Thursday, January 23, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVụ Vạn Thịnh Phát nằm trong số những vụ lừa đảo tài...

Vụ Vạn Thịnh Phát nằm trong số những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất thế giới

Ngày 5/3, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các cá nhân có liên quan.

Một số gương mặt tội phạm trong 10 vụ lừa đảo tài chính lớn nhất thế giới

Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội: Tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo BLHS 2015 và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo BLHS 1999.

Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần như tuyệt đối của SCB (91,5% cổ phần) và chi phối, lũng đoạn toàn bộ hoạt động của SCB. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với hơn 1.066.000 tỉ đồng. Bà Lan bị cáo buộc đã chiếm đoạt của SCB hơn 498.000 tỉ đồng (tương đương 21 tỉ USD).

Với quy mô lừa đảo, số tiền đã chiếm đoạt và tổng thiệt hại, vụ việc xảy ra tại Vạn Thịnh Phát lọt vào top đầu các vụ án lừa đảo tài chính thế giới. Điều này dựa trên dữ liệu của Thinkadvisor tính đến cuối năm 2022 trong bài viết “10 of the Biggest Financial Frauds of the Past 25 Years”.

Dưới đây VietTimes xin điểm lại 10 vụ lừa đảo tài chính lớn nhất toàn cầu:

Tập đoàn Enron với vụ lừa đảo lớn nhất thị trường tài chính toàn cầu
Tập đoàn Enron ở Mỹ sụp đổ cuối năm 2001 đã gây thiệt hại ước tính hơn 78 tỉ USD cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Được thành lập năm 1985, Enron là một trong những tập đoàn kinh tế hùng mạnh nhất Hoa Kỳ sở hữu khối tài sản khổng lồ bao gồm nhiều công ty con, nhà máy, xí nghiệp nhiều chủng loại như nhà máy nước, nhà máy điện, sản xuất bột giấy và giấy, ống dẫn khí và nhiều loại hình dịch vụ khác. Chỉ trong 4 năm từ 1996 đến 2000, doanh số bán hàng của Enron đã tăng với tốc độ đáng kinh ngạc, từ 13,3 tỉ USD lên 100,8 tỉ USD.

Đi theo kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu Enron tăng tới 331% trong giai đoạn từ đầu thập niên 1990 đến cuối năm 1998. Trong 2 năm bản lề thiên niên kỷ (1999 và 2000), giá cổ phiếu Enron tiếp tục tăng 56% và 87%, trong khi chỉ số S&P100 tăng 20% vào năm 1999 và giảm 10% vào năm 2000.

Tính đến 31/12/2000, giá cổ phiếu Enron đạt mức 83,13USD/cp và vốn hóa thị trường của công ty vượt mốc 60 tỉ USD, cao gấp 70 lần thu nhập và 6 lần giá trị sổ sách.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2001, tình hình tài chính thực tế của Enron bị phơi bày, những bản báo cáo không minh bạch, thổi phồng doanh thu và gian lận sổ sách kế toán dần được đưa ra ánh sáng. Cụ thể, tháng 10/2001, Enron chính thức tiết lộ khoản lỗ hàng quý khổng lồ và thú nhận đã phóng đại thu nhập một cách có hệ thống trong ít nhất 4 năm; vào cuối tháng 11/2001 giá cổ phiếu Enron lao thẳng từ đỉnh cao về mốc dưới 1 USD.

Trước diễn biến đó, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã vào cuộc. Đến ngày 2/12/2001, Enron nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Với tài sản lên tới 63,4 tỉ USD, đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tính đến thời điểm đó.

Theo điều tra, Enron đã che giấu hàng tỉ USD thua lỗ và nợ nần từ những thương vụ và dự án bị thất bại; lợi dụng kẽ hở luật pháp để lập ra các công ty con mà không khai báo tài chính; che đậy việc công ty đã vay quá khả năng chi trả; Enron đã thổi phồng lợi nhuận và giá cổ phiếu của công ty cũng theo đó mà tăng vùn vụt.

Những hoạt động tài chính của Enron đều được dựa trên sự thiết kế và vận hành bằng mạng lưới chằng chịt quan hệ giữa Enron, một số quan chức chính phủ và đặc biệt là Công ty Tư vấn và kiểm toán Arthur Andersen đã tiếp tay cho Enron.

Kế toán trưởng của Enron là Richard Causey vốn là kiểm toán viên của Andersen chuyển sang. Andersen ký hợp đồng làm tư vấn cho Enron, rồi chính họ lại đóng vai trò kiểm toán để xác nhận những báo cáo tài chính của Enron.

CEO Enron Jeffrey Skilling đã phải ngồi tù 14 năm vì tội âm mưu và gian lận chứng khoán. Chủ tịch Kenneth Lay cũng bị kết tội gian lận chứng khoán nhưng ông đã chết vào năm 2006 trước khi tuyên án.

“Siêu lừa” Bernard Madoff với hơn 3 triệu nạn nhân
Bernard Madoff, Chủ tịch sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) đã lừa được nhiều người đổ tiền vào các quỹ đầu tư của ông ta nhờ vai vế tại Wall Street. Vụ lừa đảo được Bernard Madoff thực hiện với thủ đoạn tuy không mới (lấy tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ), nhưng đến thời điểm ông ta bị bắt năm 2008, quy mô của vụ lừa đã lên tới 65 tỉ USD.

Cùng với uy tín cá nhân, Madoff sử dụng cam kết lợi nhuận vượt trội (trung bình 10,5% mỗi năm) để thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, bất kỳ khi nào khách hàng cần rút tiền, Madoff đều có thể đáp ứng.

Ông ta làm giả tài liệu, gửi cho khách hàng trong khi những giao dịch này chưa từng được thực hiện và gửi kèm số liệu giả về các khoản lợi nhuận để chiếm lòng tin của họ. Khi khách hàng muốn rút tiền, ông ta phải lấy từ tài khoản cá nhân ở Ngân hàng JPMorgan Chase.

Madoff đã duy trì những phi vụ lừa đảo trong gần hai thập kỷ, cho tới năm 2008, sự việc mới dần được hé lộ khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến các nhà đầu tư rút tiền nhanh hơn tốc độ huy động của Madoff.

Nạn nhân của Madoff không chỉ là các cá nhân mà cả các quỹ từ thiện, trường đại học, thậm chí các ngân hàng lớn như HSBC, Ngân hàng Hoàng gia Scotland và Ngân hàng Nomura của Nhật. Tổng cộng, số nạn nhân trực tiếp và gián tiếp trong vụ này lên đến 3 triệu người. Ước tính các nạn nhân đã chuyển cho Madoff hơn 19 tỉ USD và số tài sản này đã nhân lên thành gần 65 tỉ USD, bao gồm cả lợi nhuận khống trong ít nhất hai thập kỷ.

Năm 2009, Madoff Madoff bị tòa án kết tội rửa tiền và gian lận chứng khoán. Ông phải nhận bản án 150 năm tù và bị chết trong tù năm 2021 ở tuổi 82.

WorldCom – thôn tính và gian lận
Công ty viễn thông đường dài lớn thứ hai Hoa Kỳ WorldCom đã bùng nổ thần tốc thông qua các vụ thôn tính, giá trị thị trường lên tới 180 tỉ USD, với 80.000 lao động… nhưng phải nộp đơn phá sản ngày 21/7/2002 vì nợ nần chồng chất và gian lận kế toán hàng tỉ USD. Vụ phá sản của WorldCom với số tài sản gần 110 tỉ USD, gấp đôi kỷ lục của Enron năm 2001.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mississippi năm 1967, Bernard Ebbers bắt đầu kinh doanh nhà trọ và phát hiện có thể cung cấp dịch vụ điện thoại đường dài giá rẻ, bằng cách mua sỉ dịch vụ của AT&T rồi bán lẻ lại.

