Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Putin bác khả năng Nga tái gia nhập G7

Tổng thống Putin bác khả năng Nga tái gia nhập G7

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc tái gia nhập G7 không có ý nghĩa với Nga vì phương Tây luôn phớt lờ vấn đề lợi ích của Moskva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Tại Liên hoan Thanh niên Thế giới tại Sochi (Nga) hôm 6/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin bình luận về vấn đề tái gia nhập Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Trong đó, Tổng thống Nga cho biết thời gian qua, Nga cùng nhiều quốc gia khác đã tìm cách liên kết với phương Tây và tham gia nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, tư cách thành viên của Nga tại G7 – khi ấy là G8, đã bị đình chỉ sau sự kiện năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Ông chủ điện Kremlin lưu ý sau đó Nga nhận ra việc tìm cách gia nhập nhóm này là “vô ích” vì “không ai ở đó quan tâm tới lợi ích của Moskva”.

“Đó là một vấn đề lớn. Và đó là sai lầm của những đối tác phương Tây của chúng ta”, ông Putin nhận xét.

Cũng theo ông Putin, trên thực tế, các nước giàu không sẵn sàng tạo ra một hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế “mở cửa thị trường cho các nền kinh tế đang phát triển và tạo điều kiện tự do cho phát triển và tăng trưởng”.

Phát biểu tại sự kiện, ông Putin lưu ý thêm rằng bất chấp hệ thống phân cấp hiện nay ở thế giới phương Tây, “mong muốn độc lập và bảo vệ chủ quyền vẫn rõ ràng”.

Liên hoan Thanh niên Thế giới diễn ra tại Sochi từ ngày 1 đến ngày 7/3, quy tụ khoảng 20.000 bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Trong khuôn khổ sự kiện, các hoạt động văn hóa và thể thao, các cuộc thi, triển lãm và nhiều cuộc thảo luận khác nhau đã được tổ chức. Sau khi Liên hoan Thanh niên Thế giới kết thúc, những người tham gia tiếp tục đến thăm 30 thành phố trên khắp nước Nga trong thời gian từ ngày 10 đến 17/3.

Trước đó, vào năm 2019, Moskva cũng tuyên bố không muốn trở lại G7. Cụ thể, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khi ấy cho biết Nga có những ưu tiên khác như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các định dạng Á – Âu và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới