Tuesday, May 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Nói và làm”

“Nói và làm”

Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô (còn gọi là bãi cạn Tư Chính) ở phía Nam biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý, dài 63km, rộng 11km; phần mặt bằng quan sát được có diện tích gần 34km²…Mấy ngày này, cái tên Tư Chính đang nóng trở lại.

Bãi Tư Chính của Việt Nam

Thông tin đầu được phát ra bởi dự án SeaLight Project tại Mỹ. Theo đó, từ đầu tháng 12/2023, Bắc Kinh đã điều tàu hải cảnh CCG 5901 của Trung Quốc tới khu vực bãi Tư Chính. CCG 5901 là con tàu khổng lồ, nặng tới12.000 tấn nên được ví như “quái vật”. Để tránh bị phát hiện, nó đã tắt hệ thống thông tin tự động, hoạt động một cách âm thầm. Chỉ có điều, sự lén lút đó đã không qua nổi con mắt soi mói của Mỹ.

Là quốc gia có chủ quyền, lợi ích chính đáng ở bãi Tư Chính, Việt Nam hẳn cũng đã biết. Biết, nhưng Hà Nội vẫn vậy, chỉ lên tiếng khi sự việc đã được xác minh, có được những bằng chứng không thể chối cãi. Chính thế, mặc cho cánh “lề trái” công kích với những là hèn, là sợ, tận tới ngày 29/2, trong cuộc họp báo quốc tế thường lệ ở Bộ Ngoại giao, bà Phạm Thu Hằng – phát ngôn viên ngoại giao của Hà Nội – trả lời báo chí, mới chính thức đưa ra bình luận, thông qua việc trả lời câu hỏi của một nhà báo nước ngoài.

Mà không chừng, cái anh chàng phóng viên ngoại quốc nêu câu hỏi trên là “chân gỗ” của Hà Nội cũng nên. Theo cái nghĩa, từ các tình tiết có được cũng như thời điểm thích hợp, cần thể hiện phản ứng, nhà chức trách Việt Nam đã “gà” cho một tay phóng viên nước ngoài “hỏi” (?) cũng nên. Hỏi để có cớ tái lặp quan điểm chắc nịch, rằng: “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982″; “”Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của mình bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Còn một khi chưa đến lúc, thóc mách đến mấy, cũng đố mà moi được từ bà phát ngôn viên nhỏ nhắn của Hà Nội kia chút thông tin nào đấy.

Đành là cánh báo chí quốc tế hẳn không thỏa mãn với cách trả lời công thức đó, nhưng đành chịu. Là bởi, chẳng nghề ngoại giao, chẳng lọc lõi về truyền thông cũng biết, nói thế là khôn, là khéo, là đầy đủ; là chuẩn về quan điểm, thái độ trước một vấn đề nhạy cảm liên quan chủ quyền biển đảo.

Với nhiều người quan tâm tình hình Biển Đông, cái làm họ lo ngại, là hoàn cảnh diễn ra vụ việc mới này.

Năm 2019, diễn biến tại bãi Tư Chính từng làm dậy sóng dư luận Việt Nam và quốc tế. Suốt 3 tháng, từ tháng 7 tới tháng 10, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc, có tàu hải cảnh hộ tống, đã thực hiện cái mà Bắc Kinh gọi là “khảo sát địa chấn” trong khu vực bãi Tư Chính.

Khảo sát gì trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia có chủ quyền? Sự lỳ lợm của Trung Quốc bất chấp phản ứng của Việt Nam và dư luận quốc tế, đã khiến tình hình khi đó căng như dây đàn. Cùng với các biện pháp phản đối tại thực địa, Việt Nam đấu tranh về công luận và ngoại giao. Mãi tới ngày 24/10, nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 rời khỏi khu vực hoạt động, di chuyển về Trung Quốc cùng hai tàu hộ tống. Dư luận thở phào bởi trước đó, từng có những lo ngại Việt Nam rơi vào “bẫy” khiêu khích của Trung Quốc, hành động một cách manh động, nếu thiếu sự tỉnh táo.

Tuy nhiên, cái khác, là vụ Tư Chính năm 2019 xảy ra những 2 năm, nghĩa là hơi xa chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam năm 2017 của ông Tập Cận Bình trong cương vị Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch Trung Quốc. Đành là từng có những cam kết, hứa hẹn về cái gọi là Thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển gồm 6 điểm giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước, nhưng thời gian vẫn có thể khiến mọi thứ nhạt nhòa…

Vụ việc xảy ra tại bãi Tư Chính lần này thì khác. Chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ 3 Việt Nam của ông Tập diễn ra từ 12 đến 13-12-2023. Những cam kết, hứa hẹn liên quan quan hệ hai nước và những vấn đề hai bên cùng quan tâm, một lần nữa lại được tái nhắc, thậm chí ở mức độ cao hơn. Về vấn đề Biển Đông, Thông cáo chung ghi rõ: “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực…”

Vậy mà, hóa ra (như phát hiện của SeaLight Project nêu trên), cùng thời điểm ông Tập đang nói những lời hoa mỹ với Hà Nội, “quái vật” CCG 5901 đã lén lút mò tới khu vực Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước hành động này, cộng đồng quốc tế và dư luận sẽ nghĩ sao về việc “nói và làm” của Trung Quốc đây?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới