Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Âu, NATO tranh luận trái chiều về đưa quân sang Ukraine

Châu Âu, NATO tranh luận trái chiều về đưa quân sang Ukraine

Những tranh cãi về kịch bản Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trực tiếp đưa quân đến chi viện cho Ukraine đặt ra bài toán sống còn cho tương lai của châu Âu.

Thay vì đưa binh sĩ NATO tới Ukraine, tại sao không đưa cả trăm ngàn người thuộc diện nghĩa vụ quân sự của Ukraine hồi hương đi chiến đấu? Giải pháp này được Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak gợi ý trong một cuộc tranh luận phát trên Đài TA3 TV (Slovakia) ngày 10-3.


Châu Âu, NATO bối rối và tranh cãi

Theo ông Kalinak, khoảng 300.000 nam giới Ukraine đã rời đất nước kể từ tháng 2-2022, thời điểm Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Trong đó có nhóm thuộc độ tuổi huy động quân của Ukraine.

“Không gì có thể giúp quân đội Ukraine hơn sự hồi hương của các nam giới thuộc diện nghĩa vụ có thể tham chiến. Họ có lòng yêu nước, vì vậy chúng ta phải động viên và cung cấp nguồn lực cho những người trẻ có thể phục vụ quân đội này, để họ quay lại và hành động. Đây chắc chắn là giải pháp tốt hơn so với việc đưa lính của chúng ta tới đó”, ông Kalinak nói

Từ tháng 2, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu đề cập khả năng đưa lính NATO tới Ukraine, nhiều đồng minh và cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lập tức bác bỏ. Phương Tây về cơ bản vẫn muốn giữ căng thẳng với Nga ở mức dưới ngưỡng một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Matxcơva cũng đã đưa ra những cảnh báo đanh thép về nguy cơ chiến tranh toàn diện với NATO nếu lính NATO trực tiếp tới Ukraine chiến đấu.

Tuy nhiên kịch bản này, dù ban đầu có vẻ khó tưởng tượng, đang trở thành chủ đề nghiêm túc tại châu Âu cũng như các thành viên NATO. Ông Macron từ chỗ khá đơn độc lại đang tìm thấy tiếng nói chung với các nước vùng Baltic.

Theo trang Politico, Pháp đang xây dựng một liên minh với các nước cởi mở với phương án đưa lính phương Tây tới Ukraine. Hôm 8-3, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đã tới Lithuania gặp gỡ các đồng nghiệp Ukraine và vùng Baltic. Họ thảo luận về ý tưởng lính nước ngoài đến Ukraine, dù chỉ làm các nhiệm vụ như hỗ trợ kỹ thuật, rà phá bom mìn thay vì tham gia tác chiến.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cũng tán đồng việc thảo luận về khả năng đưa lính nước ngoài tới Ukraine, nhấn mạnh sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine mọi điều Kiev cần. “Không thể có thêm từ “nhưng” ở đây. Chúng ta phải vạch lằn ranh đỏ với Nga chứ không phải với bản thân mình”, ông nói. Đáng chú ý, Ba Lan cũng thay đổi lập trường khi Ngoại trưởng Radosław Sikorski hôm 8-3 cũng khẳng định sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine “không phải chuyện không tưởng”.
Châu Âu giữa ngã ba đường

Phát biểu mạnh mẽ của các nước vài ngày qua trái ngược với thái độ bác bỏ của đa phần các nước khác không lâu trước đó và cũng càng khiến quan hệ Đức – Pháp thêm nhiều điều khó nói. Đức đã không hài lòng khi bị Tổng thống Pháp Macron nhắc khéo về mức độ ủng hộ Ukraine của Berlin.

Tuy nhiên sau tất cả, phản ứng của các bên quanh kịch bản “lính NATO tới Ukraine” không chỉ là màn tranh cãi ngoại giao, cũng không hẳn chỉ xoay quanh Ukraine. Nhiều ý kiến chỉ trích ông Macron cho rằng ông phát biểu liều lĩnh, muốn “chơi trội” để thể hiện sự lãnh đạo của Pháp tại châu Âu cũng như chính trị quốc tế.

Nhưng có vẻ tổng thống Pháp đã chấp nhận mạo hiểm, tiên phong điểm vào vấn đề dai dẳng châu Âu chưa giải quyết được: một lực lượng quân đội đủ mạnh mẽ để tự bảo vệ, một cơ chế phòng thủ và hành động tốt hơn trong những thời điểm khủng hoảng.

Trong bài viết về “bài kiểm tra của châu Âu” nhìn từ Ukraine vài tháng trước, ông Radek Sikorski – thành viên Ba Lan tại Nghị viện châu Âu – đã chỉ ra khó khăn của lục địa này trong lĩnh vực quốc phòng.

Ông Sikorski – người từng đảm nhiệm các vị trí như bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao và chủ tịch Hạ viện Ba Lan – đã lưu ý về nguyên nhân châu Âu khó tìm tiếng nói chung khi phản ứng trước các cuộc khủng hoảng như tại Ukraine.

Khác với các nước Baltic, vẫn còn nhiều nước ở châu Âu không thực sự muốn thay đổi cuộc sống để lao vào kịch bản chiến tranh với Nga. Ông Sikorski lấy ví dụ tại Bồ Đào Nha, Ý hoặc Bỉ, người dân chưa bao giờ thấy một người lính Nga, vì vậy yếu tố lịch sử hoặc nhân khẩu học cũng góp phần ngăn cản châu Âu hành động. EU trong khi đó lại là một liên minh ràng buộc bằng hiệp ước và quyết định chung, với quyền lực phân tán cho các thành viên.

Vấn đề về quân đội châu Âu và chuyện EU khó đưa ra quyết định do cơ chế hoạt động đã được thảo luận từ lâu. Và lúc này, ông Macron có vẻ là người đang sẵn sàng “tử vì đạo” để thúc đẩy các tranh luận nhằm tìm giải pháp cho kịch bản tương tự Ukraine, vốn có thể xảy ra đâu đó trên thế giới và liên quan trực tiếp tới lợi ích ngoại giao, kinh tế của EU.

RELATED ARTICLES

Tin mới