Đức đã cử phái đoàn đầu tiên đến Bình Nhưỡng kể từ khi đại sứ quán của Đức phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19, trong khi các nước châu Âu khác chuẩn bị cho việc quay lại thủ đô CHDCND Triều Tiên.
Reuters ngày 28.2 đưa tin một phái đoàn của Bộ Ngoại giao Đức hiện đang ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên trong chuyến đi nhằm kiểm tra kỹ thuật trước khi có thể mở cửa đại sứ quán trở lại.
“Họ dự tính kiểm tra địa điểm nơi Đại sứ quán Đức tọa lạc trong vòng vài ngày”, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức cho biết, đồng thời lưu ý rằng Berlin vẫn chưa có quyết định về việc khôi phục hoạt động của cơ quan ngoại giao đã đóng cửa vào tháng 3.2020.
Nhiều đại sứ quán ở Bình Nhưỡng đã đóng cửa vì không thể luân chuyển nhân viên hoặc vận chuyển vật tư trong đại dịch Covid-19. Triều Tiên đã áp đặt một số biện pháp chống dịch thuộc hàng nghiêm ngặt nhất thế giới và gần đây mới bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế.
Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh cho hay London cũng đang tìm cách cử phái đoàn đến Bình Nhưỡng. Anh đã đóng cửa đại sứ quán và rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Triều Tiên vào tháng 5.2020.
“Chúng tôi vui mừng khi một số nhà ngoại giao quay trở lại Bình Nhưỡng và hoan nghênh động thái mở lại biên giới của Triều Tiên… Chúng tôi đang thảo luận với chính phủ Triều Tiên thông qua đại sứ quán của họ ở London để nhanh chóng sắp xếp chuyến thăm của phái đoàn ngoại giao – kỹ thuật Anh”, người phát ngôn trên cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cũng tiết lộ London đã kêu gọi Bình Nhưỡng cho phép cộng đồng quốc tế, bao gồm tất cả các nhà ngoại giao, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo phi chính phủ, trở lại Triều Tiên.
Ông Peter Semneby, đặc phái viên của Thụy Điển về vấn đề bán đảo Triều Tiên, tiết lộ với Reuters rằng đã có một số tiến bộ trong nỗ lực đưa các nhà ngoại giao Thụy Điển trở lại Bình Nhưỡng, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết vì tính nhạy cảm của các cuộc thảo luận.
“Có một số diễn biến và chúng tôi hy vọng có thể sớm tái lập đại sứ quán của mình”, Reuters dẫn lời ông Semneby.
Một nhà ngoại giao giấu tên lưu ý rằng các cơ sở bị đóng cửa sẽ cần được quét dọn để phát hiện thiết bị nghe lén nếu có, cũng như tiêu diệt côn trùng và tu sửa sau thời gian bỏ hoang.
Theo NK Pro, một tổ chức nghiên cứu chuyên theo dõi Triều Tiên có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc), tính đến tháng 1.2023, 9 quốc gia có đại sứ quán hoạt động ở Bình Nhưỡng.
T.P