Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASC), gã khổng lồ và nhà thầu vũ trụ hàng đầu nước này, đang đẩy nhanh phát triển tên lửa có thể tái sử dụng đường kính 4 mét và 5 mét. Hai mẫu mới này dự kiến được phóng lần đầu vào năm 2025 và 2026.
Ông Vương Nguy cho biết thêm, CASC đang đẩy nhanh phát triển các sản phẩm thích ứng với thị trường hàng không vũ trụ thương mại, tăng tốc phát triển tên lửa tái sử dụng loại 4 mét và 5 mét, với kế khoạch phóng lần đầu vào năm 2025 và 2026; đột phá các công nghệ then chốt của vệ tinh thương mại tiết kiệm chi phí, tung ra các sản phẩm về thông tin liên lạc, dẫn đường, viễn thám và vệ tinh thương mại tổng hợp; trọng điểm phát triển động cơ tên lửa rắn tiết kiệm chi phí, động cơ tên lửa lỏng dòng YF-102, động cơ tái sử dụng khí metan oxy lỏng YF-209… mà thị trường thương mại đang rất có nhu cầu.
Được biết, trước đó, CASC đã hoàn thành thử nghiệm công nghệ bay cất hạ cánh thẳng đứng đối với thiết bị bay tái sử dụng vào tháng 8/2023, đánh dấu bước đột phá quan trọng trong việc phát triển loại tên lửa này.
Lĩnh vực vũ trụ thương mại tiếp tục phát triển nhanh tại Trung Quốc trong năm 2023. Theo Sách Xanh về hoạt động khoa học công nghệ hàng không vũ trụ do CASC công bố mới đây, năm qua, gần 6 tỷ nhân dân tệ (833 triệu USD) vốn xã hội đã được đầu tư vào lĩnh vực hàng không vũ trụ thương mại, chủ yếu tập trung vào sản xuất vệ tinh và tên lửa. Tổng cộng 26 lần phóng thương mại đã được hoàn thành, chiếm 39% tổng số lần phóng của Trung Quốc trong năm, với tỷ lệ thành công đạt 96%.
T.P