Các chuyên gia tại Đại học Stanford nghiên cứu về những thay đổi trong tác động của rượu bia đối với những người bị hậu Covid-19.
Việc uống rượu bia quá nhiều dễ dẫn đến cảm giác “thảm họa” vào sáng hôm sau, nhưng các triệu chứng có thể còn tồi tệ hơn nhiều đối với những người bị hậu Covid-19.
Thậm chí có bệnh nhân trải qua các triệu chứng như “ngộ độc cồn”, theo Đài Fox News ngày 14.3 dẫn một nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ).
Nghiên cứu đăng trên chuyên san Cureus xem xét mức độ nhạy cảm đối với cồn ở một nhóm nhỏ những người bị hậu Covid-19, trong đó có 50% trải qua những cơn đau đầu tồi tệ hơn sau khi uống cùng một lượng rượu bia như so với thời chưa mắc Covid-19.
Một phụ nữ 40 tuổi cho biết bà có thể uống 7 ly thức uống pha có chứa rượu nặng trong một đêm trước khi mắc Covid-19. Bệnh nhân này có tiền sử hen suyễn, thiếu máu, hạ huyết áp, đau nửa đầu và hội chứng Ehlers-Danlos.
Tuy nhiên, kể từ khi mắc Covid-19, bà trải qua triệu chứng sau khi “nhậu” giống như “bị ngộ độc rượu sau khi uống một lượng nhỏ rượu và cảm thấy khủng khiếp trong vài ngày sau khi uống”.
Bà cho biết “tửu lượng” của mình đã giảm đáng kể đến mức một cốc bia sẽ khiến bà nôn nao nghiêm trọng, cùng với các triệu chứng hậu nhiễm cấp tính SARS-CoV-2 (PASC) trầm trọng hơn trong 3 ngày sau đó.
Một nữ bệnh nhân khác (49 tuổi) có tiền sử tiểu đường type 1, bệnh celiac (bệnh đường ruột do không dung nạp gluten) được kiểm soát bằng chế độ ăn uống và ung thư vú.
Bệnh nhân này thường uống vài ly mỗi tuần và cũng nhận thấy “tửu lượng” mình giảm sau khi mắc Covid-19. Sau khi uống chỉ một ly rượu vang, bà cảm thấy “phản ứng tồi tệ khiến mình không thể di chuyển nổi”.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng phản ứng và độ nhạy cảm với cồn có thể xảy ra sau khi nhiễm Covid-19 ở bệnh nhân PASC.
“Nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cơ chế của Covid-19 kéo dài và các hội chứng hậu virus khác”, theo chuyên gia Linda Geng tại Đại học Stanford và là đồng tác giả nghiên cứu.
T.P