Năm 1983, Ebbers và 3 đối tác thành lập Công ty Dịch vụ điện thoại đường dài giá rẻ (LDDS) theo tôn chỉ: quy mô càng lớn càng tốt. Với phương thức chủ yếu dùng cổ phiếu thay tiền, Ebbers đẩy nhanh việc mua lại các công ty khác. Trong nửa đầu thập niên 1990, Ebbers đã sáp nhập được trên 35 công ty rồi vươn sang lĩnh vực internet, dữ liệu, giao dịch thương mại điện tử và đổi tên công ty thành WorldCom với ý đồ thể hiện địa vị vượt trội.

Năm 1996, WorldCom thực hiện thương vụ “khủng”, chi 14 tỉ USD mua MFS Communications Co., mua một mạng cáp quang mới, đàm phán sáp nhập công ty UUNet, và đặc biệt đình đám là thỏa thuận mua MCI Communications giá 37 tỉ USD, nâng doanh thu hàng năm của WorldCom từ 5,6 tỉ USD lên 32 tỉ USD.

Ebbers vẫn tiếp tục “cơn nghiện mua sắm” với việc đề nghị sáp nhập công ty Sprint danh giá với giá 129 tỉ USD, bất chấp những quan ngại về cạnh tranh và độc quyền. Tuy nhiên, giới chức Hoa Kỳ đã ra tay ngăn chặn thương vụ này vào tháng 7/2000. Đây là điềm báo chấm dứt một thập niên bùng nổ thần tốc của WorldCom và khởi đầu cho sự xuống dốc.

Tháng 9/2000, WorldCom chi 1,6 tỉ USD mua Intermedia Communications, một công ty điện thoại và internet địa phương đang gặp khó khăn chỉ trị giá khoảng 50 triệu USD. Tính ra, trong vòng 15 năm, WorldCom đã thực hiện hơn 60 cuộc thôn tính.

Tháng 4/2002, Ebbers mất chức CEO, WorldCom lúc này đã nợ đến 41 tỉ USD sau các vụ thôn tính rầm rộ. Các chủ nợ lớn nhất bao gồm những ngân hàng lớn như JPMorgan Trust (17,2 tỉ USD), Mellon Bank (6,6 tỉ USD), CitiBank (3,3 tỉ USD).

WorldCom đã dùng thủ đoạn kế toán mờ ám để che giấu tình trạng tài chính yếu kém, giả tạo tăng trưởng tài chính và lợi nhuận nhằm nâng giá cổ phiếu. Tháng 6/2002, kiểm toán nội bộ WorldCom phát hiện việc che giấu khoản chi phí 3,8 tỉ USD năm 2001, đồng thời, các khoản lợi nhuận 1,4 tỉ USD năm 2001 và 130 triệu USD trong quý I/2002 đều là báo cáo sai. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) buộc tội WorldCom gian lận và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bắt đầu điều tra hình sự các hành vi của WorldCom.

Giá trị mỗi cổ phiếu WorldCom từ đỉnh cao 63,5USD vào ngày 18/6/1999 đã lao dốc còn 6,74 USD và tiếp tục giảm chỉ còn 20 cent vào ngày WorldCom nộp đơn xin phá sản (21/7/2002). Hồ sơ WorldCom liệt kê hơn 107 tỉ USD tài sản, vượt xa Enron, lập kỷ lục vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tính đến thời điểm đó.

Năm 2003, WorldCom đổi tên thành MCI và hoàn tất thủ tục phá sản 1 năm sau đó. Ngày 13/7/2005, cựu CEO Bernard Ebbers bị tuyên án 25 năm tù giam với tội danh lừa đảo chứng khoán, gian lận sổ sách; nhiều cựu lãnh đạo khác của WorldCom như CFO D. Sullivan, kiểm soát viên David Myers, Kế toán trưởng Buford Yates… cũng bị buộc tội hình sự. Bernard Ebbers đã phải ngồi tù cho đến khi qua đời năm 2020 ở tuổi 78.

Ngoài tổn thất cho công ty, vụ bê bối WorldCom đã gây xói mòn niềm tin vào thực lực tài chính của các công ty lớn, khiến hàng triệu người chùn tay đầu tư, khiến kinh tế Hoa Kỳ thiệt hại nhiều tỉ USD.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới