Wednesday, May 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTết TQ có giống Việt Nam không?

Tết TQ có giống Việt Nam không?

Dù Việt Nam và Trung Quốc đều nghỉ tết Nguyên Đán âm lịch giống nhau; Trung Quốc từng đô hộ Việt Nam đến 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng hai nước vẫn có nhiều khác biệt cả về quan niệm và văn hóa đối với tết.

Đầu tiên, người Việt gọi Tết đầu năm mới âm lịch là Tết Nguyên Đán. Trung Quốc gọi ngày này là Xuân Tiết, trong đó, chữ “tiết” được biến âm và rút gọn thành Tết. Vậy nên, Xuân Tiết cũng có thể hiểu là Tết Xuân.

Thực ra, Trung Quốc cũng như Việt Nam, chúng ta có ngày nghỉ Tết chính thức cùng những ngày trước và sau Tết. Ở Trung Quốc, ngày nghỉ chính thức thường kéo dài từ ngày 30 tới 7, khoảng 7, 8 ngày. Đây là những ngày mà cơ quan nhà nước sẽ dừng hoạt động, các công việc hành chính sẽ tạm nghỉ, tương tự như ở Việt Nam. Thế nhưng, ngày nghỉ của người dân Trung Quốc lại sớm hơn rất nhiều. Từ ngày mùng 8/12, phía Trung Quốc đã có những lễ hội lớn, mang đến không khí rộn ràng, báo hiệu ngày Tết sắp đến. Còn đến ngày 15/12, rất nhiều công ty, doanh nghiệp đã cho nhân viên nghỉ việc để về quê chuẩn bị đón Tết. Còn ở Việt Nam chúng ta thấy phải ngày 23 mới bắt đầu có không khí Tết, được đánh dấu bằng ngày cúng ông Táo về trời. Công nhân lao động phải đến ngày 25, 27, thậm chí 28, 29 mới được nghỉ Tết. Như vậy, Tết của người Việt Nam chậm hơn.

Ở Việt Nam, ba ngày Tết chính để mọi người đi thăm anh em, họ hàng, bạn bè và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp là ngày mùng 1, 2, 3. Còn ở Trung Quốc, ngoài ba ngày đó ra, người Trung Quốc nhiều nơi còn đi chúc Tết đến ngày mùng 4,5. Sau đó, họ vẫn còn rất nhiều hoạt động để đón xuân. Các hoạt động có thể kéo dài đến tận Rằm tháng Giêng.

Như vậy, chuyện người Trung Quốc ăn Tết 40 ngày là có, nhưng nó bao gồm cả những ngày nghỉ không chính thức, chứ không phải là người dân được nghỉ Tết 40 ngày.

Về trang trí cho ngày Tết ở Việt Nam, nhà nào cũng chuẩn bị cho mình một cành đào, nếu là miền Bắc; còn miền Nam là cành mai. Ngoài ra, còn có quất, bưởi, đèn led nháy… Còn ở Trung Quốc, họ không chơi đào, mai, mà họ chơi mơ, thủy tiên, quất và cà tím, không hiểu tại sao người Trung Quốc lại chơi cà tím, nhưng loại quả này, nếu để tượng trưng, cũng rất thú vị. Nhà nào cũng trang trí đèn lồng, chữ dán màu đỏ, nhìn rất nổi bật, nhìn thấy cái là biết ngay là Tết. Người Trung Quốc, dán chữ Phúc trước cửa dán lộn ngược, chứ không dán thẳng.

Tại sao lại như vậy? Thì chữ Phúc ngược có nghĩa là Phúc đáo, bởi trong phát âm tiếng Trung thì Phúc đáo mang nghĩa là phúc đến, để cầu chúc năm mới nhiều tài lộc và hạnh phúc. Họ còn tổ chức múa lân, múa sư tử, đốt pháo, tạo nên không khí rất náo nhiệt, rộn ràng.

Về nguồn gốc, Tết của Trung Quốc xuất xứ từ văn hóa tế lễ tháng Chạp của thời vua Nghiêu Đế Thuấn, với lịch sử hơn 4000 năm.

Tương truyền, Vua Thuấn đã trở thành Hoàng đế đứng đầu triều đình xưa. Ông đã tổ chức cúng tế, bày tỏ lòng biết ơn trời đất vào ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch, kể từ đó dân chúng xem đây là ngày lành. Cứ tới ngày này hàng năm là lại ăn mừng một năm mới bình an hạnh phúc. Dần dần, tục lệ này ngày càng thêm linh đình, thời gian được kéo dài thêm, và cuối cùng nó trở thành những ngày Tết như hiện nay.

Có truyền thuyết nói rằng dịp Tết của Trung Quốc bắt nguồn từ một cuộc chiến chống lại con Niên. Trong truyền thuyết “Niên” là tên của một con quái vật hay xuất hiện vào đêm giao thừa để phá hoại gia súc, mùa màng và người dân trong làng thì ai cũng phải khiếp sợ. Muốn xua đuổi quái vật này phải mặc đồ đỏ, treo đèn lồng, câu đối trước nhà và đốt pháo. Chính vì vậy ta thấy bây giờ Tết Trung Quốc tràn ngập màu đỏ.

Nguồn gốc Tết của Việt Nam thì khác. Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2.879 trước Công nguyên; trị vì 2.622 năm, và từ đó, người Việt đã ăn Tết. Nghĩa là Tết của Việt Nam xuất hiện trước thời Bắc thuộc. Thêm nữa, theo truyền thuyết bánh chưng, bánh diầy, được con trai thứ 18 của Vua Hùng là Lang Liêu tạo ra để bày tỏ lòng biết ơn đến vụ mùa thu hoạch và có lịch sử lâu đời trước cả thời kỳ đô hộ. Nên Tết của Việt Nam không có nguồn gốc từ Trung Quốc và cách đón Tết, ý nghĩa của Tết của người Việt cũng khác Trung Quốc.

Ở Việt Nam, phong tục ăn Tết rất phong phú và đặc sắc. Đầu tiên là ngày 23 tháng Chạp âm lịch là lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Tiếp đó là các ngày rộn ràng gói bánh chưng ở miền Bắc hay là bánh tét ở miền Nam. Mọi người về quê, ra mộ thắp hương rước ông bà, ông vải về nhà đón Tết, cùng nhau chuẩn bị mâm ngũ quả. Đến đêm 30, mọi người làm mâm cơm cúng giao thừa. Giao thừa xong thì xông đất, hái lộc. Sáng mùng 1 đi chúc Tết, thăm hỏi, tới mùng 3 thì hóa vàng.

Người Trung Quốc cũng có lễ tiễn Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp nhưng họ tiễn Táo quân bằng ngựa. Món ăn truyền thống của người Trung Quốc là sủi cảo. Sáng mùng 1 Tết, người Trung Quốc cổ có phong tục là Khai môn pháo trượng, tức là đốt pháo đón mừng năm mới, nhiều nơi ăn canh bột nếp với rau cải để cầu sung túc. Năm mới họ sẽ không động đến chổi để quét nhà vì họ cho rằng làm như vậy sẽ quét may mắn ra khỏi nhà. Ở Trung Quốc cũng thường gặp tục múa lân, hội đèn lồng và rằm tháng riêng.

Riêng về ẩm thực Tết, Việt Nam nổi bật với những món nhìn là thấy Tết như là bánh chưng, bánh tét, giò, củ hành, mứt … Ngoài ra, còn có nhiều món đa dạng, phong phú khác tùy từng vùng miền. Ở miền Nam có củ kiệu, tôm khô, thịt kho, hột vịt, bánh tráng cuốn, canh khổ qua, miền bắc thì thịt đông, nem rán, canh măng khô.

Trung Quốc vốn nổi tiếng về một nền ẩm thực đồ sộ, nên thực đơn ngày Tết của người Hoa cũng hoành tráng. Có thể kể đến bánh cao niên, bánh khoai môn, bánh củ cải, sủi cảo, há cảo, gà cung Pao… một số món còn mang tính biểu tượng như là cá, bánh cảo…

Trung Quốc cũng lì xì cho trẻ em và người già để mang đến sự may mắn như Việt Nam, nhưng có những sự khác biệt. Theo truyền thống, trẻ em Trung Quốc sẽ nhận được những phong bao lì xì mừng tuổi. Sau đó chúng tích lại và cất dưới gối trong khoảng một tuần trước khi mở ra. Người Việt Nam có thể sử dụng tiền lì xì bất kỳ lúc nào.

Có một điều ít bạn biết đó là Tết ở Việt Nam và Tết ở Trung Quốc có thể lệch nhau một ngày. Năm 1967, Việt Nam chính thức theo múi giờ cộng 7 trong khi Trung Quốc theo múi giờ cộng 8. Cứ mỗi 23 năm số giờ chênh lệch cộng dồn thành một ngày. Do đó, một số tháng của âm lịch Việt Nam chênh nhau một ngày so với Trung Quốc.

Từ đó mà hình thành lên chu kỳ cứ 23 năm lại có một lần Tết âm lịch chênh nhau, vào 2030 và 2053, người Việt Nam sẽ ăn Tết sớm hơn Trung Quốc một ngày. Tết đối với người Việt Nam và người Hoa đều là ngày lễ hội quan trọng, vừa là để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới, vừa là để gia đình có cơ hội sum vầy và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong tương lai. Tết cũng là dịp để thờ cúng tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn đến bậc ông bà, cha mẹ, là dịp để sắm sửa quần áo, thực phẩm và trang hoàng lại ngôi nhà thật đầy đủ và sạch sẽ để đón một năm mới may mắn và đầy hy vọng. Đốt pháo là một hoạt động không thể thiếu trong những ngày Tết ở Trung Quốc, vì người dân tin là làm như thế sẽ xua đuổi tà ma và những điềm gở trong năm mới. Còn hoạt động này đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 1995.

Đêm giao thừa là lúc nhà nào cũng sẽ tổ chức bữa cơm tất niên cùng bên gia đình, sau đó sẽ ngắm pháo hoa tuyệt đẹp trên bầu trời, đánh dấu khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới