Wednesday, December 25, 2024
Trang chủQuân sự‘Mổ xẻ’ lợi thế vũ khí hiện nay của Nga so với...

‘Mổ xẻ’ lợi thế vũ khí hiện nay của Nga so với Ukraine

Nga sản xuất đạn pháo nhiều hơn gần 3 lần so với Mỹ và châu Âu sản xuất cho Ukraine, trong khi bom lượn cũng giúp Moscow giành lợi thế trên không.

Bom lượn cải tiến của Nga trong chiến dịch ở Ukraine

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ngày 10.3 dẫn lời một quan chức quân sự Ukraine xác nhận rằng lực lượng Nga đang tiến hành các cuộc tấn công bằng bom lượn cải tiến.

Đại úy Dmytro Lykhovyi, phát ngôn viên nhóm quân Tavriisk của Ukraine cho hay phía Nga vừa tấn công khu vực Myrnohrad ở Donetsk bằng Đạn lượn Đa năng Hợp nhất (UMPB) D-30SN. Ban đầu, phía Ukraine cho rằng đó là các tên lửa S-300.

Ông Lykhovyi nói rằng UMPD D-30SN về căn bản là chuyển đổi bom trọng lực không điều khiển FAB thời Liên Xô cũ thành bom lượn có điều khiển. Việc sử dụng bom lượn được cho là một trong những yếu tố giúp Nga giành lợi thế về hỏa lực trong chiến dịch ở Ukraine thời gian gần đây.

Phá hủy mọi công sự
Theo tờ The Washington Post ngày 11.3 dẫn phân tích của các chuyên gia phương Tây, Không quân Nga đã tăng cường đáng kể hiệu quả trong chiến sự với việc tăng cường sử dụng bom lượn.

Những quả bom dồi dào từ thời Liên Xô cũ mang theo nửa tấn thuốc nổ đã được gắn cánh và hệ thống dẫn đường để bay quãng đường dài với độ chính xác nhất định. Điều này cho phép các máy bay phản lực Nga thả chúng từ những nơi cách xa hệ thống phòng không của Ukraine.

Cùng với máy bay không người lái (UAV), tên lửa và đạn pháo, bom lượn bổ sung thêm hỏa lực công phá của Nga như trong trường hợp giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka hồi giữa tháng 2.

Ukraine cho rằng cách đối phó hiệu quả nhất trước mối đe dọa ngày càng đa dạng từ Nga này vẫn còn rất xa vời, đó là các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất mà nước này đang kêu gọi viện trợ.

Theo phát ngôn viên Dmytro Lykhovii của nhóm tác chiến Tavria thuộc quân đội Ukraine, những quả bom lượn có sức công phá rất lớn. “Chúng đơn giản là phá hủy hoàn toàn những ngôi nhà và công trình có thể dùng làm công sự phòng thủ”, ông cho biết.

Viết trên mạng xã hội Telegram mới đây, binh sĩ Ukraine Maksym Zhorin cho hay có đến 60 đến 80 quả bom lượn của phía Nga lao đến khu vực của mình mỗi ngày.

“Những quả bom này phá hủy hoàn toàn mọi vị trí. Tất cả các tòa nhà và công trình kiến trúc chỉ đơn giản biến thành một cái hố sau khi có một quả bom xuất hiện”, anh cho biết.

Ukraine cũng sử dụng bom dẫn đường, bao gồm cả hệ thống JDAM do Mỹ sản xuất và được cho là có độ chính xác cao hơn phiên bản của Nga, nhưng nguồn cung rất hạn chế.

Ưu thế đạn pháo

Bên cạnh lợi thế trên không, Nga còn giành ưu thế trên bộ khi sản xuất đạn pháo nhiều hơn gần 3 lần so với số lượng mà Mỹ và châu Âu sản xuất cho Ukraine.

Theo CNN, đây là một lợi thế then chốt trước khả năng Nga tiến hành một đợt tấn công ồ ạt mới trong năm nay.

Nga đang sản xuất khoảng 350.000 quả đạn pháo hằng tháng, tương đương khoảng 3 triệu quả mỗi năm, theo ước tính của giới tình báo NATO và các nguồn thạo thông tin về nỗ lực viện trợ Ukraine của phương Tây.

Gộp chung, Mỹ và châu Âu chỉ có khả năng sản xuất khoảng 1,2 triệu quả đạn pháo mỗi năm để gửi đến Kyiv, theo một quan chức tình báo cấp cao của châu Âu.

Quân đội Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 100.000 viên đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm 2025, chưa bằng một nửa số lượng hằng tháng của Nga. Thậm chí con số đó hiện nằm ngoài tầm với, khi khoản tài trợ 60 tỉ USD cho Ukraine bị đình trệ tại quốc hội, theo một quan chức cấp cao Lục quân Mỹ phát biểu với báo giới hồi tuần trước.

“Chúng ta đang trong một cuộc chiến sản xuất. Kết quả ở Ukraine phụ thuộc vào việc mỗi bên được trang bị như thế nào để tiến hành cuộc chiến này”, một quan chức cấp cao NATO nhận định.

Các quan chức phương Tây cho rằng Nga hiện đang bắn khoảng 10.000 quả đạn pháo/ngày, so với chỉ 2.000 quả/ngày từ phía Ukraine. Theo một quan chức tình báo châu Âu, tỷ lệ này còn cách biệt hơn ở một số nơi dọc theo mặt trận dài khoảng 960 km.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới