĐCSTQ. Bà Susan Greenhalgh, nhà nhân chủng học tại Đại học Harvard, đã viết một cuốn sách về “chính sách một con”. Bà kể, ông Tống Kiện cho rằng tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng sẽ cản trở Trung Quốc trở thành một quốc gia hiện đại.

Bà Greenhalgh nói: “Ông ấy (ông Tống Kiện) ​​​​đã dùng những câu chuyện đáng sợ về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu – kinh tế – sinh thái sắp xảy ra để thuyết phục mọi người (giảm dân số)”.

Vào ngày 25/9/1980, ĐCSTQ yêu cầu các đảng viên hạn chế quy mô gia đình và chỉ sinh một con. “Chính sách một con” bắt đầu từ đó và được duy trì trong suốt 35 năm.

Căn cứ để ông Tống Kiện thúc đẩy “chính sách một con” là dựa trên việc áp dụng các mô hình toán học dùng để tính toán quỹ đạo tên lửa vào tính toán tăng trưởng dân số.

Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, từng ca ngợi ông Tống Kiện vì đã “thiết lập ‘thuyết kiểm soát dân số’, một ngành học mới kết hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội”.

“Chính sách một con” sau đó đã thay đổi cuộc sống của người dân Trung Quốc, Trung Quốc cũng xuất hiện hiện tượng mất cân bằng tỷ lệ nam – nữ. Các vấn đề xã hội như làng độc thân (làng toàn nam thanh niên độc thân), mua vợ, buôn bán trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, các tiểu hoàng đế (cách gọi những đứa trẻ con một được nuông chiều quá mức)… lần lượt nổi lên và đã gây ra nỗi đau cho biết bao nhiêu gia đình.

Khiếm khuyết trong mô hình của ông Tống Kiện
Ngày càng nhiều nhà nhân khẩu học và kinh tế học cho rằng “chính sách một con” đã lỗi thời và thiếu sót. Họ cho rằng tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ tự giảm khi tuổi thọ tăng và điều kiện kinh tế được cải thiện.

The Wall Street Journal cho biết một yếu tố không được xem xét trong toán học dân số của ông Tống Kiện là hành vi của con người. Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp tàn bạo như cưỡng bức phá thai, triệt sản, v.v và tuyên truyền lợi ích của ‘gia đình nhỏ’ trong nhiều thập kỷ, những điều này đã hình thành tâm lý một con lâu dài. Nhưng nếu một cặp vợ chồng chỉ có thể sinh một đứa con thì họ muốn có con trai hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, ngoài những thay đổi về văn hóa và xã hội, mô hình của ông Tống còn không tính đến các lực lượng kinh tế, chẳng hạn như những cải cách của ông Đặng Tiểu Bình đã gây ra tình trạng di cư ồ ạt đến các thành phố, điều này còn làm giảm tỷ lệ sinh nhiều hơn so với tưởng tượng.

Ông Tống Kiện ước tính đến sau năm 2035 thì dân số Trung Quốc mới bắt đầu giảm, nhưng dữ liệu chính thức cho thấy dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm vào năm 2022. Vì vậy, dự báo của ông Tống lệch hơn 10 năm so với thực tế.

Trước cuộc khủng hoảng dân số, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện “chính sách 3 con” từ năm 2021. Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình nay đã trở thành Hiệp hội Thúc đẩy sinh sản nhưng vẫn chưa thành công.

Điều này là do tình hình hiện tại ở Trung Quốc khiến nhiều người trẻ không sẵn lòng kết hôn và lập gia đình. Số lượng đăng ký kết hôn đã giảm trong nhiều năm qua. Ngay cả đối với nhiều người đã lập gia đình, việc sinh con vẫn nằm ngoài kế hoạch của họ vì họ không đủ khả năng nuôi con.

BBC đưa tin, cô Ngô (Wu), hơn 30 tuổi, sống ở tỉnh Quảng Đông, đã tính toán rằng: nuôi một đứa trẻ cần khoảng 16.000 nhân dân tệ (khoảng 55 triệu VND) mỗi tháng.

Cô Ngô nói: “Tôi không gánh vác được [số tiền ấy]”. Sau 10 năm kết hôn, cô quyết định không sinh con.

Ở Trung Quốc, ngay khi con vừa chào đời, các bậc cha mẹ đã bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc cạnh tranh khốc liệt. Từ việc mua nhà trong khu học chánh cho đến gửi con đến các trường luyện thi khác nhau, tôn chỉ của các bậc phụ huynh là “không để con mình thua ngay từ vạch xuất phát”. Sự cạnh tranh đầy áp lực này cũng đang ảnh hưởng đến suy nghĩ có nên sinh con của giới trẻ hiện đại, vì có rất nhiều người không muốn nhìn thấy thế hệ con em mình lại phải chịu nỗi đau này.

Cô Mia, sinh viên đại học 22 tuổi, nói: “Tôi không muốn đưa một sinh mệnh tới một xã hội như thế này”.

Một trở ngại khác đối với việc sinh con là tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ. The Wall Street Journal đưa tin vào hồi tháng 6/2023 rằng, một thanh niên bị một công ty công nghệ tư nhân ở Bắc Kinh sa thải vào năm 2022 cho biết, anh đã nộp hơn 200 hồ sơ và tham gia 8 cuộc phỏng vấn nhưng vẫn chưa tìm được việc. Anh này nghĩ mọi thứ sẽ tốt hơn vào năm 2023 nhưng có vẻ như mọi chuyện còn tồi tệ hơn. Anh cho biết anh không có ý định kết hôn với bạn gái cho đến khi tìm được việc làm.

Trước thực trạng xã hội Trung Quốc hiện nay, các chuyên gia cho rằng “chính sách ba con” của ĐCSTQ sẽ không thể tác động gì đến việc tăng tỷ lệ sinh.

Reuters trước đó dẫn lời ông Lý Dật Phi (Li Yifei), một nhà xã hội học tại Đại học New York ở Thượng Hải, nói rằng việc đưa ra “chính sách ba con” là do “chưa nhận thức được nguyên nhân thực sự khiến tỷ lệ sinh giảm… Không phải do chính sách hai con hạn chế người dân không được sinh thêm, mà là do ngày nay chi phí nuôi con ở Trung Quốc quá đắt đỏ. Chi phí cho nhà ở, các hoạt động ngoại khóa, thực phẩm, đi lại, tất cả các loại chi phí chồng chất. Một chính sách hiệu quả là [chính sách] cung cấp nhiều hỗ trợ và phúc lợi xã hội hơn; còn bản thân việc nới lỏng hạn mức [sinh sản] sẽ khó có thể có tác động tích cực”.

Số liệu dân số năm 2023 do Cục Thống kê Trung Quốc công bố vào tháng 1 năm nay cho thấy Trung Quốc đã có mức tăng trưởng dân số âm trong hai năm liên tiếp. Số ca sinh vào năm 2023 ít hơn 540.000 so với năm 2022. Trong năm 2023, số người qua đời vượt số người được sinh ra là 2,08 triệu người.

Chính quyền Trung Quốc cho biết số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang giảm nhanh chóng (giảm 3 triệu so với một năm trước) và thừa nhận rằng mọi người đã thay đổi quan niệm về việc sinh con và trì hoãn hôn nhân.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Victoria của Úc và Viện Khoa học xã hội Thượng Hải dự đoán, đến cuối thế kỷ này, dân số Trung Quốc sẽ chỉ còn 525 triệu người.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới