Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết cuộc trao đổi bị rò rỉ của các sĩ quan cấp cao quân đội Đức là bằng chứng cho thấy nước này chuẩn bị phát động cuộc chiến với Moscow.
“Mọi nỗ lực nhằm mô tả cuộc trao đổi (được ghi âm) giữa các sĩ quan chỉ huy của quân đội Đức chỉ đơn giản là một trò chơi với tên lửa và xe tăng đều là những lời dối trá hiểm ác. Đức đang chuẩn bị gây chiến với Nga”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trên Telegram hôm 3/3.
Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra sau khi tổng biên tập đài RT của Nga, bà Margarita Simonyan, công bố đoạn ghi âm dài 38 phút chứa nội dung được cho là cuộc thảo luận giữa các sĩ quan cấp cao của quân đội Đức về việc tấn công Crimea.
Các nhân vật trong băng ghi âm đã thảo luận về khả năng lực lượng Ukraine sử dụng tên lửa Taurus do Đức sản xuất và tác động tiềm tàng đi kèm. Họ cũng cho biết 100 tên lửa như vậy có thể được cung cấp cho Kiev.
Các chủ đề khác được nhắc đến bao gồm việc bắn tên lửa vào các mục tiêu như cây cầu then chốt nối bán đảo Crimea với đất liền Nga qua eo biển Kerch.
Bộ Quốc phòng Đức ngày 2/3 xác nhận một đoạn trao đổi của lực lượng không quân nước này bị nghe lén. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cũng thừa nhận cuộc thảo luận giữa các sĩ quan nước này về việc hỗ trợ Ukraine trong một cuộc tấn công vào Crimea là có thật.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi vụ rò rỉ thông tin là “vấn đề rất nghiêm trọng”. Ông cũng tuyên bố Đức sẽ điều tra vụ việc này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng người dân Đức có thể đối thoại trực tiếp với chính phủ của họ liên quan đến đoạn băng ghi âm bị rò rỉ của các sĩ quan quân đội.
Trước đó, bà Zakharova yêu cầu Đức giải thích “ngay lập tức” về đoạn băng ghi âm và nhấn mạnh rằng “những nỗ lực né tránh câu hỏi sẽ bị coi là hành vi nhận tội”.
Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky chỉ trích “đây hoàn toàn là một sự xấu hổ và mất mặt đối với nước Đức”. Ông nói rằng “Đức không còn là quốc gia mà Nga đã ký các hiệp ước thân thiện trong những năm 1990 và 2000”.
Thời gian gần đây, giới chức phương Tây, trong đó có Đức, liên tục đề cập đến nguy cơ Nga tấn công vào lãnh thổ NATO.
Báo Bild của Đức cho biết đã được tiếp cận một tài liệu phân tích rủi ro dài 13 trang mà giới chức Đức soạn ra để phục vụ cho quốc hội. Theo tài liệu đánh giá này, nếu xảy ra xung đột giữa Nga và NATO, Đức là một trong những mục tiêu đầu tiên.
Bán đảo Crimea, nơi đặt căn cứ hải quân quan trọng của Nga, thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine.
Ukraine cũng nhiều lần sử dụng xuồng không người lái để tấn công cơ sở hạ tầng cảng của Nga ở Sevastopol.
Cầu Crimea, dài 18km, được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 và là tuyến đường sắt và đường bộ duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Sau khi bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiều quan chức và chỉ huy Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã đe dọa phá hủy cầu Crimea.
T.P