Thursday, May 2, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đang dùng sức mạnh với các nước láng giềng để áp...

TQ đang dùng sức mạnh với các nước láng giềng để áp đặt nguyên trạng mới ở Biển Đông

Đúng như dự báo, tình hình Biển Đông nóng lên trong những ngày qua. Trung Quốc đang gia tăng sức ép với các nước láng giềng ven Biển Đông, nhất là Philippines và Việt Nam từ đầu năm tới nay để áp đặt “luật chơi” của riêng mình ở Biển Đông.

Mặc dù trong tháng 1/2024, Ngoại trưởng Philippines và Trung Quốc đã đồng ý cải thiện liên lạc và giải quyết những khác biệt bằng ngoại giao. Trong cuộc họp lần thứ 8 của Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc-Philippines về Biển Đông tại Thượng Hải hôm 17/1/2024 giữa Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nong Rong và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Theresa Lazaro, hai bên cùng cho rằng tranh chấp Biển Đông “không phải là toàn bộ câu chuyện của quan hệ song phương”; tin rằng “duy trì liên lạc và đối thoại là điều cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định trên biển”; nhất trí “bình tĩnh giải quyết các sự cố, nếu có, thông qua kênh ngoại giao”. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông 2 tháng qua không diễn ra như vậy, Trung Quốc tiếp tục tăng cường các hoạt động hung hăng nhằm vào Philippines ở Biển Đông.

Nếu như trong năm 2023, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tập trung ở vùng biển xung quanh bãi Cỏ Mây và chỉ có 2 vụ việc va chạm xảy ra ở khu vực bãi cạn Scarborough (một vụ thợ lặn Philippines cắt hàng rào phao nổi mà Bắc Kinh lắp đặt trên bãi cạn Scarborough hôm 26/9/2023; và vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu công vụ của Philippines hồi tháng 12/2023), thì từ đầu năm đến nay, tình hình ở khu vực bãi Cỏ Mây có vẻ lắng xuống, các tàu của Philippines thực hiện các chuyến tiếp tế cho binh lính đóng trên tàu BRP Sierra Madre dễ dàng hơn, căng thăng lại tập trung ở khu vực bãi cạn Scarborough. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2024, đã liên tiếp xảy ra 3 vụ đối đầu giữa các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển Trung Quốc với các tàu của Philippines ở khu vực này.

Ngày 12/1/2023, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã dùng sức mạnh đuổi tàu cá Philippines do ông Joely Saligan làm Thuyền trưởng ra khỏi Bãi cạn Scarborough bằng những hành động thô bạo. Cuộc đối đầu xảy ra trên một mỏm san hô nhô lên khỏi mặt biển giống như một hòn đảo nhỏ khi thủy triều xuống. 5 hải cảnh Trung Quốc, trong đó có 3 người được trang bị dùi cui thép, đã đi thuyền theo xuống đảo và ra lệnh cho họ thả cá và sò đã đánh bắt được xuống biển trước khi rời đi. Một nhân viên hải cảnh Trung Quốc định tịch thu điện thoại di động của một ngư dân Philippines trên tàu, nhưng người này chống cự bằng cách đẩy tay viên chức này ra. Theo thông báo của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, vụ việc đã được Thuyền trưởng Joely Saligan báo cáo lại và cung cấp video.

Trong một cuộc họp báo, Người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines – Tướng Jay Tarriela nhấn mạnh: “Những hành động đó thực sự bất hợp pháp, và hành vi quấy rối mà họ gây ra với ngư dân Philippines của chúng tôi là không thể chấp nhận được”. Ngày 22/1/2024, ông Jonathan Malaya – Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines – ngày 22/1 nói rằng Philippines lên án “hành động khiêu khích” hôm 12/1 của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đối với ngư dân Philippines.

Đầu tháng 2/2024, lực lượng hải cảnh và các tàu dân quân hàng hải của Trung Quốc đã liên tiếp quấy rối và ngăn chặn tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tiến hành tuần tra quanh bãi cạn Scarborough. Theo thông báo của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, 4 tàu Trung Quốc đã theo dõi tàu Philippines hơn 40 lần, nhiều lần tàu Trung Quốc đã thực hiện các động tác nguy hiểm, thậm chí 2 lần cắt ngang qua mũi tàu Philippines. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc đã đe dọa tàu của Cục làNghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines (BFAR), “chặn tàu này hoạt động” trong phạm vi cách bãi cạn Scarborough 1,3 hải lý (khoảng 2,4 km), và thậm chí còn áp sát con tàu của Philippines.

Ngày 22/2, công ty Maxar Technologies công bố các hình ảnh chụp vệ tinh cho thấy một hàng rào phao nổi đã được căng tại lối vào bãi cạn Scarborough, ngăn lối vào bãi cạn khiến các tàu cá của Philippines không thể đi qua. Người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Jay Tarriela cho biết: “Chúng tôi cho rằng (hàng rào đó) nhằm cản trở các tàu của chính quyền Philippines bởi họ thường căng rào chắn mỗi khi thấy chúng tôi xuất hiện tại Bajo de Masinloc (cách Philippines gọi Bãi cạn Scarborough)”. Ông Tarriela cũng cho biết Trung Quốc đã dỡ bỏ hàng rào dây phao chỉ vài giờ sau khi tàu của Philippines rời đi. Các bức ảnh chụp không cho thấy rõ rào chắn chắc chắn đến mức nào và liệu nó có gây trở ngại cho các tàu chiến lớn hơn hay không.

Ngày 26/02, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tố cáo Philippines xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, đe dọa sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh tại Biển Đông; nói rằng: “Đảo Hoàng Nham” (tên Trung Quốc đặt cho Bãi cạn Scarborough) là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc… Gần đây, phía Philippines đã có một loạt hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc” tại vùng biển lân cận. Ông Mao Ninh nói thêm: “Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải”. Trong khi đó, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” của chính quyền Bắc Kinh chỉ trích “Philippines đã lạm dụng và đơn phương phá hoại nền tảng thiện chí của Bắc Kinh đối với Manila” vốn cho phép ngư dân Philippines hoạt động gần đó, bằng cách hành động ngược lại chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo “nếu những hành động khiêu khích như vậy tiếp diễn, Trung Quốc có thể buộc phải thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để kiểm soát tình hình”.

Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, được biết đến là một khu vực dồi dào nguồn hải sản, lâu nay vẫn là điểm nóng ở Biển Đông trong tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Manila. Năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn này sau những va chạm với Philippines. Bắc Kinh không ngần ngại tố cáo Manila xâm phạm “chủ quyền” của họ mỗi lần có sự cố va chạm tại vùng biển này. Từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên cầm quyền, tháng 06/2022, Philippines thể hiện thái độ mạnh mẽ và cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông, đã nhiều lần phản đối việc tàu Trung Quốc hiện diện tại Scarborough

Liên quan tới những hành động mới của Bắc Kinh ở khu vực bãi cạn Scarborough, ông Ian Storey, thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, bình luận: “Những gì chúng ta đang thấy ở Bãi cạn Scarborough hiện nay có thể là sự khởi đầu cho những phản ứng của Bắc Kinh trước thái độ cứng rắn của Manila”. Ông Ian Storey nhấn mạnh: “Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá ở Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn bất hợp pháp…. Phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 đã trao cho ngư dân của cả hai nước quyền đánh bắt cá tại đây. Manila chỉ đơn thuần ủng hộ các quyền hợp pháp của ngư dân Philippines”.

Không dừng lại ở những hành động gây hấn với Philippines, từ đầu năm tới nay các tàu hải cảnh Trung Quốc còn liên tục xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Từ tháng 12/2023, tàu hải cảnh Trung Quốc mang ký hiệu CCG 5901 đã liên tiếp xâm nhập vùng biển bãi Tư Chính thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam trong suốt một tháng trời. CCG 5901 được coi là tàu hải cảnh khổng lồ của Trung Quốc, tàu tuần tra lớn nhất thế giới với lượng giãn  nước 12.000 tấn có trang bị súng hạng nặng và một nơi đáp máy bay trực thăng và một nhà chứa máy bay đủ lớn để chứa máy bay cánh quay cỡ lớn hơn. Đến ngày 10/1/2024, tàu này rời đi và một tàu hải cảnh Trung Quốc khác số hiệu CCG 5402 đã thay thế. Tàu hải cảnh CCG 5402, không chỉ quần thảo ở khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam mà còn đi tuần trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và Malaysia trong vòng sáu tuần qua. Trong khi đó, Tàu hải cảnh CCG 5901 tiếp tục  rời cảng Tam Á ở đảo Hải Nam vào ngày 14/2/2024 quay trở lại hoạt động tại bãi Tư Chính ngày 21/2/2024.

Ông Gaute Friis, chuyên gia phân tích thuộc dự án SeaLight thuộc Đại học Stanford Mỹ nhận định: “Những cuộc tuần tra như thế này là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền trên biển của mình nơi đang có các tranh chấp”. “Bằng cách này, Trung Quốc nhắm tới việc thiết lập một sự hiện diện thường xuyên của mình và dần tiến tới bình thường hoá các hoạt động trên biển ở các khu vực này”.

Về hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu  quan hệ quốc tế thuộc đại học quốc phòng Úc, nhận xét: “Trung Quốc đã gây sức ép lên Việt Nam được một thời gian để buộc Việt Nam phải tham gia “ khai thác chung”, với mục đích biến đây thành tiền lệ để các nước khác trong khu vực phải nhượng bộ trong  quá trình đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử. Cả hai bên đều coi đây là vấn đề then chốt do đó Trung Quốc đã liên tiếp gây sức ép lên Việt Nam”. Giáo sư Carlyle Thayerchỉ ra rằng: “Nếu tham gia khai thác chung với Việt Nam thì Trung Quốc sẽ được coi là đối  tác ngang hàng ở một khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Việt Nam có  quyền đồng ý tham gia khai thác chung nếu muốn. Nhưng vấn đề là Trung  Quốc cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này. Cho nên nếu Việt  Nam đồng ý hợp tác thì có nghĩa là công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung  Quốc ở đây.”

Theo ý kiến của Giáo sư Carlyle Thayer, khai thác chung trong trường hợp này có  nghĩa Trung Quốc muốn Việt Nam để cho họ được quyền cùng tham gia khai thác dầu khí ở khu vực bãi Tư Chính. Và Trung Quốc cũng muốn loại bỏ các công ty của những nước không liên quan đến khu vực Biển Đông ra khỏi các  hoạt động thăm dò và khai thác.  Nếu việc này trở thành hiện thực thì sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho Việt Nam.

Nói một cách rõ ràng hơn là bằng việc ép Việt Nam tham gia khai thác chung, Trung Quốc muốn biến khu vực bãi Tư Chính, từ chỗ hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Việt Nam, trở thành một khu vực tranh chấp mà Trung Quốc có phần ở đó, và một khi nước này đã thành công trong việc thiết lập sự hiện diện thì sẽ không thể bị di rời. Khai thác chung với Trung Quốc còn một điểm đáng chú ý khác, đó là nước  này muốn các quốc gia quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn đồng ý với quy định, không để các công ty thăm dò và khai thác dầu khí thuộc các nước không  liên quan hoạt động ở khu vực. Thay vào đó là chỉ các công ty dầu khi quốc doanh của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á mới được tham gia.  Điều này nhiễm nhiên sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho Trung Quốc bởi họ có năng  lực thăm dò và khai thác vượt trội. 

Hành động hung hăng của Bắc Kinh khiến Hà Nội phải lên tiếng phản đối. Tại cuộc họp báo hôm 29/12/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định bãi Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam được xác lập hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”,

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng bối cảnh Mỹ và các nước bận tâm vào cuộc chiến ở Ukraine và xung đột ở dải Gaza hay đối phó với lực lượng Houthi ở Biển Đỏ để gia tăng các hoạt động gây sức ép với các nước láng giềng ven Biển Đông, trước hết là Philippines và Việt Nam để áp đặt “luật chơi” của họ, từng bước khống chế và thôn tính Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới