Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChi tiêu một nước thành nỗi lo toàn cầu

Chi tiêu một nước thành nỗi lo toàn cầu

Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, tức tức Quốc hội Trung Quốc – đang có kỳ họp tại Bắc Kinh. Một chỉ số được công bố tại đây đã và đang khiến dư luận quốc tế quan tâm trong sự lo lắng.

Tên lửa tối tân của Trung Quốc trong một cuộc diễu hành

Báo cáo đầu tiên trong ngày khai mạc kỳ họp sáng 5/3 do Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trình bày, đã nêu ra các mục tiêu quan trọng của năm 2024, trong đó: tăng trưởng 5%; giữ thâm hụt ngân sách ở mức 3%; giữ lạm phát ở mức 3%, tạo ra hơn 12 triệu việc làm ở thành thị, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,5%…

Những con số trên rất đáng quan tâm đối với dư luận. Người dân Trung Quốc: hiển nhiên rồi, vì các chỉ tiêu đó gắn với chất lượng cuộc sống của họ. Còn quốc tế: khi Trung Quốc là nền kinh tế quy mô trên 18 nghìn tỷ USD năm 2023, xếp thứ hai (chỉ sau GDP của Mỹ khoảng 23 nghìn tỷ USD), mỗi động thái của nó đều tác động lớn tới kinh tế toàn cầu, hỏi thờ ơ vô cảm sao được.

Tuy nhiên, thời điểm này, các chỉ tiêu cụ thể trên chưa hẳn đã là điều các chuyên gia quốc tế quan tâm nhất. Vậy thì, nhất với họ là gì? Câu trả lời là: họ quan tâm đặc biệt tới một chỉ số “ngoài kinh tế”, là chi tiêu quốc phòng.

Theo báo cáo của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc Lý Cường, ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ tăng lên 7,2% GDP, tức 1.670 tỉ nhân dân tệ (tương đương 230 tỉ USD) trong năm 2024. Nếu kể thêm cả ngân sách dành cho nghiên cứu – phát triển, không gian vũ trụ… thì con số này còn có thể lên tới 360 tỉ USD…

Số tiền khổng lồ làm nhiều người choáng váng. 360 tỷ USD – gần như bằng cả GDP của Việt Nam – nước láng giềng phía Nam của Trung Quốc. Còn các hãng truyền thông quốc tế, để giúp mọi người hình dung, đã cho biết, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hiện đã xếp thứ hai thế giới, chỉ còn sau số tiền 886 tỷ USD của Mỹ. Các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế thống kê, đây là năm thứ 9 liên tiếp, Bắc Kinh tăng chi tiêu quốc phòng, trong đó chỉ số tăng mấy năm gần đây lần lượt là: năm 2023 tăng 7,2%; năm 2022 tăng 7,1%; năm 2021 tăng 6,8%; năm 2020 tăng 6,6%; năm 2019 tăng 7,5%.

Những số liệu này do chính Bắc Kinh công bố. Một cường quốc tự xưng là “trỗi dậy hòa bình”, mua sắm, đầu tư cho quân sự nhiều khi là chuyện bí mật và nhạy cảm. Đành là hằng năm, có thể tung ra những là “sách trắng sách đen” quốc phòng. Nhưng sách là một chuyện; thực tế, có khi lại khác. Không hiếm trường hợp, số tiền thực chi còn phải giấu đi chưa xong, phô phang ra tổ thiên hạ dòm ngó, hô hoán ầm lên, lợi bất cập ngại. Vậy nên, con số của Bắc Kinh hẳn là thực. Giả như có ai nghi ngờ, hãy nhìn vào những loại vũ khí với những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, số lượng tàu ngầm máy bay của Trung Quốc hiện nay đi, hỏi còn nghi không?

Tuy nhiên, chính thế, mà dư luận và cộng đồng quốc tế đâm lo ngại. Lo ngại ngay cả khi ông Lý Cường, trong báo cáo trước Quốc hội, nói rằng: “Việc tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết để đối phó với những thách thức an ninh phức tạp và để Trung Quốc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một nước lớn”. Lo ngại không hề suy giảm khi Wang Chao, người phát ngôn của phiên họp Quốc hội, nhấn mạnh: “Hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc sẽ không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Ngược lại, nó sẽ chỉ có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ ổn định khu vực và hòa bình thế giới”.

Suy cho cùng, nỗi lo lắng của cộng đồng quốc tế cơ bản là có cơ sở. Trung Quốc chỉ có chút lý do chính đáng lo lắng đối phó với những “thách thức an ninh phức tạp” từ Mỹ – một đối tác quan trọng về kinh tế, nhưng cũng là một đối thủ khó chịu lúc nào cũng hằm hè, coi Trung Quốc như kẻ kèn cựa đáng ghét. Còn lại, đề cập cái gọi “trách nhiệm nước lớn” và “tác dụng tích cực trong việc bảo vệ ổn định khu vực và hòa bình thế giới”, nhiều người bình luận rằng, đó chỉ là những lời hoa mỹ nhằm tự tôn mình của Bắc Kinh, và trấn an dư luận.

Trong thực tế, khu vực Châu Á, trong đó có Biển Đông, từ nhiều năm nay đã là một điểm nóng bậc nhất thế giới. Lòng tham muốn nuốt gọn Biển Đông thể hiện qua yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, bất chất cả phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục 7 Công ước LHQ về Luật Biển, đã khiến mọi nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông rơi vào bế tắc. Một quốc gia là nguyên nhân gây nên sự bế tắc đó, lại dám vỗ ngực rằng mình hành xử xứng đáng với “trách nhiệm nước lớn” sao?

Thế nên, một khi cái “nước lớn” trên bạo tay chi tiền cho quân sự – điều đó chỉ có thể là nỗi lo, chứ sao có thể là nỗi mừng, cho hầu hết các quốc gia khác, trước hết là những nước trong khu vực Đông Nam Á liên quan trực tiếp câu chuyện chủ quyền trên Biển Đông.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới