Tuesday, January 21, 2025
Trang chủĐàm luậnBài học giữ nước nhìn từ sự kiện TQ đánh chiếm đá...

Bài học giữ nước nhìn từ sự kiện TQ đánh chiếm đá Gạc Ma năm 1988

Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam vô số bài học sâu sắc và quý báu trong sự nghiệp bảo vệ sự trường tồn của quốc gia và dân tộc.

Trong đó, có cả những bài học về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước cần được đúc rút cẩn thận để thế hệ người Việt hiện nay tiếp tục bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông ngày một hiệu quả hơn, vững chắc hơn trước một Trung Quốc với tham vọng trở thành “siêu cường” mà muốn “độc chiếm Biển Đông” hòng “khuynh đảo” các đại dương và buộc cả thế giới phải “thần phục” “trật tự mới” do họ lăm le dẫn dắt. Nhìn lại sự kiện 36 năm trước đây, Trung Quốc đánh chiếm đá Gạc Ma nằm trên vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vẫn cho thấy những bài học còn nguyên giá trị, mỗi người Việt Nam yêu nước không thể không “khắc cốt ghi tâm”.  

Từ những tính toán và bước đi của Trung Quốc trong việc đánh chiếm đá Gạc Ma năm 1988…

Như đã biết, sau khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa tháng 01/1974, ngày 14/3/1988, Trung Quốc tiếp tục đánh chiếm đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa. Trong trận chiến này, mặc dù lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh, quyết tử đến cùng để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, kẻ thù thì hung hãn, vũ khí trang bị đầy mình và dã tâm đánh chiếm bằng được, nên phía ta chỉ giữ được đá Cô Lin và Len Đao, còn Gạc Ma rơi vào tay quân Trung Quốc, bị chiếm đóng bất hợp pháp từ đó đến nay và biến thành căn cứ quân sự nhằm thực hiện các bước đi tiếp theo của chúng ở Biển Đông. Việc Trung Quốc quyết tâm đánh chiếm các thực thể Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma ở Trường Sa là sự tính toán kỹ lưỡng, chờ đợi thời cơ và lợi dụng các yếu tố thuận lợi cả về khách quan và chủ quan.

Về khách quan, Bắc Kinh đã nghiên cứu xem xét toàn diện bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, tương quan lực lượng giữa các nước lớn vào giai đoạn những năm cuối thập kỷ 1980, cũng như tình hình “sức khỏe” của Việt Nam để “ra tay”. Đó là:

Thứ nhất, cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai “siêu cường” Xô – Mỹ đang đi đến hồi kết. Cả Liên Xô lẫn Mỹ đều có nhu cầu giảm căng thẳng quan hệ song phương để tập trung vào giải quyết các vấn đề nội bộ của mỗi nước. Về phía Mỹ, sức mạnh của nước này đã suy giảm đi nhiều do sự cạnh tranh ngày càng tăng của đồng minh Nhật Bản và Tây Âu trong lĩnh vực kinh tế, cũng như do phải hao tiền, tốn của trong cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt trở lại với Liên Xô vào nửa đầu thập niên 80. Cuộc đua tranh này chỉ giảm nhiệt khi vào năm 1985, Gorbachev – người có lập trường hòa giải với Mỹ và chủ trương kết thúc Chiến tranh Lạnh, được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Còn về phía Liên Xô, sau gần 10 năm “sa lầy tai hại” do đưa quân vào Afghanistan từ năm 1979 và đối mặt với các khó khăn chồng chất trong quan hệ với phương Tây và Trung Quốc, Moskva phải tiến hành cải tổ cả về kinh tế lẫn chính trị, giành ưu tiên cao nhất cho công cuộc cải tổ nên không muốn quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Vì thế, Gorbachev chủ trương cắt giảm triển khai quân đội ra bên ngoài lãnh thổ, rút bớt sự ủng hộ đối với Việt Nam, đàm phán với Trung Quốc về biên giới lãnh thổ… Bối cảnh tình hình như trên đã cho phép Trung Quốc xem xét, đánh giá khả năng không có sự can thiệp của các nước lớn bên ngoài, bao gồm cả Liên Xô và Mỹ, khi họ đánh chiếm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Trên thực tế, đúng như phán đoán của Bắc Kinh, khi họ tiến hành đánh chiếm các đảo, đá ở Trường Sa năm 1988, Mỹ chẳng những không có phản ứng gì là điều dễ hiểu, mà ngay cả lực lượng của Hải quân Liên Xô đang “đồn trú” ở quân cảng Cam Ranh của Việt Nam cũng “án binh bất động”, không có bất kỳ động thái nào để “chia lửa” với Việt Nam như trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc của Việt Nam năm 1979, dù rằng Hiệp ước hợp tác và hữu nghị Xô – Việt được ký năm 1978, có giá trị 25 năm, đến lúc đó vẫn còn hiệu lực.

Thứ hai, Trung Quốc đã xem xét rất kỹ những “điểm nóng” nổi lên ở khu vực để lựa chọn thời điểm hành động ở Trường Sa mà không gây sự chú ý của dư luận quốc tế, nhằm bảo toàn hình ảnh và uy tín rằng, Trung Quốc là nước “yêu chuộng hòa bình, chỉ phòng thủ và tự vệ, không bành trướng”. Thực tế vào thời điểm đó, Việt Nam đã từng bước rút quân khỏi Campuchia kể từ năm 1986, quan hệ Việt Nam – ASEAN nhờ đó có sự cải thiện dần song chưa phải đã triệt tiêu hết căng thẳng; các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề Campuchia đang được đẩy mạnh, các bên chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc gặp không chính thức Jakarta (JIM) lần thứ nhất vào tháng 7/1988 và lần thứ hai vào tháng 02/1989, nhưng Việt Nam vẫn đang trong tình trạng bị bao vây, cô lập do nhiều nước vẫn chưa hiểu hết thiện chí của Việt Nam trong việc đưa quân sang giúp đỡ, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Vì thế, dư luận quốc tế lúc đó chủ yếu, tập trung quan tâm nhất là các biện pháp giải quyết vấn đề Campuchia ra sao, rất ít quan tâm các vấn đề khác. Nhận diện ra bối cảnh “tranh tối tranh sáng” đó, Trung Quốc đã nhanh chóng đánh chiếm các thực thể ở Trường Sa mà việc làm trắng trợn đó vẫn thoát được “búa rìu” của dư luận khu vực, quốc tế. Quả nhiên, nhiều nước trong khu vực mặc dù bị Trung Quốc xâm phạm trái phép chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông, nhưng đều “im hơi lặng tiếng”, không hề có phản ứng nào khi Bắc Kinh đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam ở thời điểm đó.

Thứ ba, Bắc Kinh lợi dụng lúc Việt Nam đang ở tình thế vô cùng khó khăn để hành sự. Theo đó, Việt Nam vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì lại phải căng mình chống Khmer Đỏ đánh phá biên giới Tây Nam và Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc. Chiến tranh đã đẩy nền kinh tế Việt Nam rơi vào kiệt quệ, trong khi nguồn viện trợ, giúp đỡ từ Liên Xô cũng không còn vì nước này đang bên bờ vực khủng hoảng, tất cả mọi nguồn lực cho xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước, Việt Nam đều phải tự lực cánh sinh. Năm 1988, Việt Nam tuy đã có sự khởi sắc sau hai năm thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng khởi xướng, song vẫn phải đối mặt rất lớn với nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội. Trong khi ở bên ngoài, cả Mỹ, phương Tây, Trung Quốc và ASEAN cùng bao vây, cô lập Việt Nam về ngoại giao và kinh tế vì vấn đề Campuchia. Ngoài ra, các vấn đề như thuyền nhân di tản, cải cách công thương nghiệp đối với Hoa kiều cuối thập kỷ 70 cũng phần nào làm suy giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài ra còn phải kể đến yếu tố thời tiết tự nhiên. Những tháng đầu năm hàng năm là quãng thời gian thời tiết ở Biển Đông rất tốt, hầu như không có mưa bão, “trời yên biển lặng”, rất thuận lợi cho hoạt động quân sự. Vì thế, cũng như sự kiện đánh chiếm Hoàng Sa tháng 01/1974, Trung Quốc đã khai thác triệt để yếu tố này để khởi binh ở Trường Sa, đảm bảo giành được thắng lợi.

Về chủ quan, Trung Quốc dựa vào sự gia tăng sức mạnh bản thân sau 10 năm cải cách và những nhu cầu ‘bất khả kháng” trong giải quyết mâu thuẫn nội bộ để mở rộng tham vọng chủ quyền bằng hành động quân sự.

Tháng 12/1978, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ III (Khoá XI), đã vạch ra đường lối mới, mở đầu cho công cuộc cải cách kinh tế – xã hội ở Trung Quốc. Đến năm 1988, mức tăng bình quân hàng năm của tổng sản phẩm quốc dân là 9,6%, xuất nhập khẩu tăng gấp 4 lần, thu nhập bình quân hàng năm của nông dân tăng 11,8%, của cư dân thành thị tăng 6,5%; tổng giá trị sản phẩm quốc dân tăng 1.401,5 tỷ Nhân dân tệ, thu nhập quốc dân là 1.177 tỷ Nhân dân tệ (tăng 20 lần so với năm 1949). Sản lượng công nghiệp từ năm 1978 đến năm 1990 tăng trung bình hàng năm là 12,6%. Tuy nhiên, từ 1984 – 1991, khi công cuộc cải cách, mở cửa bước vào giai đoạn quyết định thì các cuộc đấu đá nội bộ diễn ra quyết liệt giữa hai phe bảo thủ và cải cách trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để giải quyết áp lực chính trị nội bộ này, cải thiện uy tín và tính chính danh của Đảng cầm quyền trong lòng người dân, ngoài việc tiếp tục duy trì và nâng cao thành tựu đã có, Trung Quốc rất cần có một “dấu son” nhằm giải tỏa khát vọng của người dân trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, và sự lựa chọn phù hợp nhất lúc đó là cuộc tấn công lấn chiếm ở Trường Sa.

… đến bài học kinh nghiệm cần quan tâm trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay và tương lai

Và thế là những gì đã diễn ra trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam đã diễn ra theo tính toán của Bắc Kinh. Sự kiện đẫm máu do Trung Quốc gây ra cách đây 36 năm đã để lại “vết nhơ” khó rửa trong quan hệ hai nước. Đồng thời, cảnh tỉnh các thế hệ người Việt Nam các bài học sâu sắc sau đây:

Một là, dù quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nay đã có sự phục hồi hữu nghị, phát triển theo chiều thuận và thậm chí có lúc còn “thăng hoa” nữa, Trung Quốc được coi là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, không người Việt Nam nào được phép quên đi ý đồ của Bắc Kinh đối với Biển Đông, bởi lịch sử những cuộc xâm chiếm ở vùng biển này của họ đã nhắc nhở chúng ta phải luôn nhớ. Năm 1974, Trung Quốc thừa cơ “đục nước béo cò” để đưa quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là bước đi đầu tiên họ thể hiện sức mạnh trên biển trước Việt Nam và các nước Đông Nam Á và cũng là bước đi đầu tiên trong ý đồ “vươn ra biển khơi” mà họ đã nghiền ngẫm, nung nấu từ thời Tôn Trung Sơn trước đây. Tiếp đó năm 1988, Trung Quốc tiếp tục tấn công một loạt đảo, đá ở Trường Sa và chiếm giữ các thực thể, trong đó có đá Gạc Ma từ đó đến nay. Không chỉ có vậy, năm 1995, Trung Quốc còn đánh chiếm bãi cạn Vành Khăn do Philippines quản lý. Đảo quốc này vô cùng phẫn nộ, uất ức nhưng hiềm nỗi do tiềm lực quân sự quá yếu nên đành “khoanh tay đứng nhìn” một phần lãnh thổ rơi vào tay ngoại bang. Thế rồi tháng 6/2012, họ lại gây sự ở bãi cạn Scarborough cũng của Philippines và thừa cơ giành quyền kiểm soát thực tế bãi cạn này.

Như vậy, từ chỗ không kiểm soát bất cứ thực thể nào ở Trường Sa, sau khi “ra tay” chớp nhoáng, biến mọi sự thành chuyện đã rồi, thì đến nay, Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép 7 thực thể của Việt Nam tại Trường Sa và bồi lấp chúng thành các đảo nhân tạo, biến nơi đây thành các căn cứ quân sự trên Biển Đông. Việc Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và các thực thể ở Trường Sa mang bản chất là dùng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền của quốc gia khác, không hề được pháp luật quốc tế thừa nhận. Nhưng ỷ thế là “kẻ mạnh” hơn người, Trung Quốc giả như “mù màu” về sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là liệu nước này có lặp lại các hành động xấu xa như đã từng làm trong quá khứ hay không?

Câu trả lời không khó, bởi hiện nay, Trung Quốc một mặt đang “mua chuộc” các nước ASEAN bằng các dự án kinh tế thuộc “Vành đai và con đường” trị giá hàng tỉ USD để “chia rẽ” các nước này. Đồng tiền của họ đang khiến nhiều quốc gia ASEAN “mờ mắt” mà có sự cách biệt nhau về quan điểm. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore đã cho thấy, 7 trong số 10 nước ASEAN “thích” Trung Quốc hơn. Mặt khác, Bắc Kinh còn ra sức tuyên truyền, “tô vẽ” mập mờ về tình hình “ổn định” ở Biển Đông và đưa ra mốc thời gian sẽ hoàn thành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong 3 năm tới. Đây chẳng qua là một trong các thủ đoạn ngoại giao của họ nhằm lấy lòng và đánh lừa các nước trong khu vực, đồng thời ngăn cản các quốc gia bên ngoài can dự vào Biển Đông. Ông Antonio Carpio, cựu thẩm phán Toà án tối cao Philippines, một trong những tác giả quan trọng của phiên toà thế kỷ – Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016, đã cảnh báo rằng: “Trung Quốc sẽ không ngưng việc bồi lấp các đảo nhân tạo và sẽ tiếp tục bồi lấp Scarborough, trước khi các bên ký kết COC”. Cảnh báo của ông Carpio rõ ràng trùng hợp với những gì đã chỉ ra về hành động và việc làm của Trung Quốc từ năm 1974 đến nay, Bắc Kinh luôn tìm mọi cách để tạo lợi thế, kể cả bằng biện pháp quân sự, khiến “gạo chuyển thành cơm”. Thậm chí, với các hành động gây hấn trên Biển Đông gần đây của họ với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, thì mục tiêu xuyên suốt của Bắc Kinh vẫn là nhằm biến các vùng biển không có tranh chấp thành có tranh chấp với các nước, cưỡng ép các quốc gia trong khu vực từ bỏ hợp tác khai thác với các quốc gia khác để “hợp tác khai thác chung” theo cách thức của Trung Quốc, thực hiện cái gọi là “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nước nào không tỉnh táo, cảnh giác thì lại rơi vào thủ đoạn đầy gian manh và xảo trá của Bắc Kinh mà thôi.

Hai là, không chỉ có vậy, Việt Nam cần phải chủ động và có tầm nhìn chiến lược hơn nữa trong việc giữ gìn, bảo vệ vững chắc các thực thể đang thuộc quyền nắm giữ và quản lý ở Biển Đông, Trường Sa. Bởi lịch sử cũng lại cho thấy: Năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản quần đảo Trường Sa từ Việt Nam Cộng hòa. Khi đó, mới chỉ có 5 đảo là Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn là có quân Việt Nam Cộng hòa chốt giữ, riêng đá An Bang mới kịp đặt bia chủ quyền chứ chưa có người. Ngay trước khi tiếp quản, các nhà lãnh đạo Việt Nam với bài học Hoàng Sa năm 1974, đã nhận định, nếu không tiếp quản nhanh và kịp thời thì nước khác sẽ thừa cơ “nước đục thả câu”, nhảy vào chiếm mất. Đúng như dự đoán, ngày 25/4/1975, Hải quân Việt Nam tiếp quản Sơn Ca, ngày 27/4 làm chủ Nam Yết và Sinh Tồn, ngày 28/4 tiếp quản Trường Sa Lớn và An Bang, thì sáng 29/4/1975, xuất hiện một số “tàu lạ” đã lởn vởn tiếp cận các đảo, đá này, nhưng nhìn thấy cờ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đó, nên chúng đành bỏ đi.

Những năm 1980, Trung Quốc đã liên tục cho tàu cá giả dạng xuống do thám Trường Sa và các bãi cạn trong thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, Ban Biên giới Chính phủ khi đó đã kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần khẩn trương xây dựng các nhà giàn cao chân trên các bãi cạn nằm trong thềm lục địa phía Nam như Ba Kè, Tư Chính, Vũng Mây, Huyền Trân… nếu không, Trung Quốc sẽ đánh chiếm. Chủ trương này nhanh chóng được chấp nhận và triển khai ngay. Vào thời điểm đó, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn tận dụng tối đa mọi khả năng có thể để củng cố phòng thủ, tăng cường các điểm đóng quân chốt giữ Trường Sa và các bãi cạn nằm trong thềm lục địa phía Nam. Tuy nhiên, do tiềm lực có hạn, trong khi Trung Quốc đã bắt đầu lăm le nhòm ngó. Đầu năm 1988, Bắc Kinh điều quân chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi cạn ở Trường Sa mà ta chưa có điều kiện đưa quân ra chốt giữ. Ngày 31/1/1988, Trung Quốc chiếm Chữ Thập, ngày 18/2 chiếm Châu Viên, ngày 26/2 chiếm Ga Ven, ngày 28/2 chiếm Tư Nghĩa và ngày 23/3 chiếm Xu Bi. Trong lúc này, Việt Nam gấp rút triển khai đóng giữ đá Tiên Nữ ngày 26/1, đá Lát ngày 5/2, đá Lớn ngày 6/2, đá Đông ngày 18/2, đá Tốc Tan ngày 27/2, đá Núi Le ngày 2/3, bước đầu ngăn chặn hành vi bành trướng, chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc. Việt Nam cũng đã dự kiến tình huống Trung Quốc sẽ tìm cách chiếm Gạc Ma để chặn đường tiếp tế của ta cho các đơn vị đóng quân ở Trường Sa, do đó đã hạ quyết tâm và lên kế hoạch đóng giữ, củng cố Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Khi chúng ta đưa 3 tàu vận tải chở lực lượng công binh ra phòng thủ Gạc Ma thì 3 khu trục hạm Trung Quốc được trang bị đầy đủ vũ khí hạng nặng cũng tìm cách tiếp cận, ngăn cản hoạt động của ta. Chiến sự nổ ra ngày 14/3/1988 bởi sự khiêu khích, nổ súng trước của lính Trung Quốc và trong cuộc chiến không cân sức này, 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, Gạc Ma thất thủ.

Điểm lại sự kiện trên để thấy rằng, nếu không có tầm nhìn, quyết tâm và hành động khẩn trương phòng thủ Trường Sa và các bãi cạn ở thềm lục địa phía Nam trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thì chúng ta có thể đã mất nhiều hơn. Đây là minh chứng hùng hồn về tính chủ động, quyết tâm giữ nước của lớp cha anh đi trước, cũng là kinh nghiệm quí báu trong việc sớm xây dựng các kế hoạch, chiến lược để củng cố, giữ gìn, bảo vệ vững chắc các thực thể thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông khi ý đồ giành quyền kiểm soát trên vùng biển này của Trung Quốc ngày càng lấn lướt và quyết đoán hơn.

Ba là, những hành động Trung Quốc xâm chiếm biển, đảo của Việt Nam còn cho thấy, Bắc Kinh luôn nhằm vào những thời điểm Việt Nam gặp khó khăn nhất để ra tay. Vì vậy, bài học muôn thuở ở đây là phải xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, sao cho Trung Quốc không muốn, không dám và không có cơ hội để nhòm ngó, xâm chiếm chủ quyền biển, đảo của ta. Có rất nhiều việc phải làm đối với vấn đề này, trong đó cần nhất là phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp quốc gia, bao gồm quốc phòng, an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp lý… và sự tập trung thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng Hải quân nhân dân làm nòng cốt thì mới có thể bảo đảm được khả năng bảo vệ chủ quyền, duy trì hòa bình, ổn định lâu dài trên biển. Tiếp theo là phải xây dựng sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận trong bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc ở Biển Đông. Lịch sử dân tộc ta nhiều lần chứng minh, khi nội bộ đoàn kết, lòng dân hòa thuận thì biên cương ổn định, bờ cõi yên bình. Nhưng khi trên dưới bất hòa, lòng dân ly tán, ắt ngoại bang sẽ nhòm ngó, xâm lăng. Suy ra, trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, “biển có yên thì bờ mới ấm”, có bảo vệ được bình yên biển, đảo thì trong nước mới ổn định, phát triển. Ngược lại, “trong bờ có ấm, ngoài biển mới yên”, đất nước có ổn định, phát triển mới tạo ra thế và lực để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bốn là, nhìn vào cái cách Trung Quốc xem xét chiến lược, chính sách Biển Đông của các nước lớn, nhất là Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga), và bối cảnh tình hình mọi mặt trước khi khởi sự đánh chiếm các thực thể ở Biển Đông còn cho thấy, yếu tố khách quan luôn là điều kiện mà Bắc Kinh phải “nhìn ngược ngó xuôi” đầu tiên. Ngày nay, không chỉ có Mỹ, Nga mà còn có nhiều nước lớn khác trong và ngoài khu vực có lợi ích ở Biển Đông, bên cạnh đó, còn có ASEAN, tổ chức đóng vai trò chủ chốt tại khu vực đang nổi lên như là “chìa khóa” trong các “toan tính” của Trung Quốc với Biển Đông. Hẳn nhiên, điều mà Trung Quốc quan tâm là liệu ASEAN có thống nhất thành một khối, tạo thành sức mạnh tập thể kiềm chế tham vọng của Trung Quốc không; quan điểm về Biển Đông của ASEAN ra sao, có phản đối Trung Quốc mạnh mẽ không; quan điểm của từng thành viên ASEAN như thế nào, giữa họ có sự bất đồng nào để Trung Quốc có thể gây chia rẽ ASEAN dễ dàng hơn… Bài học “nhỡn tiền” đặt ra là Việt Nam cần phải có chính sách ngoại giao cực kỳ khôn khéo và thông minh, phù hợp với từng nước để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước, góp thêm sức mạnh trong các biện pháp, đối sách giải quyết vấn đề chủ quyền của Việt Nam, buộc Trung Quốc phải “dè chừng” trong các hoạt động trái phép ở Biển Đông.

Năm là, yếu tố “thiên thời” cũng là điều cần được quan tâm chú ý nhiều hơn cho dù thời tiết nóng, lạnh hay dông, bão trên biển là thuộc về tự nhiên, con người không thể quyết định được. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tận dụng triệt để yếu tố thuận lợi của tự nhiên để góp phần gây bất ngờ và đánh lừa đối phương, giúp họ đánh chiếm thành công các thực thể ở Biển Đông trong các trường hợp như Hoàng Sa (01/1974), Gạc Ma (3/1988), Vành Khăn (02/1995), Scarborough (6/2012). Rõ ràng các sự kiện thường xảy ra từ tháng 01 đến tháng 3 hàng năm hoặc sau đó một vài tháng. Ngay cả việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò, khảo sát vào hoạt động trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam diễn ra trong các năm 2014, 2019, 2023 và gần đây nhất là đưa tàu Hải cảnh lớn nhất hoạt động trong khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam (20/2/2024), cũng đều diễn ra trong khoảng thời gian trên. Vậy không có lý do gì để các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam lại lơ là, mất cảnh giác với các hoạt động trên biển của Trung Quốc trong những khoảng thời gian đó. Nhìn lại sự kiện Gạc Ma 36 năm trước đây, sự hy sinh cao cả của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam để bảo vệ chủ quyền đất nước trên đá Gạc Ma, đã dựng lên một “vòng tròn bất tử” về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Suốt từng ấy năm qua đi, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu tích nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng về các anh hùng liệt sĩ ở Gạc Ma. Tấm gương anh dũng, quả cảm của các anh mãi mãi trường tồn với dân tộc này, nước non này cùng Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Đó là một phần lịch sử không thể nào quên và không được phép quên, là những bài học kinh nghiệm quí báu, là niềm tự hào để các thế hệ người Việt Nam tiếp theo tiếp tục nắm chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới