Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông - Điểm nóng không chỉ có ở khu vực...

Biển Đông – Điểm nóng không chỉ có ở khu vực bãi Cỏ Mây

 Không chỉ có khu vực Bãi Cỏ Mây là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trong thời gian vừa qua mà trong tháng 2 lại nổi lên thêm vụ việc căng thẳng xảy ra ở bãi cạn Scarborough. Cục diện trên đã tạo ra hai điểm nóng tiềm ẩn giữa Trung Quốc với Philippines ở Biển Đông. Trong khi đối với Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục bình thường hóa các hoạt động cái gọi là “chấp pháp” ở khu vực bãi ngầm Tư Chính thuộc thềm lục địa của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Về vụ việc với Philippines liên quan tới bãi cạn Scarborough, hàng loạt cọ xát trên thực địa như việc Trung Quốc thực hiện “hành động nguy hiểm” nhằm chặn tàu BRP Datu Sanday tiếp tế cho ngư dân của Philippines (15 – 16/02), hay vụ lắp đặt hàng rào phao nổi (15/02). Phi-lip-pin cũng cáo buộc phía Trung Quốc sử dụng chất xyanua độc hại để phá hủy môi trường bãi cạn Scarborough…Phía Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ về những động thái của Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough: cam kết sẽ có hành động pháp lý khi có đầy đủ bằng chứng về thông tin Trung Quốc cố ý sử dụng xyanua để phá hủy môi trường bãi cạn Scarborough, thậm chí có thể nghiên cứu vụ việc để chuẩn bị hồ sơ khởi kiện trước một cơ quan tài phán quốc tế về vấn đề suy thoái môi trường ở Biển Đông. Giới chức Philippines cũng cho biết nước này sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra khu vực bãi cạn Scarborough trước các vụ hải cảnh Trung Quốc gây rối ngư dân Philippines để bảo đảm an toàn, an ninh cho ngư dân Philippines tại ngư trường truyền thống này.

Trung Quốc thì như lâu nay, đáp lại cứng rắn và phi lý trước cáo buộc của phía Philippines liên quan đến bãi cạn Scarborough, tiếp tục khẳng định lập trường nhấn mạnh “Đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) luôn là lãnh thổ của Trung Quốc”. Về cáo buộc sử dụng xyanua nhằm cố ý phá hoại môi trường bãi cạn Scarborough, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích cáo buộc này là “hoàn toàn bịa đặt”, “chính phủ Trung Quốc coi trọng việc bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và cương quyết đấu tranh với các hoạt động đánh bắt trái phép”. Bình luận về thông tin lắp đặt hàng rào phao nổi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng động thái này là nhằm phản ứng lại “hàng loạt động thái của Philippines trong vùng biển của Đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough), xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”, “Trung Quốc buộc phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của mình”. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc không có phát biểu cụ thể về vụ việc quấy rối tàu Philippines tiếp tế cho ngư dân ở bãi cạn Scarborough, chỉ tuyên bố “đã trục xuất một tàu của Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Philippines xâm nhập trái phép vào vùng biển lân cận đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) bất chấp những cảnh báo liên tục của Trung Quốc”. Đương nhiên, những phát biểu này đã bị phía Philippines bác bỏ. Trong khi đó, truyền thông Nhà nước Trung Quốc tập trung chỉ trích, cáo buộc Philippines lạm dụng và đơn phương phá hoại nền tảng thiện chí của Bắc Kinh đối với Manila; rồi xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”, cảnh cáo nếu những hành động khiêu khích như vậy vẫn tiếp diễn, Trung Quốc có thể buộc phải thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để kiểm soát tình hình”. Các trang mạng xã hội của Trung Quốc Sohu, 163.com, Mạng Phượng Hoàng (Tencent)… được tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn dắt được thể cay cú ra sức đổ lỗi cho Philippines liên tục có những hành động khiêu khích ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây, đồng thời liên tục thổi phồng vấn đề Biển Đông”, sử dụng kiểu chiến tranh dư luận công khai nhằm “tạo ra làn sóng chống Trung Quốc”, Philippines đã bị Mỹ xúi giục, khiêu khích”, “muốn lợi dụng sự hỗ trợ của Mỹ để hưởng lợi trong vấn đề Biển Đông”…

Vụ việc này tiếp nối những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh các đảo, đá tranh chấp ở Biển Đông vào năm ngoái với một số vụ va chạm giữa tàu của hai nước và tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào các tàu của Phi-lip-pin. Các sự cố xảy ra ở bãi cạn Scarborough cũng như với bãi Cỏ Mây có ý nghĩa quan trọng đối với cả Philippines và Trung Quốc, vì thực tế khu vực này là chìa khóa để vô hiệu hóa yêu sách bành trướng của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc dường như đang quyết tâm đẩy lùi những nỗ lực điều chỉnh chính sách Biển Đông có tính bước ngoặt của Philippines của Tổng thống Ferdinand Marcos từ sau khi nhậm chức hồi tháng 6/2022. Về ngoại giao, Philippines đã tăng cường thế liên minh với Mỹ, thế liên kết với các nước trong và ngoài khu vực. Trên mặt trận dư luận, Philippines triển khai sách lược tuyên truyền sâu rộng, đa dạng, tận dụng mọi kênh thông tin với qui mô chưa từng có nhằm tranh thủ dư luận quốc tế, gây lúng túng cho Trung Quốc. Trên thực địa, nước này tỏ ngày càng quyết tâm thách thức sự hiện diện của Trung Quốc tại Scarborough vì việc ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá ở Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn bất hợp pháp do Phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 đã trao cho ngư dân của cả hai nước quyền đánh bắt cá ở đó. Philippines cũng thể hiện quyết tâm “sắt đá” thách thức những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn việc tiếp tế cho quân đội Philippines tại Bãi Cỏ Mây như sự kiện 05/3 vừa qua.

Trong khi đối với Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục cho tàu hải cảnh hoạt động trong vùng thềm lục địa của Việt Nam ở bãi Tư Chính. Dữ liệu từ trang web theo dõi tàu biển Marine Traffic cho thấy tàu hải cảnh 5901 của Trung Quốc ngày 20/2 đã bật Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) gần Bãi Tư Chính của Việt Nam và hiện diện tại khu vực này trong vài ngày. Tàu 5901 là một trong những tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc. Liên quan đến hoạt động tuần tra của Trung Quốc trên các vùng biển ở Biển Đông, chuyên gia phân tích Gaute Friis thuộc dự án SeaLight thuộc Đại học Stanford cho rằng: “Những cuộc tuần tra như thế này là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền trên biển của mình nơi đang có các tranh chấp”; “bằng cách này, Trung Quốc nhắm tới việc thiết lập một sự hiện diện thường xuyên của mình và dần tiến tới bình thường hoá các hoạt động trên biển ở các khu vực này”. Theo báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), năm 2022 hải cảnh Trung Quốc tuần tra trên các thực thể tăng rất nhiều so với năm 2020, cụ thể: từ 287 lên 344 ngày tại khu vực Scarborough/Hoàng Nham; từ 232 lên 279 ngày tại bãi Cỏ Mây; từ 279 lên 316 ngày tại khu vực Luconia; từ 142 lên 310 ngày tại khu vực Tư Chính. Có nhiều ý kiến đánh giá cho đây là một chiến lược nguy hiểm của Trung Quốc, nhằm thiết lập một sự hiện diện thường xuyên và bình thường hoá các hoạt động trên biển ở các khu vực tranh chấp. Trung Quốc đang cố gắng thách thức các nước láng giềng và quốc tế, để thực hiện kế hoạch xây dựng “vùng kinh tế độc quyền” của mình ở Biển Đông. Việt Nam và các nước cần phải đứng lên bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của mình ở Biển Đông, trước sự xâm lấn và quấy rối của Trung Quốc; đồng thời cũng phải tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và các đối tác chiến lược, để duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông…

Ngày 29/2, tại họp báo thường kỳ, bình luận về việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động trong khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam gần đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ lập trường của Việt Nam là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần: bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982; Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng trên biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, CNN Breaking nhận định rằng căng thẳng ở Bãi Tư Chính không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam và Trung Quốc mà còn tác động sâu rộng đến sự ổn định khu vực và luật biển quốc tế. Việc bà Hằng kiên quyết phản đối cho thấy sự căng thẳng ngày càng leo thang giữa hai quốc gia về quyền và chủ quyền trên biển.

Các vụ việc liên quan tới bãi Tư Chính, bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scarborough tiếp tục là phép thử quan trọng, đòi hỏi các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ, thống nhất hơn nhằm tránh cọ xát leo thang thành điểm nóng xung đột;  đồng thời cũng cần bảo đảm các tranh chấp chủ quyền không làm suy yếu luật pháp quốc tế, nhất là vai trò của Công ước biển Liên Hợp quốc năm 1982 và không ảnh hưởng tiêu cực tới duy trì hòa bình và sự phát triển của khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới