Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết Manila đang xem xét việc mời các công ty Mỹ đầu tư vào nỗ lực thăm dò cũng như phát triển năng lượng.
Thông tin do tờ South China Morning Post (SCMP) đưa ngày 11/3 vừa qua, còn “nóng hổi”. Cùng với tiết lộ, ông Jose Manuel Romualdez nhấn mạnh, việc này nằm trong chủ trương khai thác, biến mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc với Washington và các đồng minh thành lợi ích kinh tế rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, dường như e ngại về một sự suy diễn nào đó, vị sứ thần của Manila tại Washington rào đón rằng, sự việc đang được Philippines và các đồng minh “tiến hành một cách có tính toán”.
Những người quan tâm tình hình Philippines hiểu vì sao, ông Romualdez cần phải thận trọng đến vậy.
Trước hết, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, năng lượng với Philippines là quan trọng. Tới nay, về dầu và than đá, nước này vẫn trông cậy vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu, dù quốc đảo Đông Nam Á này là có tiềm năng năng lượng có thể coi là phong phú và dồi dào. Hiện nay, cùng với chú trọng phát triển năng lượng tái tạo để vừa phù hợp với xu thế, vừa bù đắp phần thiếu hụt năng lượng hóa thạch, việc thăm dò, khai thác các mỏ dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của mình trên Biển Đông là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ít nhất trong vài chục năm tới…
Trong nỗ lực đó, những năm nắm quyền, ông Duterte, với chính sách đối ngoại mềm mỏng thân Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2018, từng ký với Bắc Kinh một Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông. Còn nhớ, ngay sau đó, nhiều người từng hy vọng Bản ghi nhớ có thể mở ra thời kỳ đàm phán tiến tới các dự án hợp tác cụ thể giữa hai nước.
Đừng nghĩ là ông Duterte hời hợt. Thâm tâm, hẳn nhà lãnh đạo này cho rằng, Bản ghi nhớ giúp ông đạt được 2 mục đích: Thứ nhất, giải quyết vấn đề năng lượng cho Philippines; thứ hai, giảm căng thẳng, tạo hòa khí với Trung Quốc.
Những người ủng hộ chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” ở Manila, kể cả một số người trong chính giới đối lập, còn cho rằng ông Duterte cao kiến. Bởi trong một vùng biển đang có tranh chấp với Trung Quốc, việc thăm dò, khai thác dầu khí tại đó sao có thể, nếu không có Trung Quốc cùng tham gia. Vấn đề là tỷ lệ ăn chia. Liên doanh với một đối tác nước ngoài khác ngoài Trung Quốc, vẫn phải ắn chia kia mà…
Đến tháng 6/2022, lý sự kiểu như trên sụp đổ, bị dư luận Philippines chỉ trích nặng nề, cho rằng, chính quyền đã nhân nhượng lợi ích quốc gia, coi thường chủ quyền lãnh thổ trước một quốc gia khó tin như Trung Quốc. Và Manila đã buộc phải tuyên bố chấm dứt việc đàm phán khai thác chung dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông nhằm tránh dẫn tới “khủng hoảng về Hiến pháp” – như giải thích của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr.
Ông Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền, trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 1/2023, từng bắn thông điệp: nước này sẵn sàng thảo luận về việc thăm dò chung với Trung Quốc miễn là “tuân theo các yêu cầu của Hiến pháp” – nghĩa là đáp ứng điều kiện Chính phủ Philippines phải kiểm soát 100% các dự án khai thác, phát triển cũng như sử dụng khí đốt. Thậm chí, ông Marcos từng cho biết, dù đối thoại không dễ dàng, vì cả hai nước đều có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Nhưng nếu thiện chí, Philippines và Trung Quốc vẫn có thể nắm bắt các cơ hội hợp tác kinh tế giúp mang lại lợi ích cho cả hai.
Tuy nhiên, cho tới nay, câu chuyện “gác tranh chấp cùng khai thác” với quốc gia láng giềng phương Bắc từng nồng mặn một thời, đang trôi vào quên lãng. Bình luận về điều này, có nhà phân tích quốc tế nói: ““Thử nghiệm (cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ) của Duterte đã kết thúc, giới tinh hoa thân Mỹ đã lên nắm quyền và chính sách ngoại giao của Philippines ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào mối quan hệ với Mỹ (…). Bây giờ chính sách đang thay đổi, và có lẽ sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, và thái độ mềm mỏng hơn đối với Hoa Kỳ”.
Về phái Trung Quốc, “giận thì giận”, nhưng thâm tâm, họ không có ý buông hẳn Manila; vẫn hy vọng rằng, biết đâu, tới lúc nào đó, Manila sẽ trở lại thân thiết với mình. Thời gian cho thấy, đó là suy nghĩ viển vông và một phía. Việc chủ động khôi phục hoàn toàn thoả thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ vào giữa năm 2021; những cuộc thăm viếng cấp tập cấp cao giữa hai bên; những lời phát biểu có tính cam kết về trách nhiệm bảo vệ đồng minh Đông Nam Á của Washington; những cuộc tập trận chung ngày một dày hơn, quy mô hơn về khí tài, lực lượng, và dài hơn về thời thời lượng…cho thấy, ông Marcos Jr và chính quyền Manila hiện nay đã ngả về Mỹ thật rồi. Và, điều gì đến, phải đến thôi.
Một trong những cái “phải đến”, là “mời các công ty Mỹ đầu tư vào nỗ lực thăm dò cũng như phát triển năng lượng” nêu trên. Những người săm soi chữ nghĩa nhấn mạnh từ “mời” trong phát ngôn của ông đại sứ Philippines. Nó hàm ý gì? Hàm ý rằng: Philippines không chỉ chủ động, mà còn đặt trọng lòng tin vào Mỹ; rằng: với Mỹ, việc nào ra việc ấy, không có chuyện lợi dụng khai thác chung rồi dần dần chiếm đoạt lãnh thổ của đồng minh.
Bắc Kinh, trong thời gian này hẳn đang khó chịu. Khó chịu vì “mất phần”. Khó chịu vì kẻ “tranh phần” là Mỹ. Và khó chịu nữa vì sự “bạc đãi” của Philippines. Những khó chịu đó dồn lại, rất có thể, Bắc Kinh lại giở con bài cũ là ngăn cản, gây sức ép, quấy nhiễu nếu Mỹ gật đầu, cùng Philippines triển khai hoạt động thăm dò.
Nhưng nên nhớ, một khi đã nhận lời, thì Mỹ – siêu cường số 1 hiện nay – cũng kèm theo các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của họ, gắn với quyền lợi của đồng minh Philippines đấy.
T.V